Bắt đầu từ chuyển đổi về cơ chế

Vấn đề an ninh năng lượng, một khái niệm phức tạp liên quan nhiều lĩnh vực, gắn chặt với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia cần được nhìn nhận trực diện. Những khó khăn trong cung ứng xăng dầu trong nước giai đoạn vừa qua làm bộc lộ rõ hơn những yếu kém cần phải sửa đổi của hệ thống cung ứng và bảo đảm năng lượng của nước ta.

Các công cụ thuế và phí đối với xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá mặt hàng đặc biệt này. Ảnh: THU THẢO

Các công cụ thuế và phí đối với xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá mặt hàng đặc biệt này. Ảnh: THU THẢO

An ninh năng lượng và ổn định vĩ mô

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, các lệnh trừng phạt liên tiếp được các bên liên quan áp đặt cho nhau đã gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế thế giới, nhất là lĩnh vực năng lượng bởi nước Nga giữ vị trí hàng đầu thế giới về sản lượng khí đốt, dầu mỏ, than đá và urani. Tờ The Economist ngày 12/3/2022 cho rằng, đây là cú sốc lớn nhất trên thị trường hàng hóa toàn cầu kể từ khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, còn Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhìn nhận, hậu quả của các chính sách cấm vận sẽ còn tệ hại hơn cả đại dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới.

Giá nhiên liệu tăng sẽ khiến cho mặt bằng giá chung của cả xã hội bị đẩy lên cao, tăng nguy cơ lạm phát, làm chậm tốc độ phát triển kinh tế, suy giảm thu nhập thực tế và chất lượng cuộc sống của người dân. Chẳng thế mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã nhận định, năm nay mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 1 điểm phần trăm và đẩy lạm phát, giá tiêu dùng toàn cầu lên xấp xỉ 2,5 điểm phần trăm.

Cũng như những lần khủng hoảng toàn cầu khác, Việt Nam khó có thể đứng ngoài khi chúng ta đã là nền kinh tế lớn thứ 40 của thế giới. Tuy là quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, nhưng chúng ta vẫn phải nhập khẩu dầu thô về để chế biến tại hai nhà máy lọc dầu ở Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa) cũng như phải nhập khẩu điện từ các nước láng giềng. Những khó khăn trong cung ứng xăng dầu trong nước giai đoạn vừa qua có phần từ yếu tố nhà máy lọc dầu, nhưng còn do những yếu kém của hệ thống cung ứng. Những câu chuyện như: doanh nghiệp bị lỗ vốn bán cầm chừng, cây xăng găm hàng chờ tăng giá, cảnh người dân xếp hàng dài chờ mua xăng mỗi khi có tin tăng giá, hay giá cước vận tải, logistics tăng, tàu cá nằm bến,... luôn lặp lại mỗi khi có biến động lớn về giá nhiên liệu.

Nhà nước can thiệp vào thị trường, mức độ nào?

Hiện nay chúng ta điều hành giá xăng dầu vừa sát theo diễn biến giá xăng dầu thế giới, vừa phù hợp tình hình cung cầu xăng dầu trong nước để góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân và hạn chế các hành vi đầu cơ, buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để giữ ổn định hoặc hạn chế mức tăng giá bán xăng dầu trong nước. Việc điều hành kinh doanh xăng dầu luôn được công khai, minh bạch trên các trang thông tin điện tử của Bộ Công thương, Bộ Tài chính để người dân, doanh nghiệp đều có thể theo dõi và giám sát. Tuy nhiên, tới đây có lẽ cần xác định mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường năng lượng theo hướng nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng như Nghị quyết 55-NQ/TW của Trung ương năm 2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu.

Trước đây Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã từng đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, theo các cơ quan quản lý nhà nước, xăng dầu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá nên về nguyên tắc, giá bán xăng dầu trong nước phải được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết, quản lý của nhà nước. Nếu muốn bỏ quỹ, phải sửa đổi các luật này, còn trước mắt có thể rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu thay vì 10 ngày một lần như hiện nay.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng giá xăng, dầu nên được vận hành theo quy luật thị trường và xu hướng chung của thế giới, tuân thủ theo luật chơi và chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, cần có lộ trình và có cơ chế bảo đảm thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu tìm đến các nguồn cung có giá cả cạnh tranh, thực hiện quản trị doanh nghiệp hiện đại để cắt giảm chi phí, chống thất thoát lãng phí để có giá bán tốt nhất cho người tiêu dùng. Hoặc bước đầu có thể coi dầu là tư liệu sản xuất quan trọng nên cần điều tiết, quản lý, bình ổn giá còn xăng thì coi là hàng hóa thông thường cho vận hành theo cơ chế thị trường...

Để bảo đảm yêu cầu chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia theo Nghị quyết của Trung ương, có lẽ chúng ta cần sớm hình thành các cơ sở dự trữ xăng dầu chiến lược cấp quốc gia thuộc hệ thống dự trữ quốc gia theo Luật Dự trữ quốc gia. Trước mắt, vẫn gửi nhờ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như hiện nay để tiết kiệm chi phí. Nhưng dài hạn, Nhà nước cần có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dự trữ chiến lược quốc gia về năng lượng phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ cũng như xây dựng dự trữ quốc gia đủ mạnh, cơ cấu hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ nên khi giá dầu thô tăng cao một cách đột biến, cao hơn nhiều so giá dầu thô bình quân/năm dự kiến trong xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, nên ngân sách sẽ có khoản tăng thu tương ứng. Nếu được cấp có thẩm quyền theo Luật Ngân sách Nhà nước cho phép, có thể sử dụng một phần của số tăng thu này để bình ổn giá, hỗ trợ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân thông qua chính sách thuế, phí như mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Các công cụ thuế và phí đối với xăng dầu, hiện chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá xăng dầu, cần được các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá, xem xét để đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh trong khung thuế suất theo luật định tương ứng và phù hợp các mục tiêu ổn định vĩ mô từng giai đoạn. Việc rà soát, cắt giảm một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu nằm trong xu thế cải cách hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu để thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn và bảo đảm nguồn cung tốt hơn.

Chuyển đổi năng lượng và tiết kiệm năng lượng cũng là những giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là nhờ những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tận dụng lợi thế so sánh, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của nước ta. Ngoài Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành, có lẽ cần xây dựng các luật mới về khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, khuyến khích chuyển đổi, thay thế các thiết bị, công nghệ có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp, phát triển các loại động cơ điện, hỗn hợp xăng-điện hybrid.

Trong bối cảnh những diễn biến và thay đổi khó lường của thị trường năng lượng toàn cầu, từ tình hình cụ thể của mình, chúng ta cần có tư duy, cách làm mới, nhanh chóng nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, điều hành thị trường năng lượng với lộ trình và giải pháp hợp lý, để tiếp tục bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.

Việt Nam đã chấp nhận thị trường bán buôn điện cạnh tranh và dần tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh khi khách hàng sử dụng điện sẽ được lựa chọn, thay đổi đơn vị bán lẻ điện đồng thời thỏa thuận, thống nhất với đơn vị bán lẻ điện về mức giá bán điện. Vậy thì tại sao xăng dầu lại không đi theo xu thế tiến bộ đó?

TRẦN VĂN - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bat-dau-tu-chuyen-doi-ve-co-che-post691497.html