Bắt đầu từ tư duy nhà nông

Trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra ngày 21-8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh phải đưa sầu riêng trở thành sản phẩm quốc gia.

Và đó không phải là chuyện xa vời, bởi sầu riêng có đủ điều kiện để trở thành sản phẩm quốc gia trong tương lai gần.

Sầu riêng ở Nam bộ từ lâu được xem là loại trái cây vua bên cạnh nữ hoàng măng cụt. Từ một loại cây trồng để ăn chơi, giờ đây sầu riêng đang trở thành loại nông sản chính, đem lại thu nhập cao cho nhiều nông dân. Diện tích trồng sầu riêng cả nước hiện đạt khoảng 154.000 ha, sản lượng gần 1,2 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm. 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam khoảng 1,7 tỷ USD, chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thu nhập từ cây sầu riêng ở Bình Phước hiện nay cao hơn các loại cây trong danh sách cây trồng chủ lực, như điều, tiêu, cao su. 1 ha sầu riêng cho thu từ 700-800 triệu đồng, gấp khoảng 10 lần so với cùng một diện tích điều. Chính vì điều này, nhiều nhà nông đã chọn lựa sầu riêng để phát triển kinh tế và làm giàu dù biết đây là loại cây trồng cực kỳ khó tính.

Tính đến hết tháng 6-2024, diện tích sầu riêng của Bình Phước đã đạt hơn 7.500 ha, trong đó có gần 3.500 ha cho sản phẩm với năng suất bình quân 9,9 tạ/ha. Không chỉ diện tích sầu riêng tăng, mà nhiều giống sầu riêng có giá trị kinh tế cao cũng được nông dân bắt nhịp xu hướng đưa vào trồng như Monthong, Musang King.

Thế nhưng để sầu riêng trở thành sản phẩm quốc gia như mong muốn của tư lệnh ngành nông nghiệp, còn là một câu chuyện khá dài.

Theo Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, để trở thành sản phẩm quốc gia, sản phẩm đó phải đáp ứng 4 điều kiện: Sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, có khả năng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; có quy mô lớn, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, có khả năng thay thế hàng hóa nhập khẩu hoặc mang lại giá trị xuất khẩu; có tác động lan tỏa, tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội hoặc quốc phòng - an ninh; phát huy được các lợi thế về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của Việt Nam, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực.

Chỉ với tiêu chí đầu tiên, có thể thấy đó đã là rào cản không dễ vượt qua, khi lâu nay phần lớn nông dân trồng sầu riêng bằng kinh nghiệm của mình. Bên cạnh một số ít nhà nông, cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn, phần lớn sản phẩm không đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu. Nếu áp dụng quy chuẩn, cần một lộ trình bài bản, khoa học và mang tính lâu dài.

Như vậy liên kết các hộ sản xuất theo hướng thành lập hợp tác xã để tạo thành chuỗi ngành hàng đạt tiêu chuẩn, từ đó sản xuất ra sản phẩm đồng đều, thống nhất là một giải pháp bắt buộc nếu hướng tới thị trường xuất khẩu. Nếu sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu được đăng ký bảo hộ, có truy xuất nguồn gốc, cộng thêm quy trình để được cấp mã số vùng trồng và những yêu cầu cần thiết khác, đường xuất khẩu chính ngạch sầu riêng mới được rộng mở.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ký Hiệp định thư thứ hai với Trung Quốc về sản phẩm sầu riêng chế biến như cơm sầu riêng, hạt sầu riêng, sầu riêng đông lạnh. Với hiệp định thư này, cơ hội cho sầu riêng của Việt Nam được mở rộng thêm. Đây là liều “doping” để Nhà nước và người nông dân chung tay sớm hoàn thành nhiệm vụ đưa sầu riêng trở thành sản phẩm quốc gia.

Với tiềm năng có sẵn, thêm quyết tâm mạnh mẽ, mục tiêu này với Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng không phải khó đạt được. Và, bước đi đầu tiên trên con đường này, cần sự chung tay của cả nhà nước, nhà doanh nghiệp và bắt đầu từ thay đổi tư duy sản xuất của nhà nông.

Hồng Cúc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/161839/bat-dau-tu-tu-duy-nha-nong