Xã Ngọc Vân năng động phát triển kinh tế

Xã Ngọc Vân vốn là một vùng quê thuần nông. Nhờ chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của địa phương, sự năng động của người dân, những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống bà con được cải thiện rõ rệt, số hộ nghèo hằng năm giảm.

Đưa công nghiệp về làng

Diện tích đất đai lớn, nguồn lao động dồi dào, giao thông thuận lợi nên Ngọc Vân có điều kiện để thu hút các doanh nghiệp (DN) vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nhằm khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là bộ phận một cửa để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Tích cực phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức các lớp đào tạo nghề, dạy nghề cho người dân; hỗ trợ tuyển dụng, tìm kiếm lao động để các cơ sở, DN có điều kiện mở rộng sản xuất - kinh doanh.

 Công ty TNHH Intermax Việt Nam hoạt động trên địa bàn xã Ngọc Vân đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Công ty TNHH Intermax Việt Nam hoạt động trên địa bàn xã Ngọc Vân đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đồng chí Dương Ngô Khoát, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân cho biết: “Công nghiệp về làng góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của xã. Hiện nay, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng lớn với 47,7%. Toàn xã hiện có hơn 30 DN và hợp tác xã (HTX) đang hoạt động. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 51,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,42%. Đời sống được nâng lên, nhân dân đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, nâng cao chất lượng cuộc sống, tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới (NTM). Tháng 1/2024, Ngọc Vân đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.

Nhờ chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nên Ngọc Vân đã “giữ chân” được nhiều lao động ở lại quê hương. Cả xã hiện có gần 2 nghìn lao động đang làm việc tại các nhà máy, DN trên địa bàn. Chị Hoàng Thị Hiền (SN 1979), công nhân may tổ 2, thôn Đồng Khanh làm việc tại Công ty TNHH Intermax Việt Nam từ những ngày đầu thành lập. Công ty ở gần nhà nên việc đi làm thuận tiện, chị không phải thuê trọ, vừa có thời gian chăm sóc con, vừa tranh thủ chăn nuôi tăng gia sản xuất. Được biết, Công ty TNHH Intermax Việt Nam là DN 100% vốn Hàn Quốc hoạt động từ năm 2017, chuyên sản xuất hàng may mặc, xuất khẩu chủ yếu sang thị trường châu Âu. Hiện DN có 1,1 nghìn công nhân; thu nhập bình quân 8-11 triệu đồng/người/tháng.

Nâng cao thu nhập, chăm lo an sinh

Làng quê ở Ngọc Vân hôm nay đã xuất hiện nhiều nhà máy, xưởng sản xuất, hàng quán kinh doanh tấp nập. Những ngôi nhà cao tầng thiết kế vững chắc, đẹp, hiện đại ngày càng nhiều. Hệ thống đường giao thông, nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống dân sinh.

Dẫn chúng tôi thăm một số nơi trong xã, anh Nguyễn Duy Nam, công chức văn hóa xã giới thiệu: “Chợ Ngọc Vân chuyên họp buổi chiều và rất sầm uất. Sát đó là khu dân cư mới có nhiều cửa hàng kinh doanh đa dạng ngành hàng, buổi tối càng tấp nập như phố thị. Mỗi lô đất ở đây có giá hàng tỷ đồng vì gần công ty, gần chợ, giao thông thuận tiện. Ngọc Vân phấn đấu sớm trở thành thị trấn thuộc huyện”.

Đời sống được nâng lên, nhân dân đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, nâng cao chất lượng cuộc sống, tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM. Tháng 1/2024, Ngọc Vân đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.

Từ một xã thuần nông, đến nay, nhịp sống công nghiệp ở Ngọc Vân dần hiện rõ. Nhà máy về làng đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm và đời sống của bà con nơi đây. Trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu như: Kẹo chè lam Dà Liên (sản phẩm OCOP 3 sao); HTX Dược liệu Ngọc Vân... Tuy nhiên xã vẫn còn 66 hộ nghèo (tỷ lệ 2,42%), 63 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,31%). Số hộ này chủ yếu là hộ người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, đơn thân nuôi con nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hầu hết không có khả năng lao động hoặc lao động hạn chế do tuổi cao, sức khỏe yếu hoặc khuyết tật.

Do đó, để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xã chỉ đạo lồng ghép thực hiện phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với thi đua xây dựng NTM. Ủy ban MTTQ xã và các tổ chức thành viên tích cực triển khai cuộc vận động Vì người nghèo, xây dựng quỹ Vì người nghèo.

 Hộ ông Dương Văn Tròn (đứng giữa) thôn Núi Ính vừa được hỗ trợ kinh phí xây nhà.

Hộ ông Dương Văn Tròn (đứng giữa) thôn Núi Ính vừa được hỗ trợ kinh phí xây nhà.

Từ năm 2023 đến nay, xã đã phối hợp với các đoàn thể, tổ chức thiện nguyện hỗ trợ xây mới, sửa chữa 13 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo; kinh phí hỗ trợ hơn 600 triệu đồng; 100% hộ nghèo, cận nghèo được tặng quà dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, xã dành nguồn lực tập trung xóa 5 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Gia đình ông Dương Văn Tròn (SN 1954) ở thôn Núi Ính là hộ nghèo đã nhiều năm. Căn nhà cũ xuống cấp, hư hỏng nhiều khiến ông và cháu nội luôn lo lắng mỗi khi mưa bão.

Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, ông được hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà (trong đó Hội Cựu chiến binh huyện hỗ trợ 30 triệu đồng; xã Ngọc Vân hỗ trợ 10 triệu đồng) và hàng chục ngày công lao động từ các tổ chức đoàn thể ở thôn, xã. Công trình hoàn thành cuối tháng 7 với diện tích 75 m2, tường gạch, mái tôn, nhà vệ sinh khép kín. Từ ngày được sống trong ngôi nhà mới, ông Tròn phấn khởi, yên tâm khi mùa mưa bão đến.

Từ những kết quả đạt được, Đảng ủy, UBND xã Ngọc Vân rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo là sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy đảng, điều hành sát sao của chính quyền; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Khai thác, phát huy những lợi thế địa phương trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự lực tự cường, vượt khó vươn lên của người nghèo.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/xa-ngoc-van-nang-dong-phat-trien-kinh-te-141809.bbg