Bật đèn khẩn cấp khi lái xe dưới trời mưa bão: An toàn hơn hay nguy hiểm hơn?

Việc có nên bật đèn khẩn cấp hay còn gọi là đèn cảnh báo nguy hiểm (đèn hazard) khi lái xe dưới trời mưa bão, giông gió hay không vẫn là một chủ đề gây tranh cãi gay gắt trong cộng đồng tài xế ô tô Việt Nam suốt nhiều năm qua.

Mỗi khi trời mưa to, gió lớn, không ít tài xế có thói quen bật đèn khẩn cấp hay còn gọi là đèn cảnh báo nguy hiểm (đèn hazard). Tuy nhiên, rất nhiều tranh luận đúng - sai liên quan đến vấn đề này đã xảy ra trên mạng xã hội.

An toàn hơn hay nguy hiểm hơn?

Với những người ủng hộ bật đèn hazard khi lái xe trời mưa bão, họ cho rằng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tầm nhìn hạn chế, đây là hành động cần thiết để tăng khả năng nhận diện, giúp cho các phương tiện đi phía sau dễ nhận ra xe mình từ xa, qua đó giữ khoảng cách an toàn và tránh được va chạm đáng tiếc.

Việc bật đèn hazard khi đi trời mưa bão vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa

Việc bật đèn hazard khi đi trời mưa bão vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa

Nhiều người còn lập luận rằng mưa lớn mịt mù cũng là một "tình huống nguy hiểm", do đó việc sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm là hoàn toàn hợp lý.

Anh Trần Bá Hùng - một tài xế có hơn 10 năm kinh nghiệm lái xe ở Hà Nội chia sẻ: "Khi trời mưa như trút nước, việc bật đèn hazard giúp tôi cảm thấy yên tâm hơn khi các phương tiện xung quanh có thể nhìn thấy xe mình rõ hơn."

Ngược lại, cũng có không ít ý kiến phản đối, cho rằng việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và không đúng với công năng của đèn hazard mà nhà sản xuất ô tô đã quy định, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Các lý do chính được đưa ra để phản đối việc bật đèn cảnh báo nguy hiểm khi lái xe trong điều kiện mưa to gió lớn, bao gồm việc gây bối rối cho nhiều tài xế khác khiến họ không phân biệt được đâu là xe đang chạy và đâu là xe đang dừng vì gặp sự cố. Ngoài ra, khi bật đèn hazard, đèn xi nhan sẽ bị vô hiệu hóa, điều này rất nguy hiểm khi tài xế muốn chuyển làn hoặc rẽ.

Việc các xe đồng loạt bật đèn hazard là một sai lầm phổ biến và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng. Ảnh: How Stuff Works

Việc các xe đồng loạt bật đèn hazard là một sai lầm phổ biến và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng. Ảnh: How Stuff Works

Cuối cùng, công dụng của đèn này là dùng trong trong các trường hợp khẩn cấp thực sự như xe hỏng hóc phải dừng lại trên đường, xe gặp tai nạn, hoặc khi kéo xe khác. Nhưng hiện nay, ngay cả trời quang mây tạnh, nhiều người vẫn thích bật đèn hazard để tự cho mình quyền được ưu tiên.

Trước đó, anh Lê Mạnh Linh - quản trị viên diễn đàn "Anh Em Mê Xe" cũng đã từng phát bực về việc hàng loạt các xe đang di chuyển trên đường cao tốc bật đèn hazard khiến anh không thể định hướng được phía trước để di chuyển.

Góc nhìn từ luật giao thông và lời khuyên của chuyên gia

Về mặt pháp lý, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Việt Nam hiện nay chưa đề cập cụ thể về việc sử dụng đèn khẩn cấp trong điều kiện trời mưa bão.

Trong trường hợp "tầm nhìn bị hạn chế" (có thể hiểu là khi trời mưa bão - PV), theo điểm c, khoản 1, Điều 12 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tài xế ô tô, xe máy phải "giảm tốc độ", hoặc "dừng lại" để đảm bảo an toàn.

Đồng thời, khoản 1, Điều 20 của Luật này có đề cập đến quy định sử dụng đèn pha, cụ thể là: "Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải bật đèn chiếu sáng phía trước trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn".

Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP ban hành ngày 16/12/2024 (điểm g, khoản 3, Điều 6), khi không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian và trong điều kiện thời tiết xấu như trên, tài xế sẽ bị phạt từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.

Liên quan đến đèn khẩn cấp, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chỉ đề cập đến việc sử dụng đèn này khi dừng, đỗ xe ở trạng thái gặp sự cố. Cụ thể, điểm c, khoản 1, Điều 6, Nghị định 168/2024 quy định, tài xế ô tô bị phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng khi "Không báo hiệu bằng đèn khẩn cấp hoặc không đặt biển cảnh báo “Chú ý xe đỗ” theo quy định trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật (hoặc bất khả kháng khác) buộc phải đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc tại nơi không được phép đỗ xe".

Ở khía cạnh kỹ năng lái xe an toàn, khác với quan điểm của nhiều người dùng, một số chuyên gia giao thông và các trung tâm đào tạo lái xe uy tín khuyến cáo tài xế không nên bật đèn hazard khi xe đang lưu thông trên đường, ngay cả trong điều kiện trời mưa lớn.

Anh Phạm Quốc Minh, thầy giáo dạy lái xe tại một trung tâm lái xe ở Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, để đảm bảo an toàn khi lái xe dưới trời mưa bão, các tài xế cần tuân thủ các nguyên tắc lái xe như bật đèn chiếu sáng, bật đèn sương mù trước sau (nếu có), giảm tốc độ xe phù hợp với điều kiện tầm nhìn và tình trạng mặt đường.

Tiếp theo, tài xế cần duy trì khoảng cách xa hơn bình thường với các phương tiện phía trước để có đủ thời gian xử lý các tình huống bất ngờ, luôn tập trung quan sát tối đa.

Chuyên gia về ô tô Nguyễn Thúc Hoàng Linh cũng chỉ ra: "Nếu tầm nhìn quá hạn chế do mưa quá to, hãy tìm một nơi an toàn để dừng xe, bật đèn hazard và đợi mưa ngợt rồi mới tiếp tục di chuyển tiếp."

Mặc dù cuộc tranh cãi về việc bật đèn hazard khi trời mưa bão vẫn chưa có hồi kết trong cộng đồng, nhưng dựa trên các phân tích về an toàn và khuyến cáo từ chuyên gia, việc không nên bật đèn hazard khi xe vẫn đang di chuyển là lựa chọn an toàn và hợp lý hơn.

Thay vào đó, tài xế nên sử dụng đúng các loại đèn chiếu sáng theo quy định và tuân thủ các nguyên tắc lái xe an toàn khác để bảo vệ bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Ngô Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bat-den-khan-cap-khi-lai-xe-duoi-troi-mua-bao-an-toan-hon-hay-nguy-hiem-hon-2424445.html