'Bật đèn xanh' cho dạy thêm, học thêm (Bài 2): Các nhà trường nói gì?

Nếu như trước đây, Thông tư số 17 yêu cầu giáo viên không được dạy thêm cho học sinh chính khóa, thì trong Dự thảo thông tư lần này, tại Khoản 2 Điều 5 quy định: Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.

Một giờ học thêm tại trường của các em học sinh Trường THCS Hà Bình (Hà Trung).

Một giờ học thêm tại trường của các em học sinh Trường THCS Hà Bình (Hà Trung).

Niềm vui mà chưa thấy vui

Trường TH&THCS Hoằng Đức 1 (xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa) có 29 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 372 học sinh. Nhiều năm giảng dạy tại trường, cô giáo Lương Thị Thủy, cho biết: Phần đông các phụ huynh của trường là công nhân. Ngoài thời gian eo hẹp, không ít phụ huynh do hạn chế về trình độ nên khá khó khăn trong việc dạy con học ở nhà. Hiện đang dạy lớp 5 với 26 học sinh, cô Thủy rất thông cảm với hoàn cảnh của từng học sinh. Tuy nhiên vì quy định không được dạy thêm tại nhà đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; và cũng vì sức khỏe không tốt, nhà lại chật hẹp... nên cô đã thực hiện nghiêm túc việc này. Cô nói: “Phụ huynh có mong muốn, nhu cầu, tôi nghĩ việc phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng cho học sinh giỏi cũng là cần thiết. Khi Nhà nước cho phép dạy thêm, nếu tôi có đủ điều kiện, đủ sức khỏe, có thể tôi cũng sẽ dạy thêm ở ngoài nhà trường”.

Chung tâm trạng này, cô giáo Lê Thị Huyền, giáo viên lớp 1A Trường Tiểu học Lê Xuân Lan (xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa), cho biết: Hiện lớp tôi có 41 học sinh, đến nay, dù đã đi qua nửa học kỳ I, vẫn còn có một số em chưa đọc, viết được. Phụ huynh khá lo lắng, còn cô giáo, bằng mọi biện pháp, tận dụng thời gian trên lớp để kèm cặp các học sinh này. Cô Huyền cho biết: “Nếu có thông tư nới lỏng việc dạy thêm thì tôi nghĩ cũng là phù hợp với nhu cầu của khá nhiều phụ huynh, học sinh”.

Trường Tiểu học Quảng Hưng (phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa), hiện có 850 học sinh. Năm học 2024-2025, ngoài duy trì chất lượng đại trà, để nâng cao chất lượng mũi nhọn, qua nhu cầu của học sinh cùng sự đồng thuận của phụ huynh, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng cho học sinh mũi nhọn khối 3, 4, 5 sáng thứ 7, không thu tiền.

Cô Nguyễn Thị Hương, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Dự thảo thông tư này đã được ban giám hiệu triển khai đến các giáo viên, và đa số mọi người đón nhận với tâm lý thoải mái. Nếu thông tư được ban hành, chúng tôi sẽ triển khai hướng dẫn thực hiện từ đó có giám sát, kiểm tra không chỉ về cơ sở vật chất mà còn cả chương trình, kiến thức cùng kỹ năng dạy học của các thầy, cô để đảm bảo sự tin tưởng của phụ huynh học sinh.

Dù Dự thảo thông tư đã “bật đèn xanh” cho việc dạy thêm, song vẫn còn đó những băn khoăn, lo lắng. Về phía phụ huynh, anh N.Đ.H. (thị xã Nghi Sơn), cho biết: Tôi không phản đối việc dạy thêm, học thêm. Điều tôi mong chờ nhất là bằng cái tâm sáng, các thầy, cô sẽ truyền thụ hết kiến thức cho học sinh, khơi dậy khát khao học tập, vươn lên của các con. Bởi lời các thầy, cô truyền đạt cho các con, có giá trị hơn hàng vạn lần phụ huynh nói”.

Trăn trở của nhà trường

Theo cô Đỗ Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Nhân (xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn) thì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình học 2 buổi/ngày, với không quá 7 tiết/ngày. Mục tiêu của chương trình là giúp học sinh giảm được áp lực học tập, tạo môi trường cho các em được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học, phát huy năng lực đã đạt được trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn. “Việc bố trí chương trình như vậy là phù hợp với tâm lý học, giáo dục học, đảm bảo tính vừa sức; phù hợp với quá trình nhận thức, học kết hợp với thực hành, luyện tập, giúp học sinh củng cố và khắc sâu kiến thức, kỹ năng”. Cô Đỗ Thị Thu còn khẳng định: “Vì thế, đối với học sinh tiểu học không cần thiết học thêm, bởi chương trình không quá khó và giáo viên “đủ sức” dạy cho học sinh”.

Thầy Nguyễn Anh Văn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hà Trung (Hà Trung) thẳng thắn cho biết: “Chúng tôi dạy 2 buổi/ngày, căng đét rồi. Nếu học thêm thì học vào lúc nào?. Vấn đề quản lý giáo viên dạy thêm cũng sẽ rất phức tạp...”.

Về công tác quản lý giáo viên, thầy Lê Quang Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Xuân Lan (xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa) cho rằng: Kể cả giáo viên có được “nới lỏng” việc dạy thêm thì cũng phải chịu sự chỉ đạo, quản lý của nhà trường. Quan trọng hơn hết phải xuất phát từ nguyện vọng chính đáng và việc làm phù hợp với đạo đức nghề nghiệp của giáo viên. Nếu thông tư được ban hành, theo tôi phải gắn việc cam kết không vi phạm quy định dạy thêm, học thêm với đánh giá viên chức hàng năm.

Đồng quan điểm về việc nới lỏng dạy thêm, học thêm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Bình (xã Hà Bình, huyện Hà Trung), thầy giáo Nguyễn Văn Hảo cho rằng: Mục tiêu mà dự thảo hướng tới là làm sao để quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch để khi có ý kiến thắc mắc, khi có thanh, kiểm tra thì mọi thứ đều phải có giấy tờ xác minh.

Việc dạy thêm trong nhà trường phải được tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với hiệu trưởng đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận. Đối với các môn học có đề xuất việc dạy thêm, học thêm thì phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp.

“Căn cứ đề xuất của tổ chuyên môn, hiệu trưởng sẽ tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, ban đại diện cha mẹ học sinh để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh", thầy giáo Nguyễn Văn Hảo cho biết thêm.

Trong khi đó cũng không ít nhà trường ủng hộ việc dạy thêm, học thêm. Đồng tình với dự thảo thông tư, thầy giáo Nguyễn Như Tới, Hiệu trưởng Trường THCS Trúc Lâm (phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn) khẳng định: “Nhu cầu dạy thêm, học thêm là khá lớn, vì các phụ huynh đều mong muốn con đỗ vào trường THPT công lập”. Tuy nhiên, thầy Tới cũng băn khoăn với nội dung của Điều 6 về việc thu và quản lý tiền học thêm, dự thảo hướng dẫn cụ thể: Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm. “Lâu nay, mức thu tiền học phí ở trường công lập được Nhà nước quy định chặt chẽ và khống chế mức giá. Tuy nhiên, với dự thảo thông tư mới, giá cả các lớp dạy thêm được “thỏa thuận”, “công khai thông báo giá” giữa giáo viên và phụ huynh, sẽ dễ tạo điều kiện cho việc tự ý tăng học phí và khó kiểm soát chất lượng giảng dạy”.

Trường Tiểu học Trúc Lâm (phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn) có 832 học sinh với 18 giáo viên. Theo quy định, nhà trường hiện thiếu 6 giáo viên. Căn cứ vào tình hình thực tế của trường hiện nay, hiệu trưởng Hoàng Thị Nhàn cho biết: "Nếu chỉ học ở trên lớp với 1 buổi/ngày và với tình trạng thiếu nhiều giáo viên như hiện nay, đối với nhà trường chúng tôi rất bị hạn chế về mặt thời gian, lượng kiến thức để truyền tải cho học sinh thì nhiều. Vì thế, các thầy, cô giáo nhà trường tha thiết muốn được dạy thêm trong trường”.

Dù chỉ mới đang ở dạng dự thảo nhưng thông tư về dạy thêm, học thêm đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) thì quan trọng là cách quản lý và điều chỉnh để hoạt động này diễn ra lành mạnh. "Việc dạy thêm xuất phát từ nhu cầu học hỏi của học sinh và phụ huynh. Thay vì cấm đoán, chúng ta cần tạo điều kiện để hoạt động này diễn ra một cách minh bạch, chất lượng và không gây áp lực cho học sinh”.

Dự thảo sau khi được ban hành, có thể thời gian đầu, giáo viên, nhà trường sẽ gặp khó khăn trong công tác quản lý, nhưng chắc chắn sẽ gỡ bỏ được tâm lý của học sinh và giáo viên. Không thể vì nhìn thấy “một số con sâu” mà quy chụp cho tất cả giáo viên. Trên hành trình đưa những chuyến đò sang sông, gập ghềnh là khó tránh khỏi. Và việc dạy thêm, học thêm cũng chỉ nhằm mục đích đưa những chuyến đò ấy đi thuận lợi và đến đích nhanh hơn.

Bảo Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bat-den-xanh-cho-day-them-hoc-them-bai-2-nbsp-cac-nha-truong-noi-gi-230681.htm