Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh
Tình trạng thiếu giáo viên môn tiếng Anh tại các trường học trên địa bàn huyện Phù Yên trong những năm qua, đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh trên địa bàn.
Thực trạng thiếu giáo viên tiếng AnhTheo Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập củaBộ Giáo dục và Đào tạo quy định, đối với bậc tiểu học, tỷ lệ giáo viên tiếng Anh phải đạt 1,5 giáo viên/lớp; bậc THCS là 1,9 giáo viên tiếng Anh/lớp; các trường PTDTBT định biên là 2,2 giáo viên/lớp. Số tiết môn tiếng Anh đối với bậc tiểu học đạt từ 23 tiết/tuần; bậc THCS là 17 tiết/tuần.Trong năm học 2024-2025, huyện Phù Yên có 29 trường bậc tiểu học, trên 500 lớp và 29 trường bậc THCS, trên 400 lớp. Toàn huyện có 20 giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, đạt 1,24 giáo viên/lớp và 36 giáo viên tiếng Anh bậc THCS, đạt 1,5 giáo viên/lớp. Như vậy, theo định biên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, huyện Phù Yên còn thiếu 26 giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học và 11 giáo viên tiếng Anh bậc THCS. Đảm bảo số tiết học tiếng Anh trên lớp theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, buộc các giáo viên bộ môn tiếng Anh của các trường phải tăng thêm giờ dạy.Tại Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Kim Bon, xã Kim Bon, có 30 lớp học của cả hai bậc. Tuy nhiên, số giáo viên dạy môn tiếng Anh chỉ có 3 thầy, cô. Thầy giáo Phạm Văn Liêm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Đảm bảo đủ tiết học theo quy định, nhà trường phải tiến hành học ghép từ 1-2 lớp/tiết học tại điểm trường trung tâm thông qua phương pháp học trực tuyến. Còn đối với điểm trường ở các bản, nhà trường tổ chức dạy 2 điểm trường trong một buổi hoặc chuyển sang học buổi chiều. Nhà trường cũng đã nhiều lần kiến nghị với Phòng Giáo dục và Đào tạo bổ sung giáo viên nhưng hiện tại chưa có nguồn tuyển giáo viên.Còn tại Trường Tiểu học Quang Huy, xã Quang Huy, ngay gần trung tâm huyện, cũng chỉ có 2 giáo viên tiếng Anh, nên nhà trường tổ chức dạy ghép 2 lớp/tiết học hoặc dạy học thông qua hình thức trực tuyến.Cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học Quang Huy, chia sẻ: Việc dạy ghép lớp hoặc dạy học thông qua hình thức trực tuyến phần nào giúp chúng tôi đảm bảo số tiết lên lớp. Tuy nhiên, việc kiểm soát quá trình học tập của các em gặp nhiều khó khăn, do không được tương tác trực tiếp với học sinh.Trao đổi về vấn đề này, bà Lường Thị Thắm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên, cho biết: Tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một phần là do số lớp, số học sinh của các năm học tăng theo từng năm. Trong khi địa phương không tuyển dụng được giáo viên do không có nguồn tuyển. Việc giao biên chế bổ sung hằng năm chưa đảm bảo theo định mức quy định…Bên cạnh đó, theo quy định của Chính phủ, việc thi tuyển, xét tuyển viên chức chỉ được đăng ký tuyển dụng vào 1 vị trí việc làm duy nhất. Vì vậy, nhiều trường học ở các xã vùng III của huyện không có người đăng ký dự tuyển, còn các xã thuận lợi có số lượng dự tuyển cao hơn định mức biên chế được phân bổ.
Đảm bảo chương trình học tiếng Anh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên đã chỉ đạo các trường áp dụng phương án dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Sử dụng các nền tảng số kiểm soát chất lượng học tập và đánh giá năng lực học tập, mức độ tiếp thu của học sinh qua việc giao bài cho học sinh theo tuần.Đối với các trường thuộc các xã vùng III, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, chỉ đạo các trường dồn ghép, sắp xếp trường, điểm trường, lớp học để tổ chức học 2 buổi/ngày. Đồng thời, điều động giáo viên từ các trường bậc THCS hỗ trợ, tăng cường cho các trường tiểu học thiếu giáo viên dạy tiếng Anh.Sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viênTheo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, từ năm học 2022-2023, các trường tiểu học bắt buộc phải triển khai dạy môn tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5; đồng nghĩa với việc số tiết, giờ dạy tăng theo. Với tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, việc giảng dạy bộ môn tiếng Anh gặp nhiều trở ngại nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Ông Lê Quang Đạt, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên, cho biết thêm: Phòng đã phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu với UBND huyện kiến nghị Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo bổ sung biên chế giáo viên tiếng Anh cho các nhà trường. Bên cạnh đó, huyện cũng chủ động tìm nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh từ các trường đại học, nhằm sớm bổ sung nguồn giáo viên cho các trường học trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các trường học rà soát, thống kê cơ sở vật chất còn thiếu để bổ sung, đảm bảo tổ chức thực hiện việc dạy trực tuyến khi không thể tuyển dụng được giáo viên tiếng Anh.Trong “kỷ nguyên vươn mình” của đất nước, các môn học ngoại ngữ, nhất là môn tiếng Anh có vai trò quan trọng để hội nhập quốc tế. Vì vậy, các cấp, các ngành cần quan tâm, sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh tại các trường học trên địa bàn huyện Phù Yên nói riêng và toàn tỉnh nói chung.