Bất đồng lời khai về 'trùm cuối' vụ đánh bạc 106 triệu USD ở khách sạn Pullman

Quá trình điều tra vụ đánh bạc 106 triệu USD ở khách sạn Pullman Hà Nội, đã có những mâu thuẫn trong lời khai về việc ai mới là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Việt Hải Đăng.

Như VietNamNet đã đưa, VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 140 bị can liên quan đến vụ đánh bạc xảy ra tại khách sạn Pullman Hà Nội. Trong số các bị can bị truy tố có cả người nước ngoài, cựu phó chủ tịch tỉnh, cựu cán bộ, ca sĩ, bác sĩ, giám đốc, tổng giám đốc...

Theo cáo buộc, Công ty Việt Hải Đăng có trụ sở chính tại TPHCM, được thành lập năm 2000, có chức năng kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Công ty Việt Hải Đăng có 4 chi nhánh, trong đó King Club đặt tại tầng 1 khách sạn Pullman, Hà Nội.

Ngày 28/10/2019, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Việt Hải Đăng và Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc King Club ký hợp đồng quản lý và vận hành King Club trong thời hạn 5 năm với Công ty TNHH HS Development Việt Nam (Công ty HS) do Kim In Sung (Quốc tịch Hàn Quốc) làm Giám đốc và người đại diện theo pháp luật.

Theo nội dung hợp đồng, Công ty HS được kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tại King Club, hưởng 100% lợi nhuận. Công ty HS phải trả cho King Club chi phí để được quyền kinh doanh...

Công ty có chức năng kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài nhưng lại cho người Việt vào chơi là phạm pháp. Ảnh minh họa

Công ty có chức năng kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài nhưng lại cho người Việt vào chơi là phạm pháp. Ảnh minh họa

Bất đồng lời khai

Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Đình Lâm khai, ông Võ Văn Hồng là chủ sở hữu Công ty Việt Hải Đăng. Sau khi nhận chuyển nhượng Công ty Việt Hải Đăng từ một Việt kiều Úc, ông Hồng đã giao cho Trần Văn Long đứng tên chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc (góp 70% vốn điều lệ), là người đại diện theo pháp luật; Nguyễn Đình Lâm, Phó Tổng giám đốc (góp 30% vốn điều lệ), trực tiếp quản lý, điều hành King Club. Nhưng trên thực tế, ông Long và Lâm chỉ đứng tên hộ, không góp cổ phần.

Vẫn theo lời khai của ông Lâm, cuối năm 2019, do King Club kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, ông Hồng chỉ đạo ông Lâm đàm phán, thỏa thuận với Công ty HS (đại diện là ông Kim In Sung) để cho thuê Giấy phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tại King Club. Ông Hồng chỉ đạo ông Long và Lâm ký hợp đồng quản lý, vận hành King Club với Kim In Sung. Khi Kim In Sung đề nghị cho người Việt Nam đến King Club chơi, ông Long và Lâm đã xin phép và được ông Hồng đồng ý.

Còn theo lời khai của ông Trần Văn Long, năm 2009, ông Long và Lâm mua lại Công ty Việt Hải Đăng. Năm 2019, khi ký hợp đồng quản lý, vận hành King Club với phía Hàn Quốc, chỉ có sự tham gia của ông Long và Lâm, còn ông Võ Văn Hồng không tham gia hoạt động nào của Công ty Việt Hải Đăng.

Trong khi đó, ông Võ Văn Hồng cũng có lời khai cho rằng mình không phải là chủ sở hữu của Công ty Việt Hải Đăng. Ông Hồng chỉ tư vấn cho ông Long và Lâm việc mua lại Công ty Việt Hải Đăng.

VKSND Tối cao cho rằng, ngoài lời khai của ông Lâm, không thu thập được tài liệu, chứng cứ khác chứng minh việc ông Hồng là chủ sở hữu Công ty Việt Hải Đăng và chỉ đạo cho người Việt Nam chơi trò chơi điện tử có thưởng tại King Club.

Kết quả điều tra đến nay chỉ xác định được ông Long là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Việt Hải Đăng; bị can Lâm là Phó TGĐ Công ty Việt Hải Đăng; bị can Phan Trường Giang là Giám đốc King Club (thay cho bị can Lâm từ cuối năm 2022). Ông Hồng không đứng tên trên Giấy đăng ký kinh doanh của King Club và Công ty Việt Hải Đăng, cũng không ký hợp đồng quản lý, vận hành King Club với Kim In Sung (đại diện Công ty HS).

Theo VKSND Tối cao, không có căn cứ chứng minh ông Hồng nhận tiền lệ phí kinh doanh King Club hoặc lợi nhuận do Công ty HS trả từ bị can Lâm, do đó, không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với Võ Văn Hồng về hành vi tổ chức đánh bạc.

Nội dung cáo trạng cho rằng, theo hợp đồng quản lý và vận hành Câu lạc bộ King Club giữa Công ty Việt Hải Đăng và Công ty HS thì Công ty HS được kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tại King Club ở địa chỉ số 40 Cát Linh, Hà Nội phải chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam, phải tự chịu trách nhiệm về toàn bộ các hoạt động kinh doanh của mình theo pháp luật Việt Nam và được hưởng 100% lợi nhuận.

Ông Trần Văn Long khai đã cùng ông Lâm ký kết hợp đồng quản lý, vận hành King Club với tư cách đại diện cho Công ty Việt Hải Đăng. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng thì ông Long đã ủy quyền toàn bộ cho Nguyễn Đình Lâm và Phan Trường Giang chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của King Club nên không biết việc người Việt Nam chơi trò chơi điện tử có thưởng tại King Club và King Club không chuyển lợi nhuận cho Công ty Việt Hải Đăng ở trụ sở chính tại TPHCM...

Hai ca sĩ bị truy tố trong vụ này là Nguyễn Thế Vũ và Vũ Ngọc Hà. Cáo trạng xác định, từ ngày 8/2/2024- 22/6/2024, ca sĩ Nguyễn Thế Vũ đã đánh bạc 116 lần bằng hình thức chơi Slot, Baccarat, với tổng số tiền sử dụng vào việc đánh bạc là hơn 4,3 triệu USD. Lần chơi nhiều nhất là hơn 162.871 USD (tương đương 3,9 tỷ đồng), thua 81.761 USD (tương đương hơn 1,9 tỷ đồng).

Trong khi đó, ca sĩ Vũ Ngọc Hà cũng bỏ hơn 2.600 USD (tương đương 63 triệu đồng) ra đánh bạc, thua hơn 4 triệu đồng.

Và số tiền đánh bạc trên của 2 ca sĩ không thấm vào đâu so với số tiền hơn 7 triệu USD mà ông Hồ Đại Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũ) đã chi ra để đánh bạc tại khách sạn Pullman.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bat-dong-loi-khai-ve-trum-cuoi-vu-danh-bac-106-trieu-usd-o-khach-san-pullman-2418625.html