Bất động sản công nghiệp: 'Điểm sáng' tăng trưởng, nhiều tiềm năng phát triển
i dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các phân khúc của thị trường bất động sản (BĐS) đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, BĐS công nghiệp đã và đang được đánh giá là một trong những phân khúc có đà tăng trưởng tốt không chỉ sau dịch bệnh mà còn trong tương lai.
Phân khúc hấp dẫn nhất trên thị trường bất động sản
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, đại dịch Covid-19 năm 2020 đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Quý I, khi bắt đầu xuất hiện dịch Covid-19, cả xã hội, cả nền kinh tế hoang mang và gần như tê liệt, đóng băng. Cho nên trong quý I, hấp thụ sản phẩm giao dịch trên thị trường chỉ đạt 14%.
Quý II/2020, sau 4 tháng ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, thị trường bất động sản ngay lập tức trỗi dậy đầu tiên vì lượng cầu lớn, do đó quý 2 nâng lên 37% độ hấp thụ của thị trường. Quý III, có sự phấn chấn trở lại, niềm tin trở lại thị trường bất động sản cũng như sự phát triển của các ngành kinh tế khác độ hấp thụ trên thị trường lên tới 50%.
Bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã và đang được đánh giá là một trong những phân khúc có đà tăng trưởng tốt, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.
Qua từng quý, thị trường bất động sản có sự tăng tốc trở lại. Dự báo trong quý IV, chỉ số này sẽ tốt hơn và trở lại quy luật của mọi năm là quý cuối năm ghi nhận thị trường bất động sản sôi động nhất trong năm.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục tăng qua các năm và làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc là nền tảng cho sự cất cánh của BĐS công nghiệp Việt Nam.
Mới đây, Tập đoàn Logos (Australia) vừa đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để tiến vào thị trường Việt Nam. Theo chia sẻ của ông Gienn Hughes - Giám đốc điều hành Logos Việt Nam, quyết định này được đưa ra ở thời điểm chín muồi. Việt Nam được đánh giá có hệ thái doanh nghiệp đang phát triển rất tốt và được kỳ vọng là điểm đến mới, mục tiêu mới cho các tập đoàn lựa chọn thiết lập cơ sở sản xuất.
Trong động thái tương tự, Công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation (Hàn Quốc) đã đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley tại Bắc Ninh. Ngoài ra, “gã khổng lồ” phát triển kho bãi ở châu Á GLP cũng đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistics Partners Việt Nam.
Về đầu tư trong nước, theo cập nhật từ Savills Việt Nam, Công ty CP TIZCO và Công ty CP Quản lý khu công nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ tham gia đầu tư góp vốn vào Khu công nghiệp (KCN) Việt Phát (Long An) vào năm 2021. Hiện giá trị thương vụ góp vốn này vẫn chưa được tiết lộ.
Khơi dậy tiềm năng phát triển
Lý giải việc Việt Nam trở thành “điểm nóng” đầu tư bất động sản công nghiệp, Savills cho rằng một trong những lý do chính là mức lương ngành sản xuất còn khá rẻ (bình quân khoảng 5,796 triệu đồng).
Hơn nữa, chi phí xây dựng nhà xưởng, kho chứa tại Việt Nam cũng rẻ hơn so với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Chẳng hạn, chi phí xây dựng nhà xưởng tại Việt Nam khoảng 300USD/m2 và ở mức 600USD/m2 đối với nhà máy công nghệ cao, trong khi tại Trung Quốc thường lên tới 400 - 700USD/m2.
Các tập đoàn đa quốc gia đang tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm cho ngành công nghiệp, trong đó Việt Nam đang là sự lựa chọn ưu tiên.
Ngoài ra, chi phí sản xuất ở Việt Nam là dưới 1 USD/giờ - mức thấp nhất trong ASEAN, chi phí lao động trung bình ước tính thấp hơn 43% so với Thái Lan và thấp hơn 10% so với Indonesia.
Bên cạnh đó, xu hướng “Trung Quốc+1” dẫn đến nhu cầu lớn hơn về địa điểm cho ngành công nghiệp. Các tập đoàn đa quốc gia đang tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm, trong đó Việt Nam đang là sự lựa chọn ưu tiên so với nhiều nước khác ngoài Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam sở hữu vị trí địa lý thuận lợi là điểm trung chuyển hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Á qua cảng Cát Lái và hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU qua khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Do đó, Việt Nam có lợi thế lớn cho xuất nhập khẩu hàng hóa các ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển logistics.
Môi trường đầu tư của Việt Nam đang nỗ lực đổi mới và ngày càng cải thiện. Những thay đổi về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa, góp phần đẩy mạnh hoạt động đầu tư nước ngoài.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm, sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp đã khiến thị trường bất động sản công nghiệp nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất trong giai đoạn tới.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh - Phó Giám đốc Tư vấn Đầu tư - Savills Hà Nội, phân khúc bất động sản công nghiệp đang thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt để tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại và xu hướng dịch chuyển nhà máy rời khỏi Trung Quốc, trong đó Việt Nam và Indonesia là 2 thị trường chính được hưởng lợi.
Nhờ lợi thế về chi phí ở mức hấp dẫn, cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ đến từ Chính phủ cũng như việc khống chế được dịch bệnh rất hiệu quả, Việt Nam đang được đánh giá là sự lựa chọn lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài so với các quốc gia khác trong khu vực.
Bất động sản công nghiệp lên ngôi, nhiều tiềm năng “bùng nổ”
Dự báo về thị trường bất động sản công nghiệp dịp cuối năm, ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc bộ phận Tư vấn và giao dịch - dịch vụ bất động sản công nghiệp (CBRE Việt Nam) nhận định, sẽ có 3 xu hướng chính.
Thứ nhất, thị trường sẽ chứng kiến cuộc đua mở rộng ở các trung tâm công nghiệp lớn. Thứ hai, thị trường sẽ chứng kiến sự đổ bộ của các nhà đầu tư ngoại và nhu cầu bất động sản công nghiệp sẽ được dẫn dắt bởi các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực logistics, điện tử và công nghiệp ô tô. Thứ ba, thị trường sẽ đón thêm các nhà đầu tư mới, các nhà phát triển bất động sản sẽ tích cực thu gom các bất động sản và dự án bất động sản thông qua hoạt động M&A.
Để thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp, hỗ trợ các dự án ngách, ví dụ: khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp.
Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường Nguyễn Minh Ngọc, muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư vào BĐS Khu công nghiệp cần phải có sự cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, cùng với đó là việc đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và các công trình phúc lợi cho công nhân…
Quan trọng hơn cả là hệ thống chính sách và thủ tục hành chính cần được tinh giản, rút gọn hơn để rút ngắn thời gian cấp phép, giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp. Cũng theo ông Ngọc, cần đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu và phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động; rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển bất động sản công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm...
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thông qua các cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác tổ chức gần đây, rất nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm với các định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, thể hiện trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về việc thu hút các dự án quy mô lớn, thân thiện môi trường, có tác động lan tỏa, công nghệ hiện đại, có kết nối với doanh nghiệp Việt Nam… Từ năm 2021, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để hiện thực hóa việc dịch chuyển của mình.