Kinh tế xanh – tạo động lực cho phát triển

Ngày 16/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Phiên toàn thể về Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần 2 năm 2024. Diễn đàn tập trung thảo luận về cơ chế, chính sách, năng lực đổi mới sáng tạo, nhằm phát triển kinh tế xanh của vùng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Diễn đàn năm nay được tổ chức nhằm thúc đẩy khí thế, hành động của cả 2 khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo, nhằm cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tiếp nối thành công của Diễn đàn Mekong Startup năm 2022, với quy mô mở rộng, đổi mới so với diễn đàn lần I, Diễn đàn lần này sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy nhận thức và các mục tiêu đổi mới sáng tạo, tìm lời giải cho các định hướng kinh tế đặc thù và bền vững của khu vực ĐBSCL dựa trên nỗ lực và sự hợp tác nguồn lực hiệu quả của cả hai khu vực công và tư. Cách làm Diễn đàn cũng rất hiệu quả, sáng tạo, không chỉ là 1 sự kiện lớn mà trước thềm Diễn đàn toàn thể, Ban tổ chức cũng đã triển khai các nhóm hoạt động trọng tâm và thiết thực. Những nội dung, hoạt động của Diễn đàn lần II đều nhằm giúp các Startup phát huy vai trò, vị trí; cất lên tiếng nói để tháo gỡ các điểm nghẽn, đề xuất những giải pháp và phát triển công nghệ mới để phát huy giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, đáp ứng được nhu cầu và đón đầu xu thế phát triển của thế giới.

Chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển” được lựa chọn cho Diễn đàn năm nay không chỉ là một xu hướng toàn cầu, mà còn là một vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời góp phần quan trọng để thúc đẩy nhận thức và các mục tiêu đổi mới sáng tạo, tìm lời giải cho các định hướng kinh tế đặc thù và bền vững của khu vực đồng bằng sông Cửu Long dựa trên nỗ lực và sự hợp tác nguồn lực hiệu quả của cả hai khu vực công và tư.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Diễn đàn.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, điểm mới của Diễn đàn lần này là Đồng Tháp đã khởi xướng tổ chức Cuộc thi Sáng kiến Mekong lần thứ nhất năm 2024, tiếp nhận sáng kiến từ các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức khắp cả nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để chọn được các sáng kiến tiêu biểu, nổi bật, có khả năng nhân rộng và phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội - đóng góp cho mục tiêu chuyển đổi xanh của khu vực, hướng tới góp phần phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững - thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, tại Diễn đàn lần này dựa trên các cam kết của UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại Diễn đàn lần I về thúc đẩy các mục tiêu “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”, chúng tôi cũng khởi xướng sáng kiến thành lập Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong, gồm các Nhóm công tác nông nghiệp xanh, du lịch xanh, thanh niên Mekong xanh với mục tiêu hình thành lực lượng, đẩy mạnh hợp tác công - tư, góp phần hiện thực hóa các giải pháp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh.

Các đại biểu thăm quan gian hàng tại Diễn đàn.

Các đại biểu thăm quan gian hàng tại Diễn đàn.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng kinh tế trọng điểm với gần 60.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trung bình hằng năm có khoảng 400 - 500 dự án khởi nghiệp; đồng thời, còn là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp khoảng một phần ba tổng GDP nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt nhiều thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu, đặt ra yêu cầu bức thiết về chuyển đổi nền kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chuyển đổi nông nghiệp cần phải giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững và đổi mới sáng tạo.

Phiên toàn thể gồm 5 phần. Tại phần 1, các đại biểu đã đề xuất sáng kiến, giải pháp phát triển kinh tế xanh, bao gồm: Phát triển nông nghiệp và sản xuất chế biến nông thủy sản, thúc đẩy du lịch nông nghiệp/du lịch sinh thái, thanh niên tiên phong.

Qua Diễn đàn, nhằm thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ và tạo phong trào triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, trong đó, chú trọng mục tiêu tạo dựng Đồng Tháp là “Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” trong tình hình mới.

Đồng thời, duy trì và phát triển diễn đàn trở thành một nền tảng hợp tác, đối thoại công - tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua các hoạt động của diễn đàn để kết nối nguồn lực và thị trường nhằm hỗ trợ phát triển những sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ của tỉnh Đồng Tháp và Đồng bằng sông Cửu Long và tôn vinh những cá nhân, tập thể, đơn vị điển hình trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững trên nền tảng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số…

Giang sơn - Phạm Hổ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/kinh-te-xanh-tao-dong-luc-cho-phat-trien-388618.html