Bất động sản công nghiệp: Hưởng lợi từ ngành bán dẫn

Ngành bán dẫn ngày càng thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp lớn nước ngoài, từ đó mang tới triển vọng cho thị trường bất động sản công nghiệp.

Khu công nghiệp Yên Phong IIC (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) thu hút nhiều tập đoàn sản xuất vật liệu bán dẫn hàng đầu thế giới. Ảnh: N.A.

Khu công nghiệp Yên Phong IIC (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) thu hút nhiều tập đoàn sản xuất vật liệu bán dẫn hàng đầu thế giới. Ảnh: N.A.

Gia tăng đầu tư vào ngành bán dẫn

Ngành bán dẫn đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất những thiết bị điện tử hiện đại thông qua việc cung cấp các linh kiện bán dẫn thiết yếu, có thể kể đến như bộ vi xử lý, bộ nhớ và thiết bị lưu trữ dữ liệu...

Thời gian qua, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp (DN) lớn nước ngoài. Điển hình như dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại tại Khu công nghiệp Yên Phong 2C (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn lên tới 1,6 tỷ USD của Tập đoàn Amkor Technology (Hàn Quốc).

Amkor là tập đoàn dẫn đầu về công nghệ và kỹ thuật, bí quyết trong ngành công nghiệp OSAT - đóng gói, thử nghiệm chất bán dẫn với hàng nghìn sản phẩm bán dẫn đa dạng khác nhau cho các khách hàng. Được biết, Khu công nghiệp Yên Phong 2C do Tổng Công ty Viglacera - CTCP thuộc Tập đoàn Gelex đầu tư và phát triển.

Không chỉ vậy, nhiều DN bán dẫn lớn của Mỹ như Intel, Marvell và GlobalFoundries… cũng đã cam kết đầu tư đáng kể vào ngành bán dẫn của Việt Nam. Động thái này hứa hẹn sẽ định hình hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trên thực tế, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này đã tăng tốc kể từ năm ngoái, khi nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đến Việt Nam và bày tỏ sự quan tâm đến ngành bán dẫn. Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn mới của thế giới vào những năm 2024 - 2030.

Theo ông Thomas Rooney, quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê công nghiệp Savills Việt Nam, có nhiều lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bán dẫn, từ đó mang lại lợi thế của bất động sản (BĐS) công nghiệp. Về vị trí địa lý, Việt Nam có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn trong khu vực, có điều kiện tự nhiên thuận lợi với trữ lượng đất hiếm lớn, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn. Chính phủ Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn với những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hấp dẫn.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng

“Nhu cầu đầu tư sản xuất, lắp ráp bán dẫn đã kéo theo sự gia tăng trong việc tìm kiếm nhà xưởng, khu công nghiệp đáp ứng tốt các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, dịch vụ của ngành bán dẫn. Một số yếu tố cần thiết bao gồm: nguồn điện ổn định, internet tốc độ cao và hệ thống xử lý nước hiệu quả. Từ đó đặt ra yêu cầu về nâng cấp chất lượng và hệ thống nhà xưởng đối với các chủ đầu tư tại Việt Nam” - ông Thomas Rooney cho biết.

Khu vực kinh tế phía Bắc được kỳ vọng tiếp tục là điểm nóng của BĐS công nghiệp trước làn sóng đầu tư hiện nay. Theo ông Thomas, trong khi khách thuê BĐS công nghiệp tại các tỉnh phía Nam thuộc ngành chế biến sản phẩm từ cao su, nhựa... thì ở phía Bắc, vốn đầu tư chủ yếu từ DN hoạt động trong các ngành hàng có giá trị gia tăng cao như máy vi tính, điện tử hay sản phẩm điện. Do đó, khi làn sóng đầu tư về bán dẫn mạnh lên, sẽ tạo thêm sức bật cho BĐS công nghiệp.

Song, ông Thomas Rooney nhìn nhận, hiện nay cơ sở hạ tầng tại Việt Nam chưa hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống cung ứng điện chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi công nghiệp bán dẫn cần lượng điện khổng lồ. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu năng lượng lớn từ các ngành công nghiệp như bán dẫn, Việt Nam cần đẩy nhanh các dự án hạ tầng năng lượng quy mô lớn.

Ông Thomas Rooney đề xuất, Chính phủ Việt Nam cần phát huy những tiềm năng hiện có, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng cũng như đào tạo nguồn nhân lực, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành bán dẫn và BĐS công nghiệp tại Việt Nam.

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Hardy Diec - Giám đốc điều hành Công ty KCN Vietnam nhấn mạnh, các khu công nghiệp cần chú trọng đến việc xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh, bao gồm những nhà cung cấp nguyên vật liệu, các nhà sản xuất thiết bị, trung tâm nghiên cứu và phát triển... Điều này sẽ giúp các DN bán dẫn tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.

HÀ AN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-huong-loi-tu-nganh-ban-dan-10288883.html