Bất động sản công nghiệp sôi động, nhiều tỉnh phía Bắc chuẩn bị đón nhà đầu tư lớn
Là điểm sáng duy nhất trên thị trường, bất động sản công nghiêp đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, một số địa phương như Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh... liên tiếp đón nhận nguồn vốn từ các nhà đầu tư ngoại.
Bất động sản công nghiệp vẫn là "điểm sáng" của thị trường
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong quý vừa qua, phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục "sáng cửa" bất chấp khó khăn chung của thị trường bất động sản cũng như sự suy giảm thương mại toàn cầu. Có nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như bắt đầu khai thác các giai đoạn tiếp theo.
Cũng theo VARS, Việt Nam được định vị là một trong những địa điểm rất tiềm năng để có thể mở rộng sản xuất và đang nổi lên như một điểm sáng cho sự dịch chuyển cung ứng cùng với logistics ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và loạt đại bàng đến từ Mỹ và Hàn Quốc với dòng vốn FDI quy mô lớn tìm cơ hội phát triển ở Việt Nam. Theo Nikkei Asia, chuỗi cung ứng của Apple như BOE, Quanta, Compal, Goertek, Foxconn hiện nay đã có nhà máy ở các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và nay đã có kế hoạch mở rộng nhà máy ở các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Quảng Ninh, Nghệ An trong thời gian tới. Kỳ vọng tăng cường hợp tác với Việt Nam ở trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, công nghệ mới, môi trường và năng lượng.
Những tập đoàn lớn đều đã đầu tư vào Việt Nam và có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới như Samsung tăng quy mô vốn đầu tư lên 20 tỷ USD, LG cũng sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Việt Nam, SK tiến hành đẩy mạnh rót vốn vào Việt Nam thông qua các khoản đầu tư vào Masan, Vingroup,...
Cũng theo VARS, thị trường bất động sản công nghiệp đã xuất hiện điểm sáng nổi bật ở trong khâu xử lý thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài từ phía chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh. Đây chắc chắn sẽ là điểm nhấn giúp cho Quảng Ninh tiếp tục “ghi điểm” trong mắt các nhà đầu tư. Bài học để cho các địa phương khác đó chính là nghiên cứu và làm theo.
Giám Đốc Cấp Cao Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn Phát triển CBRE - bà Nguyễn Hoài An thông tin về thị trường bất động sản công nghiệp: “6 tháng đầu năm, phân khúc này tiếp tục là điểm sáng của thị trường bất động sản”.
Giá thuê đất công nghiệp cũng duy trì ở mức tăng trưởng mạnh ở cả hai miền do quỹ đất sẵn sàng bàn giao hạn chế cũng như khả năng hấp thụ khả quan. Giá thuê trung bình cho thị trường cấp 1 ở miền Bắc và miền Nam lần lượt ở ngưỡng 127 USD, 187 USD/m2/kỳ. Và trong thời gian 4 năm qua, giá thuê trung bình đã tăng 7%/năm ở miền Bắc và miền Nam là 13%/năm.
Còn thị trường nhà kho và nhà xưởng xây sẵn cũng chứng kiến nguồn cung tăng trưởng mạnh. Trong thời gian 6 tháng đầu năm, tổng cộng có 0,9 triệu m2 nhà kho và nhà xưởng xây sẵn đã được hoàn thành ở thị trường cấp 1 ở cả hai khu vực, trong đó 60% nguồn cung đến từ phía Bắc.
Trong 4 năm qua, nguồn cung đã tăng hơn 20%/năm ở miền Bắc và 18 - 49%/năm. Kh cạnh tranh tốc độ gia tăng thì mức tăng trưởng giá thuê của những phân khúc này ở mức vừa phải và duy trì 2 - 3%/năm trong thời gian 4 năm qua.
Về nguồn cầu, khu vực phía Bắc tiếp tục ghi nhận được sức cầu mạnh mẽ từ lĩnh vực điện tử. Và trong nửa đầu năm, thị trường ghi nhận động thái mở rộng của những nhà sản xuất lớn như là Foxconn và Goertek ở những khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Bên cạnh đó thì sự mở rộng một cách mạnh mẽ của các nhà sản xuất Trung Quốc ở trong các lĩnh vực khác nhau cũng góp phần giúp cho đất công nghiệp cũng như nhà xưởng xây sẵn ghi nhận được mức hấp thụ tốt ở phía Bắc.
Trong khi đó thì ở phía Nam, nhu cầu của thị trường vô cùng đa dạng. Khách thuê thuộc các ngành sản xuất ô tô, may mặc cũng như bao bì nằm trong số những nhóm ngành tích cực tìm kiếm đất công nghiệp, kho và xưởng xây sẵn ở thị trường miền Nam.
Và trong tương lai, giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức thấp hơn trước, rơi vào khoảng 4 - 8%/năm sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh. Trong khi đó thì giá thuê kho xưởng xây sẵn có thể chỉ tăng nhẹ dưới 4% trong thời gian 12 tháng tới ở cả 2 khu vực do cạnh tranh cao từ những dự án tương lai.
Vốn ngoại đổ vào bất động sản công nghiệp phía Bắc
Có thể thấy, để tiếp tục duy trì lợi thế thu hút đầu tư, hàng loạt tỉnh, thành phố phía Bắc đã gấp rút hoàn thiện, công bố quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn 10-20 năm tới nhằm dọn tổ đón “đại bàng”.
Tại Hưng Yên: Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thu hút được hơn 360 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó 251 triệu USD đăng ký mới của 18 dự án trong các khu công nghiệp và 99 triệu USD điều chỉnh tăng vốn của 19 dự án. Tính đến tháng 5/2023, trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 520 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 7,1 tỷ USD.
Các dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào một số lĩnh vực như linh kiện thiết bị điện, điện tử, tin học, điện thoại di động; sản xuất các sản phẩm từ thép, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, gia công kim loại; linh kiện phụ tùng ô tô xe máy... Trong đó, nhiều dự án đang hoạt động có hiệu quả như các dự án của Công ty TNHH Toto Việt Nam (403 triệu USD, Công ty TNHH Kyocera Việt Nam (379 triệu USD); Công ty TNHH Mektec Manufacturing Việt Nam (300 triệu USD), Công ty TNHH Hoya Glassdisk(214 triệu USD), Công ty TNHH Điện tử Canon Việt Nam (128 triệu USD)...
Sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong nhiều ngành, lĩnh vực là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng môi trường kinh tế năng động và tăng năng lực sản xuất trên địa bàn Hưng Yên. Dòng vốn ngoại cũng giúp đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thu ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng GRDP. Riêng năm 2022, thu ngân sách nội địa từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp của tỉnh đạt trên 2.800 tỷ đồng.
Cuối tháng 6/2023, ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã có buổi làm việc với Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản). Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn cảm ơn tỉnh Hưng Yên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Nhật Bản hoạt động và bày tỏ mong muốn mở rộng Khu công nghiệp Thăng Long II. Khu công nghiệp này hiện có 104 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 3,274 tỷ USD, chủ yếu là các các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản như Kyocera, Hoya, Nippon, Daikin, Toto, Panasonic…
Trong khi đó, Hải Dương cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hải Dương, 6 tháng đầu năm 2023, thu hút vốn FDI vào các KCN trên địa bàn tỉnh được 202 triệu USD, tăng hơn 32% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Lũy kế đến hiện tại, các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thu hút được 348 dự án (bao gồm 16 dự án hạ tầng KCN và 332 dự án đầu tư thứ cấp). Gồm 262 dự án FDI thứ cấp đến từ 23 quốc gia và vùng, lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 05 tỷ USD và 71 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 11.484 tỷ đồng.
Trong đó, cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 25 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 146 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 15 lượt dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm khoảng 56 triệu USD; thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) được 3.201 tỷ đồng, tăng 3,2 % so với 6 tháng đầu năm 2022.