Bất động sản công nghiệp Thái Bình 'lên hương'
Trong số các thị trường khu công nghiệp tiềm năng, Thái Bình đang được gọi tên như một ứng viên ưu tú.
Nền tảng tốt
“Với các nhà đầu tư khu công nghiệp, ngoài vị trí, hạ tầng kết nối… thì ‘nền tảng kinh tế tốt, lực lượng lao động dồi dào và tinh thần cầu thị của lãnh đạo địa phương’ là những yếu tố quan trọng cho các quyết định làm dự án”, đại diện một chủ đầu tư khu công nghiệp cho hay.
Thời gian gần đây, thị trường khu công nghiệp chứng kiến nhiều hơn những cái tên mới như Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình…, trong đó, “quê lúa” Thái Bình nằm trong nhóm được chú ý nhất.
Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) cho biết, ở phía Bắc, Thái Bình đang nổi lên như một thị trường đầy tiềm năng với các nhà phát triển khu công nghiệp khi đang thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc ra đời các khu công nghiệp mới.
“Khoảng 5 năm nữa, Thái Bình sẽ là một thế lực mới trong bản đồ khu công nghiệp Việt Nam. Địa phương này cũng mới khởi công Khu công nghiệp Hải Long quy mô khá lớn”, đại diện IDICO nói và cho biết thêm, Thái Bình cũng nằm trong nhóm thị trường được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa giao thương trở lại bởi gần hệ sinh thái, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước sở tại, nhất là với ngành điện tử. Ngay với IDICO, Khu công nghiệp Cầu Nghìn của doanh nghiệp này tại huyện Quỳnh Phụ đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Phát triển kinh tế ấn tượng là điều kiện nền tảng để Thái Bình thu hút nhà đầu tư. Trong 2 năm gần nhất, Thái Bình đều duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức cao: Năm 2021 tăng 7,25% và năm 2022 tăng 9,52%, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Riêng về thu hút đầu tư, đến hết năm 2022, tổng vốn đầu tư đăng ký vào tỉnh đạt trên 33.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2021; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt trên 660 triệu USD. Mới đây, trong Chương trình xúc tiến đầu tư vùng tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 về phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng.
Ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho hay, năm 2022, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore... Đến nay, nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và tiến tới ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác.
Công nghiệp sẽ là động lực tăng trưởng mới
Phát triển kinh tế ấn tượng là điều kiện nền tảng để Thái Bình thu hút nhà đầu tư khi trong 2 năm gần nhất đều duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP cao: Năm 2021 tăng 7,25% và năm 2022 tăng 9,52% - đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Minh Huân, Giám đốc Kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, TNI Holdings Vietnam, các thị trường mới nổi như Thái Bình sẽ có triển vọng trong dài hạn, nhưng cần cải thiện rất nhiều về hạ tầng giao thông, chất lượng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, tính pháp lý và thể chế chính sách trong thu hút đầu tư.
Còn chuyên gia từ Gaw NP Industrial đánh giá, Thái Bình đang làm tốt công tác hỗ trợ các nhà phát triển khu công nghiệp khi nhận thấy cơ hội thu hút đầu tư. Dẫu vậy, địa phương này cần thêm thời gian để trở thành một thế lực mới, bởi hiện mới là giai đoạn đầu tích lũy kinh nghiệm và hoàn thiện những thiếu sót.
Ở một góc nhìn khác, ông Phạm Quang Tú, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư TTG cho rằng, việc Thái Bình chuyển hướng đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp trong khu kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư còn đến từ nguyên nhân thị trường này đã hết dư địa cho các dự án nhà ở do một giai đoạn phát triển quá nóng ở phân khúc này. Dù hiện không phải là địa phương có quá nhiều lợi thế về vị trí, nhưng việc chuyển hướng này đang mang đến nhiều cơ hội bứt phá cho địa phương.
Việc thành lập Khu kinh tế Thái Bình với quy mô 30.583 ha, bao gồm 31 xã, thị trấn khu vực ven biển của 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải được xem là nền tảng quan trọng để Thái Bình đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh trong những năm tới. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế, bảo đảm đồng bộ và đẩy mạnh thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; định hình phát triển các đô thị biển hiện đại, văn minh, gắn kết với các khu chức năng sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2025, thu hút được khoảng 25 dự án lớn với tổng mức đầu tư khoảng 500.000 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho khoảng 30.000-40.000 lao động, thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5-2 lần mức bình quân chung của tỉnh.