Bất động sản CRV có hơn 4.600 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng
Với lượng lớn tiền gửi ngân hàng, Bất động sản CRV không ghi nhận bất cứ khoản nợ vay tài chính nào tại thời điểm cuối tháng 4. Đây là điều hiếm có đối với một doanh nghiệp trong ngành ở thời điểm hiện tại.
CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV ngày 26/4 vừa công bố báo cáo tài chính quý 4, niên độ 2022 – 2023, ghi nhận doanh thu hợp nhất tăng gấp 3 lần thực hiện của quý 4/2021-2022 lên 517 tỷ đồng.
Tuy vậy, với việc biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 67,4% về còn 25%, lợi nhuận gộp trong kỳ của CRV chỉ tăng thêm 10 tỷ đồng lên 128 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, CRV báo lãi quý 4/2022-2023 gần 145 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm tài chính 2022 – 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp 3 lần lên 1.254,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng nhẹ lên 437,4 tỷ đồng. Bóc tách cơ cấu doanh thu, hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn đóng vai trò chủ đạo với 1.168 tỷ đồng, trong khi cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp dịch vụ mang về 86,4 tỷ đồng còn lại.
Tính tới ngày 31/3/2023, tổng tài sản của CRV tăng 8,2% so với thời điểm đầu năm tài chính lên 9.153 tỷ đồng. Chiếm phần lớn là 8.212 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, bao gồm 4.655 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, 184 tỷ đồng tiền mặt, 255 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn. Hàng tồn kho của CRV tại cuối năm tài chính tăng 232,5% lên 2.935,7 tỷ đồng, chủ yếu tới từ 2.536 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của dự án Hoang Huy Commerce.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của CRV là 2.098 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với thời điểm 1/4/2022, phần lớn do người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng từ 584,7 tỷ đồng lên 1.530 tỷ đồng. Đáng chú ý, trái ngược với hầu hết các doanh nghiệp bất động sản khác, với lượng lớn tiền gửi ngân hàng, CRV không ghi nhận bất cứ khoản nợ vay tài chính nào. Đây là điều hiếm có đối với một doanh nghiệp trong ngành ở thời điểm hiện tại.
Bất động sản CRV có tiền thân là CTCP Thương mại Hưng Việt, được thành lập vào năm 2006 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Tới năm 2007, công ty tăng vốn lên 160 tỷ đồng với sự tham gia của Hoàng Huy Group (thời điểm đấy là Công ty TNHH Thương mại Hoàng Huy) và sớm có dự án nghìn tỷ đầu tiên vào năm 2009 khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Golden Land Building tại 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
CRV đang có 3 cổ đông lớn gồm Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) sở hữu 38,09% vốn điều lệ; Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) nắm giữ 35,17% vốn; CTCP Phát triển Dịch vụ Hoàng Giang sở hữu 8,41%; và các cổ đông khác cầm 18,33% còn lại.
Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) còn được biết đến là công ty mẹ nắm giữ hơn 51% vốn của Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS), trong khi Phát triển Dịch vụ Hoàng Giang lại là công ty con của HHS với tỷ lệ lợi ích lên đến 99,79%. Như vậy, TCH nắm phần lớn quyền lợi ích và quyền chi phối tại CRV dù chỉ trực tiếp sở hữu hơn 1/3 vốn điều lệ công ty này.
Bất động sản CRV được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất đăng ký công ty đại chúng vào ngày 7/1/2022. Tới ngày 8/6/2022, Sở Chứng khoán TP HCM thông báo đã nhận hồ sơ niêm yết 672,4 triệu cổ phiếu CRV của doanh nghiệp này.
Tuy vậy, đã gần 11 tháng kể từ khi CRV nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE, vẫn chưa có thêm bất cứ thông tin nào từ công ty này về việc cổ phiếu CRV được chấp thuận hay không. Việc CRV nộp hồ sơ niêm yết là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn, đặc biệt là với các cổ đông của hệ sinh thái Hoàng Huy.