Bất động sản cụm công nghiệp vẫn còn trở ngại về pháp lý
Cùng với làn sóng chuyển dịch đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), các cụm công nghiệp (CCN) cũng đang được nhiều nhà phát triển bất động sản (BĐS) công nghiệp quan tâm. Nhưng vấn đề về pháp lý và thủ tục hành chính vẫn là trở ngại trong quá trình này.
Thay đổi cơ chế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN.
Cụ thể, bổ sung Điều 5 quy hoạch phát triển CCN của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP thành phương án phát triển CCN. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020. Trong đó, nêu rõ cơ sở xây dựng phương án phát triển CCN gồm: Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên trên địa bàn; định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn; nhu cầu diện tích mặt bằng để thu hút, di dời các tổ chức, cá nhân trên địa bàn vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các CCN; khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn; yêu cầu bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất và các nguồn lực, tài nguyên khác của địa phương.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS Vũ Quang Vinh cho biết, để hiện thực hóa phương án này, Chính phủ đã đề ra các nội dung phát triển. Cụ thể, bổ sung Điều 5 quy hoạch phát triển CCN của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP thành phương án phát triển CCN. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020.
Trong đó, nêu rõ cơ sở xây dựng phương án phát triển CCN gồm: Căn cứ pháp lý, sự cần thiết xây dựng phương án phát triển CCN; đánh giá những thế mạnh và khó khăn trong quá trình phát triển các CCN tại mỗi địa phương, để từ đó có thể đưa ra những phương án, kịch bản nhằm phát huy lợi thế và khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Trên thực tế, thời gian qua, hầu hết các CCN chưa thu hút được những nhà đầu tư lớn vào sản xuất và cũng chưa có nhiều CCN thu hút được các DN phát triển hạ tầng, chủ yếu hạ tầng các CCN đều được xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước tại các địa phương.
“Một trong những nội dung quan trong của Nghị định sửa đổi lần này là tập trung vào giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CCN. Như vậy có thể hiểu rằng, việc thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng CCN cũng sẽ được ưu tiên trong thời gian tới” - ông Vinh nhìn nhận.
Công khai quy hoạch
Theo chuyên gia kinh tế - tài chính TS Lê Xuân Nghĩa, thời gian gần đây, các gói kích thích kinh tế hiện tại của Chính phủ tác động tích cực đến thị trường BĐS nói chung, kể cả các chủ trương về phát triển cơ sở hạ tầng, các khu vực kinh tế trọng điểm, các KCN, CCN và các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi luật pháp.
“Trở ngại lớn nhất là các vấn đề pháp lý và thủ tục hành chính như đấu thầu đất công, đất thuê, thủ tục giải phóng mặt bằng, đất phân lô bán nền và tính không minh bạch từ quy hoạch đến thủ tục chuyển mục đích sử dụng… Để khắc phục tình trạng vô cùng phức tạp này, cần có cơ quan chuyên trách rà soát lại toàn bộ quy định pháp lý, giúp chỉnh sửa các luật, đơn giản hóa thủ tục và chế tài xử lý minh bạch và phải làm liên tục trong vài năm” - ông Nghĩa nhìn nhận.
Đồng quan điểm, KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, các địa phương cần phải có sự chủ động trong việc lập quy hoạch chi tiết các CCN. Công khai, minh bạch quy hoạch và định hướng thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động; chú trọng bảo vệ môi trường; giữ vững an ninh trật tự…
“Ngoài hỗ trợ về thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu tư, việc làm này còn tạo điều kiện cho nhà đầu tư hạ tầng có cơ sở để lập các dự án và thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động theo đúng quy hoạch. Bên cạnh đó, những quy hoạch chi tiết CCN tại các địa phương cần phải được công khai minh bạch để giúp cho nhà đầu tư hạ tầng tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn khi có ý định đầu tư” - ông Thanh cho hay.
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các DN vào hạ tầng các CCN sẽ là điều kiện tiên quyết để các CCN chuyển dịch thu hút đầu tư, thay vì chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp truyền thống, sẽ mở rộng các ngành nghề công nghiệp công nghệ cao, như: Sản xuất linh kiện ô tô, sản xuất thiết bị điện tử, đóng góp vào việc tăng trưởng giá trị sản xuất CN của các địa phương.