Bất động sản cuối năm 2020: Vẫn là kênh đầu tư 'sáng'
Theo giới chuyên gia bất động sản, có 4 yếu tố tiên quyết giúp thị trường nhà đất duy trì 'sức nóng' đầu tư, đó là nguồn cầu-hạ tầng-chính sách vĩ mô-chủ đầu tư.
Nửa chặng đường của thị trường bất động sản năm 2020 đã đi qua. Bên cạnh những bất ổn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường nhà đất cũng đón nhận một số tín hiệu tích cực từ chính sách để kỳ vọng sự đột phá trong giai đoạn tới.
Theo ông Robert Vũ, CEO Batdongsan.com.vn, trong những tháng cuối năm 2020 thị trường bất động sản ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phục hồi, nhờ những chuyển động tích cực. Trong đó, có 4 yếu tố tiên quyết giúp bất động sản duy trì “sức nóng” đầu tư, đó là nguồn cầu-hạ tầng-chính sách vĩ mô-chủ đầu tư.
Phân tích rõ hơn, ông Robert Vũ cho rằng với tốc độ đô thị hóa cùng tăng trưởng dân số, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm Việt Nam cần thêm hàng chục nghìn căn hộ đưa vào sử dụng, bởi tiềm năng của thị trường này còn rất lớn.
Hiện nay, nhiều công trình đầu tư công về cơ sở hạ tầng được triển khai ở các tỉnh thành không chỉ gia tăng liên kết vùng mà còn mở ra cơ hội hình thành các vùng kinh tế tiềm năng, thu hút đầu tư quốc tế, tạo cơ hội phát triển cho thị trường nhà ở.
Đặc biệt, thời gian qua, sự hỗ trợ từ Chính phủ đã phát huy tác dụng tích cực, việc gia hạn tiền thuê đất, giảm lãi suất vay vốn, giải ngân đầu tư công và nhiều sửa đổi tích cực về luật xây dựng, cũng đã góp phần chia sẻ “gánh nặng” giúp doanh nghiệp và người mua nhà giảm tải áp lực.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư chọn thương mại điện tử, sử dụng dữ liệu lớn, các chương trình khuyến mãi và giảm giá; tập trung tăng năng suất bán hàng và marketing.
Vị chuyên gia bất động sản cũng nhận định nếu so với các nước quanh khu vực, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn rất khả quan. Cùng với những lực đẩy từ hạ tầng, dịch vụ và nhu cầu nhà đất như hiện nay, bất động sản vẫn là kênh đầu tư “sáng.”
Có chung nhận định, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam, cho rằng một trong những yếu tố để thúc đẩy được thị trường bất động sản Việt Nam là nguồn vốn FDI. Trong 10 năm trở lại đây, nguồn vốn này đã có sự tăng trưởng liên tục, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2020 đã có phần chậm lại, do hiện tại việc hạn chế di chuyển và nhà đầu tư có xu hướng đánh giá danh mục đầu tư của họ.
Bà Khanh cũng tin tưởng nếu dịch COVID-19 được kiểm soát thì lượng vốn FDI sẽ có xu hướng tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm.
“Hiện tại, dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào nước ta là Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Có rất nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường đó là những thỏa thuận hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA) được ký kết, hay các nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh dạn và tự tin với thị trường Việt Nam vì đây đang là điểm sáng đầu tư so với các nước trong khu vực,” bà Khanh nhấn mạnh.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng bất động sản, xây dựng là một trong những lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế. Do đó, có thể thấy tác động lan tỏa của lĩnh vực này với sự phát triển của mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang đứng trước giai đoạn khó khăn. Vì thế, cần có các giải pháp để phát triển thị trường bất động sản, từ đó góp phần kích hoạt quan trọng cho quá trình phục hồi nền kinh tế trong những tháng cuối năm.
Theo ông Lộc, điều đầu tiên cần là thúc đẩy thực hiện các gói hỗ trợ hiện có, bởi đây là thời điểm có thể mở rộng quy mô, nguồn lực hỗ trợ, cũng như mở các gói hỗ trợ mới, đặc biệt là các gói tín dụng trung và dài hạn cho các dự án cốt lõi.
“Chúng tôi hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài nhưng cần thêm sự phát triển của các doanh nghiệp nội. Vì thế, gói hỗ trợ mới cần được thực hiện theo hướng thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp nội địa,” ông Lộc nhấn mạnh./.