Bất động sản Long An đứng trước cánh cửa cơ hội và sẵn sàng bứt phá
Xét về các lợi thế phát triển của tỉnh Long An, có thể thấy, thị trường bất động sản có nhiều thuận lợi để bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.
Xét về các lợi thế phát triển của tỉnh Long An, có thể thấy, thị trường bất động sản có nhiều thuận lợi để bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.
Mới đây, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phát hành báo cáo nghiên cứu: Phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, là một thị trường còn nhiều dư địa phát triển, BĐS Long An không chỉ chiếm ưu thế về vị trí đắc địa mà còn bởi quỹ đất trống khổng lồ đang hiện hữu.
Long An là địa phương có tỷ lệ nhập cư đứng thứ 7 cả nước, cao hơn cả Hà Nội. Trong những năm gần đây, tỷ lệ nhập cư tại Long An luôn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định. Cứ 1.000 người ở Long An thì có 47 người nhập cư chuyển tới. Giai đoạn 2009 - 2021, Long An có tỷ lệ tăng trưởng dân nhập cư gần 2% dân số mỗi năm. Với gần 1,6 triệu dân thì có 1 triệu dân đang trong độ tuổi lao động, trong đó 71% số lượng dân đã được qua đào tạo cơ bản.
Thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng tại Long An có xu hướng tăng trung bình khoảng 12%/năm. Giai đoạn 2016 – 2019, Long An là địa phương có thu nhập bình quân đầu người theo tháng cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Khi thu hút FDI tăng, cùng việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, thu nhập của người lao động được kỳ vọng sẽ tiếp tục được nâng cao, từ đó kéo theo tăng khả năng chi trả nhà ở.
Đây là cơ sở tốt để các doanh nghiệp đầu tư vào Long An và cũng cho thấy nguồn cầu rất triển vọng cho thị trường BĐS Long An, trong đó nổi bật là thị trường nhà ở và thị trường BĐS khu công nghiệp, BĐS logistics.
Với lợi thế là tỉnh tiếp giáp TP.HCM, Long An đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của xác nhà đầu tư và là một trong những địa phương có thị trường BĐS sôi động, với nhiều dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới, công trình sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ được hình thành, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh.
Nhiều dự án BĐS được phát triển bởi một số nhà đầu tư lớn như Nam Long Group, Ecopark, Him Lam, Thắng Lợi Group, Trần Anh Group, Thủ Thừa Invest, Seaholdings, Prodezi…
Ngoài ra, thị trường BĐS Long An đang có nhiều chuyển biến tích cực nhờ vào loạt dự án tỷ đô sắp đổ bộ.
Tháng 3/2024, theo kết quả Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An công bố, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thái Sơn và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại An là liên danh duy nhất đăng ký thực hiện dự án khu đô thị mới Tân Mỹ, huyện Đức Hòa.
Trong đó, Thái Sơn là công ty con của Vinhomes với tỷ lệ sở hữu 99,8%. Dự án trên có quy mô hơn 930 ha, phục vụ dân số gần 81.000 người.
Theo quy hoạch, dự án sẽ có hơn 8.300 nhà ở liền kề, hơn 4.700 căn biệt thự, 7.280 căn hộ chung cư và gần 7.050 căn nhà ở xã hội. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 74.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 3 tỷ USD. Trong đó, chi phí sơ bộ để thực hiện dự án khoảng gần 60.200 tỷ, còn lại là phục vụ công tác hỗ trợ bồi thường, tái định cư.
Trước đó, tháng 2/2024, liên danh Vinhomes-VIG cũng đã đăng ký làm dự án khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây, tổng vốn hơn 3 tỷ USD tại huyện Cần Giuộc. Khu đô thị này có quy mô sử dụng đất dự kiến gần 1.090 ha, dân số khoảng 90.000 người. Dự án gồm các sản phẩm như nhà ở thương mại với hơn 15.200 lô đất, trong đó 7.050 căn liền kề, gần 8.200 biệt thự; 13.440 căn nhà ở xã hội và 2.370 căn nhà ở tái định cư thấp tầng.
Tháng 10/2023, một công ty con của Vinhomes cũng được UBND tỉnh Long An chấp thuận làm chủ đầu tư khu đô thị mới Đức Hòa - Hậu Nghĩa, quy mô gần 200 ha có vốn hơn 1 tỷ USD. Dự án nằm tại thị trấn Hậu Nghĩa, xã Đức Lập Thượng và Tân Mỹ, huyện Đức Hòa.
Tháng 7/2023, tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh Long An đã ký biên bản ghi nhớ với 10 nhà đầu tư để nghiên cứu các dự án hạ tầng, khu công nghiệp, khu đô thị, khu phức hợp vui chơi giải trí, nhà ở xã hội, nông nghiệp công nghệ cao.
Trong đó, Tập đoàn Vingroup ký bản ghi nhớ đầu tư các dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí.
Tập đoàn BIM Group ký biên bản ghi nhớ để nghiên cứu đầu tư phát triển lĩnh vực BĐS, năng lượng tái tạo và nông nghiệp thực phẩm.
Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng ký bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư phát triển các khu đô thị, thương mại, dịch vụ với tiêu chuẩn quốc tế tại Long An.
Trong lĩnh vực hạ tầng, Ngân hàng VPBank và Công ty cổ phần Tập đoàn MIK Group ký bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn & phát triển dự án - Công ty DKRA Group cho biết, trước đây, khi nhắc đến BĐS Long An, người ta sẽ chỉ nghĩ đến những giao dịch đất nền, mua đi bán lại, tạo sóng tăng giá đem lại nguồn thu nhất thời cho giới đầu tư. Tuy nhiên, theo số liệu và dữ liệu ghi nhận được gần đây, thị trường BĐS Long An trong chu kỳ phát triển tiếp theo sẽ có sự thay đổi rõ rệt về loại hình sản phẩm, quy mô dự án, không chỉ là những dự án quy mô 10 – 20ha nữa mà lên tới 100 – 200ha.
Dòng sản phẩm nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực như căn hộ, nhà xây sẵn, biệt thự sẽ trở thành phân khúc dẫn dắt thị trường.
Đồng thời, quy mô các dự án cũng sẽ có sự thay đổi và khác biệt nhiều bởi sự tham gia của các chủ đầu tư lớn. Các dự án lớn xuất hiện ngày càng nhiều, quy mô lên tới hàng triệu USD, cho thấy thị trường BĐS Long An đang ngày một phát triển chuẩn chỉnh, chuyên nghiệp.
Trong tương lai, giá đất của Long An sẽ tăng. Hiện tại so sánh giá đất Long An với các địa bàn trong khu vực như Bình Dương thì đang thấp hơn rất nhiều, dư địa tăng trưởng dồi dào.
Bà Giang Huỳnh - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M, Savills Việt Nam cho hay,có 3 lý do để thị trường có thể tin vào sự phát triển của bất động sản Long An.
Long An sở hữu vị trí địa lý được xem như cửa ngõ để kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM. Đây là một lợi thế đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, thương mại cũng như giao thông hậu cần cho cả 2 khu vực.
Long An là địa phương có diện tích lớn (4.492km²) và quỹ đất trống rộng. Đây là điểm cộng của thị trường Long An trong mắt các chủ đầu tư, nhất là trong bối cảnh các đô thị xung quanh, đặc biệt là TP.HCM đang dần cạn kiệt quỹ đất trống.
BĐS công nghiệp Long An trong vài năm trở lại đây đã vươn lên và phát triển rất nhanh, vững chắc, thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất tốt, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo.
3 lý do này sẽ trở thành nền móng cho tiềm năng phát triển của thị trường nhà ở và thị trường khu công nghiệp Long An trong thời gian tới.
“Thị trường bất động sản TP.HCM hiện tại gần như đã khan hiếm quỹ đất, giá cả neo cao rất khó tiếp cận, nguồn cung hạn chế. Trong khi ngược lại, Long An là thị trường mới, có vị trí tiếp giáp thuận lợi ngay cửa ngõ TP.HCM, còn dồi dào quỹ đất và có cơ hội phát triển nhiều loại hình nhà ở với giá cả phải chăng”, bà Giang Huỳnh nhìn nhận.
Dù còn nhiều thách thức chạy đua trong hoàn thành các cơ sở hạ tầng, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, gia tăng số lượng dự án nhà ở xã hội... nhưng phát triển đô thị và thị trường BĐS Long An vẫn đang đứng trước cánh cửa cơ hội và sẵn sàng bứt phá.