Bất động sản mới nhất: Giá đất tăng choáng, lo ngại vòng xoáy sốt ảo, năm 2022 có phục hồi? Phân khúc nào dẫn đầu?
Bất chấp dịch Covid-19, giá đất khắp nơi đều tăng không giảm, địa ốc phía Nam có dấu hiệu sốt, dự báo thời điểm thị trường phục hồi… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
BĐS tiếp đà tăng
Báo cáo thị trường BĐS quý IV/2021 của Chợ Tốt Nhà cho thấy, nhu cầu tìm mua đất nền và đất thổ cư ở hầu hết các tỉnh/thành trọng điểm đều có sức bật sau dịch.
Những thị trường là các tỉnh vệ tinh của TP.HCM có sự gia tăng về số lượt tìm mua đất, với lượt tìm kiếm sau dịch cao hơn cả giai đoạn trước giãn cách, như: Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 182% so với quý III) và Đồng Nai (tăng 134% so với quý IV). Cùng với nhu cầu tăng cao thì giá đất thổ cư ở các địa phương này cũng tăng từ 2% - 6%.
Tại TP.HCM, 3 khu vực có sức hấp dẫn lớn nhất với nhà đầu tư đất nói chung có thể kể đến là quận 12, quận 9 cũ và quận Thủ Đức cũ (TP. Thủ Đức) với mức tăng nguồn cầu so với quý III lần lượt là 2,5 lần; 2,1 lần và 1,9 lần.
Tại Hội nghị BĐS Việt Nam (VRES 2021) diễn ra mới đây, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung cho hay, dù trải qua 2 năm dịch bệnh phức tạp, kéo lùi nền kinh tế nhưng giá BĐS của nhiều phân khúc vẫn tiếp tục tăng.
Cụ thể, với chung cư, giá bán căn hộ sơ cấp tiếp tục đà tăng trong tương lai. Giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 16%; giá bán căn hộ sơ cấp tại TP.HCM tăng 17%.
Đối với sản phẩm nhà phố và biệt thự, tại Hà Nội, giá bán biệt thự đã tăng 13%; nhà phố tăng 4%; nhà phố thương mại tăng 3%. Trong khi đó, tại TP.HCM, biệt thự tăng 3%; nhà phố tăng 17%; nhà phố thương mại tăng 6%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó TGĐ Batdongsan nhận định, nhu cầu đầu tư BĐS của người dân trong năm 2022 vẫn rất lớn.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi đơn vị này, 92% người phản hồi cho biết sẽ tiếp tục đầu tư BĐS trong năm sau; 77% có mong muốn mua thêm nhà đất và 44% chọn mua BĐS trong 1-2 năm tới.
Năm 2022 thị trường hồi phục
Theo ông Võ Hồng Thắng - Trưởng phòng R&D Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam (DKRA Việt Nam), nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2022 có thể phục hồi và tăng so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trong khi TP.HCM tiếp tục duy trì sự khan hiếm. Đất nền tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư hàng đầu.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới có thể lên đến khoảng 30.000 căn, đặc biệt tăng mạnh ở TP.HCM và Bình Dương, riêng Long An và Tây Ninh nguồn cung mới có thể tiếp tục khan hiếm.
Sức cầu tăng so với năm 2021, tuy nhiên vẫn còn khá thấp so với giai đoạn trước khi dịch bùng phát ở năm 2019.
Tại TP.HCM, nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở thành phố Thủ Đức. Căn hộ hạng A và hạng B dẫn dắt thị trường trong khi nguồn cung căn hộ hạng C tiếp tục khan hiếm. Căn hộ hạng sang tăng mạnh và có thể xác lập mặt bằng giá mới.
Nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự duy trì mức ổn định, tương đương năm 2021. Đồng Nai có thể tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới.
Riêng tại TP.HCM, khu Đông (tức thành phố Thủ Đức) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung của loại hình BĐS gắn liền với đất.
Những dự án nằm trong khu đô thị lớn, có hạ tầng giao thông kết nối tốt, được quy hoạch bài bản bởi chủ đầu tư uy tín và có giá trị khoảng 15 tỷ đồng/căn sẽ được ưu tiên lựa chọn.
Theo ông Thắng, với BĐS nghỉ dưỡng, nguồn cung mới condotel và biệt thự nghỉ dưỡng có thể tăng so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa. Sức cầu chung toàn thị trường vẫn là những thách thức, chưa có nhiều dấu hiệu tích cực để thay đổi đột biến.
Bên cạnh đó, mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp (Integrated Resort) tiếp tục nhận được nhiều quan tâm. Đặc biệt, khách hàng tin tưởng vào thương hiệu quản lý vận hành quốc tế hơn những chương trình cam kết lợi nhuận.
Sốt đất xình xịch các tỉnh phía Nam, có nơi giá tăng gấp đôi
Bước sang thềm năm mới 2022, thị trường BĐS vùng ven TP.HCM và các tỉnh lân cận có những dấu hiệu sôi động trở lại. Giá đất tại một số nơi đang được đẩy lên cao bất thường so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Theo báo cáo của một đơn vị nghiên cứu thị trường, nhu cầu mua nhà đất tại TP.HCM tăng nhanh từ hai tháng trở lại đây. Khu vực thu hút nhất là khu Đông và huyện vùng ven Bình Chánh, lượng người quan tâm tăng gần gấp đôi và mức giá ghi nhận tăng từ 7%-10%.
Tại Long An, giá đất nền cũng bắt đầu được đẩy lên cao. Theo ông Trần Hiền Phương – TGĐ Sea Holdings, sau đợt dịch vừa qua, đất nền ở Long An đang thiết lập mặt bằng giá mới.
Ông Phương nói: “So với thời điểm trước dịch, giá đất Long An tăng dao động từ 10% đến 15%. Không chỉ đất của cá nhân, hộ gia đình mà đất nền thuộc dự án cũng tăng.
Nguyên nhân là nguồn cung các dự án đất nền có pháp lý rõ ràng tại thị trường này đang dần khan hiếm. Giao dịch diễn ra nhộn nhịp hơn nhưng nhìn chung chưa có sự đột biến”.
Nằm ở khu vực cửa ngõ phía Đông TP.HCM, thị trường BĐS ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang có làn sóng tăng giá gây chú ý.
Khảo sát cho thấy, giá đất khu vực này đã tăng từ 30-50% so với trước dịch. Đặc biệt, với những thửa đất có quy hoạch là đất ở, trước đây 1ha có giá 15 tỷ đồng thì nay đã lên 25 – 30 tỷ đồng. Các phòng công chứng luôn trong tình trạng đông nghẹt khách ra vào.
Không còn đột biến như nửa năm trước đây nhưng giá đất một số nơi ở tỉnh Lâm Đồng cũng đang có chiều hướng tăng.
Về thực trạng giá đất ở nhiều nơi tăng mạnh, giảng viên Trần Nguyên Đán (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, khi đầu tư nhà đất, nhà đầu tư thường trông đợi vào hai nguồn thu nhập, đó là thu nhập thường xuyên từ nhà đất đó tạo ra hoặc thu nhập từ việc mua đi bán lại, còn gọi là lợi vốn.
Hầu hết các nhà đầu tư BĐS hiện nay tập trung kiếm lời từ việc mua đi bán lại, bỏ qua thu nhập thường xuyên. Đánh vào tâm lý muốn lợi nhuận nhanh này, giới đầu cơ lợi dụng những thông tin để tạo “sốt đất”.
Đất Hòa Bình bị đẩy giá
Tại tọa đàm về thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết trong năm 2021, thị trường BĐS cả nước có hiện tượng tăng giá. Đặc biệt, Hòa Bình là một trong những địa phương có giá cả tăng mạnh.
"Tuy nhiên, thị trường cũng có những nơi sốt ảo và những nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không tham gia vào thị trường này.
Việc tăng giá bất thường thời gian vừa qua có lỗi từ nhiều phía, trong đó có lỗi ở việc thông tin không rõ ràng nên không đánh giá được giá trị thực của BĐS. Và một số người sẽ bị rơi vào vòng xoáy sốt ảo", ông Đính nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, Hòa Bình là một trong những địa phương mới nổi được quan tâm của nhiều nhà đầu tư BĐS. Hồi năm 2007, nhiều “đại gia” đã xuất hiện tại Hòa Bình để đầu tư mua đất nhưng tốc độ triển khai đến nay chưa thực sự tốt. Mới chỉ có một số ít các doanh nghiệp tham gia tại thị trường BĐS địa phương này.
Đáng chú ý, một năm trở lại đây, theo ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu, nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Lộc Sơn Hà Land cũng chia sẻ trở ngại về giá khi quan tâm đầu tư vào phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tại Hòa Bình.
"Giá đất được người dân đẩy lên quá cao. Đó là một vấn đề chúng tôi đang gặp phải khi vào thị trường BĐS Hòa Bình", ông Hà nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô, cho biết vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp phát triển dự án là làm sao để các doanh nghiệp chung tay cùng địa phương để phát triển thị trường bền vững.
(tổng hợp)