Bất động sản mới nhất: Giá nhà cao phi thực tế, đề xuất biện pháp chặn đầu cơ, chung cư dẫn dắt thị trường, thời điểm ấn nút tăng tốc

Đề xuất biện pháp hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại để kiếm lời, kịch bản thị trường quý IV/2024, quyền tiếp cận thông tin đất đai của công dân theo Luật Đất đai 2024… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.

Bộ Xây dựng sẽ tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, nhà đầu tư, sàn giao dịch, môi giới… tiến tới đưa các hoạt động giao dịch qua sàn có sự quản lý của Nhà nước. (Ảnh: Linh An)

Bộ Xây dựng sẽ tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, nhà đầu tư, sàn giao dịch, môi giới… tiến tới đưa các hoạt động giao dịch qua sàn có sự quản lý của Nhà nước. (Ảnh: Linh An)

Đầu cơ đẩy giá nhà cao phi thực tế

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Xây dựng hôm 17/10, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế liên quan hoạt động kinh doanh BĐS nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời và được Bộ Tài chính đồng tình.

Đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời được đưa ra trong bối cảnh giá BĐS, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

Thống kê từ khảo sát và tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, Bộ Xây dựng cho biết, giá căn hộ chung cư tăng trung bình khoảng từ 5-6,5% trong quý II và 25% theo năm tùy từng khu vực.

Ông Dũng cho hay, vừa qua Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo trong đó phân tích về cơ cấu giá nhà, biến động giá nhà, đề xuất giải pháp ổn định thị trường. Phân tích về giá nhà cho thấy việc biến động tăng giá có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có biến động về chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí tiền sử dụng đất, nhân công...

Đáng chú ý, trong quý III, dù nguồn cung BĐS đã được cải thiện khi các luật có hiệu lực nhưng vẫn còn hạn chế. Điều này cho thấy, hạn chế nguồn cung vẫn là một trong những nguyên nhân khiến giá nhà biến động thời gian qua.

Ngoài ra, theo đại diện Bộ Xây dựng, giới đầu cơ, môi giới cũng có tác động kích giá, thổi giá gây nhiễu loạn thông tin thị trường để đẩy giá nhà.

Nhìn nhận từ thực tế giá nhà đất liên tục tăng cao tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết còn có nguyên nhân từ việc đầu cơ và tâm lý thị trường.

“Đầu cơ có thể làm giá nhà tăng cao phi thực tế. Đặc biệt khi kết hợp cùng với tâm lý mua nhà để chờ tăng giá. Đây là nguyên nhân khiến giá nhà tại Hà Nội bị đẩy lên cao thời gian qua”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nêu lên giải pháp để ổn định thị trường BĐS phát triển lành mạnh, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS cho biết, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, Bộ đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế liên quan hoạt động kinh doanh BĐS để hạn chế tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.

“Đề xuất này cũng được Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan đồng tình. Tuy nhiên cũng cần đánh giá toàn diện tác động của chính sách này đến các đối tượng bị ảnh hưởng. Cần phải nghiên cứu thấu đáo, toàn diện để có đánh giá tác động đầy đủ đến các đối tượng từ doanh nghiệp, người dân, bên bán, bên mua… Giải pháp là hướng tới hạn chế hành vi đầu cơ thổi giá nhưng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện cụ thể của Việt Nam tránh tác động tiêu cực đến thị trường chung, ảnh hưởng đến giao dịch của người dân, doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, Bộ lưu ý, việc điều chỉnh bảng giá đất của các địa phương theo quy định của Luật Đất đai 2024 tránh các tác động tiêu cực đến thị trường đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư, người dân.

Ngoài ra, Bộ cũng cho biết sẽ tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh BĐS của doanh nghiệp, nhà đầu tư, sàn giao dịch, môi giới… tiến tới đưa các hoạt động giao dịch qua sàn có sự quản lý của Nhà nước nhằm cho hoạt động kinh doanh BĐS công khai, minh bạch.

Bổ sung vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh thêm các giải pháp để ổn định tâm lý cho người mua. Ông Việt cho biết: “Để đạt được mục tiêu bình ổn thị trường BĐS để thị trường phát triển bền vững cần nhóm các giải pháp và phải được thực hiện một cách đồng bộ chính sách đất đai, nhà ở, tài khóa, đầu tư”.

Nhận định thị trường quý IV/2024

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trên thực tế, các chủ thể trên thị trường BĐS đang tích cực đẩy nhanh việc tiếp cận với hệ thống pháp luật mới, kể từ khi 3 bộ luật là Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024. Nhờ đó, các nội dung quy định trong luật mới dần được hiểu một cách chính xác hơn, là tiền đề quan trọng để từng bước áp dụng vào thực tế. Chính bởi vậy, mà trong quý cuối cùng của năm 2024, các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS sẽ ấn nút tăng tốc, khả năng cao sẽ đem đến nhiều kết quả ấn tượng hơn.

Cũng trong quý IV/2024, ông Đính cho biết, về các phân khúc cụ thể, thị trường BĐS sẽ ghi nhận sự phục hồi trên diện rộng. Căn hộ chung cư, chủ yếu là căn hộ cao cấp sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.

Nguồn cung căn hộ mới của thị trường được đóng góp thêm từ các vùng ven Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, phân khúc biệt thự, liền kề sẽ sôi động hơn nhờ sức hút từ một đại đô thị phía Bắc. Ngoài ra, với phân khúc đất nền thì đất nền pháp lý sạch tại các khu vực chưa bị đẩy giá tiếp tục được các nhà đầu tư “gom hàng” ở các phía Bắc và phía Nam.

Về nhà ở xã hội, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản nhận định trong quý 4/2024, thị trường BĐS sẽ ghi nhận nhu cầu được "khớp" tăng nhanh khi các quy định gỡ khó cho người mua nhà chính thức "đi vào cuộc sống". Nguồn cung được cải thiện trên diện rộng.

Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn gặp khó tại 2 đô thị đặc biệt. Khan hiếm nhà ở xã hội sẽ vẫn là thực trạng nan giải, nhiều thách thức tại 2 thị trường lớn nhất nhà nước về nhu cầu nhà ở.

Ngoài ra, BĐS công nghiệp sẽ vẫn là ngôi sao sáng của thị trường BĐS. Giá thuê nhà xưởng, đất công nghiệp sẽ vẫn tiếp tăng. Phân khúc này sẽ tiếp tục phát triển mạnh nhờ dòng vốn FDI được thúc đẩy bởi các cam kết thương mại và hoạt động ngoại giao hiệu quả cũng như nhu cầu mở rộng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt là nhu cầu về kho bãi, logistics khi thương mại điện tử ngày càng phát triển.

TPHCM dự kiến bảng giá đất cao nhất hơn 687 triệu đồng/m2

Hội đồng thẩm định bảng giá đất TPHCM ngày 16/10 có báo cáo thẩm định dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định của UBND TP quy định về bảng giá đất.

Báo cáo nêu rõ, Hội đồng thẩm định bảng giá đất thành phố thống nhất theo đề xuất của Sở TN-MT tại tờ trình số 10487, ý kiến của tổ giúp việc hội đồng và dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020.

Đồng thời, Hội đồng giao Sở TN-MT TP căn cứ quy định của pháp luật hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ, thủ tục trình UBND TPHCM xem xét, quyết định.

Hội đồng thẩm định cũng nêu, tại các tờ trình trước đây, Sở TN-MT sử dụng dữ liệu giá đất nông nghiệp tính bồi thường trên địa bàn TP để đề xuất giá đất nông nghiệp là chưa phản ánh đầy đủ giá đất nông nghiệp thuần túy cho hoạt động trồng trọt, sản xuất.

Nay, tại tờ trình số 10487, Sở TN-MT đã xây dựng bảng giá đất đối với đất nông nghiệp trên cơ sở giá đất nông nghiệp quy định tại Quyết định 02/2020 nhân với hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) theo Quyết định số 56/2023 nhằm đảm bảo ổn định cho hoạt động sản xuất nông nghiệp là phù hợp.

Hội đồng đánh giá, điều này không ảnh hưởng đến trường hợp Nhà nước thu hồi đất, vì khi đó người bị thu hồi đất sẽ được xác định giá đất cụ thể theo giá thị trường để tính bồi thường.

Đồng thời, Sở TN-MT đã xây dựng bảng giá đất đối với đất nông nghiệp trong Khu Nông nghiệp Công nghệ cao theo hướng giữ nguyên như mức thu hiện hành là phù hợp.

Đối với đất ở, Sở TN-MT thu thập thông tin giá đất từ cơ sở dữ liệu giá và giá đất chuyển nhượng thị trường và căn cứ tình hình kinh tế - xã hội thực tiễn của TP, để đề xuất bảng giá đối với đất ở phù hợp với từng quận, huyện và TP Thủ Đức.

Đồng thời, đã rà soát, cân đối các mức giá đối với các vị trí giáp ranh giữa các quận, huyện, TP Thủ Đức và các đoạn đường, tuyến đường trên cùng một địa bàn.

Trong đó, giá đất cao nhất ở các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi tại quận 1, với giá cao nhất lên đến 687,2 triệu đồng/m2. Mức này đã được điều chỉnh thấp hơn, khi dự thảo lần trước cao nhất là 810 triệu đồng/m2.

Quyền tiếp cận thông tin đất đai của công dân theo Luật Đất đai 2024

Điều 24 Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ tháng 8/2024) quy định quyền tiếp cận thông tin đất đai của công dân.

Cụ thể, như sau:

1. Công dân được tiếp cận các thông tin đất đai sau đây:

a) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt;

b) Kết quả thống kê, kiểm kê đất đai;

c) Giao đất, cho thuê đất;

d) Bảng giá đất đã được công bố;

đ) Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

e) Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;

g) Thủ tục hành chính về đất đai;

h) Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;

i) Các thông tin đất đai khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc tiếp cận thông tin đất đai thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, người dân có quyền tiếp cận thông tin đất đai như quy định nêu trên.

(tổng hợp)

H.A

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-dong-san-moi-nhat-gia-nha-cao-phi-thuc-te-de-xuat-bien-phap-chan-dau-co-chung-cu-dan-dat-thi-truong-thoi-diem-an-nut-tang-toc-290571.html