Bất động sản mới nhất: Khan hiếm nguồn cung, giá đều đặn tăng, nỗi lo nợ xấu; thị trường địa ốc Bắc Ninh sẽ hạ nhiệt?
Nguồn cung căn hộ trên thị trường ngày càng giảm, giá bán tăng đều qua các năm, nợ xấu lĩnh vực địa ốc có nhiều biến động, Hải Phòng tìm nhà đầu tư dự án gần 4.400 tỷ đồng… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Giá BĐS tăng đều đặn
Các chuyên gia của Công ty Savills Việt Nam nhận định, trên thị trường đầu tư hiện nay, các kênh đầu tư phổ biến nhất vẫn là vàng, chứng khoán và BĐS. Trong số đó, BĐS được xem như một kênh đầu tư an toàn, giúp tích trữ tài sản với tiềm năng tăng lợi nhuận trong tương lai.
Tuy nhiên, hiện nguồn cung BĐS vẫn nhỏ giọt và giá tiếp tục tăng nhanh sau dịch Covid-19.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý II vừa qua, số lượng nhà ở thương mại được cấp phép mới là 29 dự án với 6.753 căn, chỉ bằng khoảng 74,4% so với quý trước đó và bằng 42% so với cùng kỳ năm trước. Miền Bắc dẫn đầu với 17 dự án gồm 3.763 căn; miền Trung có 9 dự án với 678 căn và miền Nam chỉ có 3 dự án nhưng chiếm tới 2.312 căn.
Như vậy, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý II vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn cung mới các sản phẩm BĐS ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm 2022 đều hạn chế. Bộ Xây dựng lý giải, nguyên nhân là do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án BĐS.
Ngoài ra, việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu... cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung hạn chế.
Trong khi đó, nhà ở, đất nền vẫn là loại hình BĐS thu hút sự quan tâm, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại trung cấp, bình dân và nhà ở xã hội thì nguồn cung cho phân khúc này lại tương đối ít - Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản thông tin.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, từ nay đến cuối năm, nguồn cung BĐS sẽ không nhiều với bối cảnh xung đột giữa Nga-Ukraine vẫn diễn ra, xăng, dầu sẽ tăng cao và không có nhiều thay đổi.
Bên cạnh đó, nguồn cung trên thị trường khá hạn chế dẫn đến việc tăng giá BĐS từ 20-30% so với các năm trước. Việc tăng giá đến từ nhiều yếu tố khác như giá xăng dầu, vật liệu xây dựng và nhân công đều tăng, lạm phát...
Chuyên gia này phân tích, giá BĐS tăng trong thời gian vừa qua được coi là tăng theo tính tịnh tiến và tiệm cận. Điều đó có nghĩa giá BĐS không tăng nóng như các năm trước là tăng một lúc từ 10-15% mà giá sẽ tăng vài phần trăm mỗi tháng.
Tuy nhiên, khi nhìn lại thị trường trong suốt một năm thì BĐS tăng giá tới 20-25%. Đây chính là diễn biến thị trường trong thời gian qua. Từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ không thay đổi nhiều so với những quý đầu năm khi nguồn cung bị hạn chế và ngân hàng vẫn mạnh tay thắt chặt tín dụng.
Nợ xấu tăng cao
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng đến ngày 30/6/2022 tăng 9,35% so với cuối năm trước (tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2021). Đây là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua, trong đó, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 3,21% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,49% tổng dư nợ tín dụng (cùng kỳ 2021 giảm 4,67%, chiếm 2,27%).
Về tín dụng lĩnh vực BĐS đến tháng 6/2022 đã đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%).
Trong đó, tín dụng đối với BĐS kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ tín dụng; Tín dụng BĐS phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực này.
Nợ xấu lĩnh vực BĐS có nhiều biến động, lên tới 36,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,54% (năm 2021 là 1,67%).
Theo NHNN, thời gian qua, một số tổ chức tín dụng phản ánh hết “room” tín dụng là do tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết “room” mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao...
Với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực BĐS thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng.
Về vấn đề cung ứng vốn cho lĩnh vực BĐS, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS rất đa dạng, bao gồm: Vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn huy động từ thị trường quốc tế thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc vay các tổ chức nước ngoài, huy động từ thị trường chứng khoán, từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân và vay từ tổ chức tín dụng.
Như vậy, nguồn vốn tín dụng từ hệ thống tổ chức tín dụng chỉ là một trong số các nguồn vốn đầu tư vào thị trường BĐS, nhưng đây là nguồn vốn mang tính chất trọng yếu.
Theo NHNN, tín dụng ngân hàng chỉ giải quyết được các vấn đề trước mắt, tạm thời đối với thị trường BĐS về nguồn vốn cho sự phát triển của thị trường này. Về lâu dài, để phát triển thị trường BĐS lành mạnh, bền vững cần có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn đa dạng, an toàn, hiệu quả.
Cũng theo đánh giá của NHNN, tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh quá mức vào BĐS sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng trọng yếu tới an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
BĐS Bắc Ninh hạ nhiệt do bị đẩy giá quá cao?
Thông tin về thị trường nhà ở và BĐS quý II vừa qua, Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết, giá BĐS trên địa bàn tỉnh giai đoạn vừa qua đã bị đẩy lên quá cao, vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng tăng cao, dẫn đến tăng giá BĐS.
Bên cạnh đó, Nhà nước ban hành nhiều chính sách giám sát tín dụng vào lĩnh vực BĐS và giám sát chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, dẫn đến tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực BĐS chậm lại.
Do vậy, Sở này cho rằng, trong ngắn hạn, giá BĐS sẽ hạ nhiệt, thị trường có phần trầm lắng, tính thanh khoản chậm lại. Tuy nhiên, trong dài hạn, do các chính sách điều tiết vĩ mô của Nhà nước, triển vọng thị trường BĐS sẽ phát triển tích cực, ổn định hơn.
Cũng theo Sở Xây dựng Bắc Ninh, trong quý II, toàn tỉnh Bắc Ninh không có dự án được cấp mới, dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, đủ điều kiện huy động vốn.
Giá bán nhà ở trên địa bàn cụ thể từ 10-120 triệu đồng/m2 đối với nhà ở riêng lẻ; chung cư nhà ở xã hội 8-11 triệu đồng/m2; chung cư thương mại từ 15-30 triệu đồng/m2; đất nền từ 8-50 triệu đồng/m2.
Trong 2 năm qua, bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường BĐS Bắc Ninh vẫn sôi động. Trong đó, giá đất nền tại Bắc Ninh tăng cao so với đầu năm 2020, có nơi tăng gấp 2-3 lần.
Tuy nhiên, hiện tại, thị trường BĐS nói chung và Bắc Ninh nói riêng đang rơi vào tình trạng trầm lắng, thanh khoản kém.
Hải Phòng tìm nhà đầu tư cho khu nhà ở xã hội gần 4.400 tỷ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng vừa ra Thông báo mời quan tâm Dự án Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên (số 142 Lê Lai), phường Máy Chai và phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền.
Trong đó, khu nhà ở xã hội có diện tích 53.913 m2, gồm 10 block nhà chung cư cao 15 tầng, mật độ xây dựng khoảng 48%. Tổng diện tích sàn nhà ở xã hội dự kiến khoảng 340.952 m2, với 4.456 căn hộ.
Khu nhà ở thương mại quy mô 13.063 m2, gồm 163 căn hộ, cao 7 tầng, mật độ xây dựng khoảng 98%; tổng diện tích sàn dự kiến khoảng 90.420 m2 sàn.
Hạ tầng kỹ thuật trên khu đất 16,91 ha (gồm cả khu tái định cư tại chỗ có diện tích 8.100 m2) với các hạng mục đường giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, vườn hoa cây xanh… và kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu dân cư lân cận.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 4.379 tỷ đồng, không bao gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Thời hạn thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày UBND thành phố giao đất. Thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đến hết ngày 5/9/2022.