Bắt giam nhiều đối tượng liên quan đến vụ tàn phá rừng nghiến cổ thụ ở Hà Giang

Cơ quan CSĐT Công an huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng, tạm giữ hình sự đối với 2 đối tượng để điều tra, xử lý về hành vi vi phạm các quy định khai thác bảo vệ rừng.

Theo kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang đã xác định có 60 cây nghiến, 8 cây gỗ thông thường tại rừng đặc dụng Du Già và 74 cây gỗ nghiến tại rừng sản xuất bị chặt hạ.

Qua công tác điều tra và tuyên truyền, vận động người vi phạm ra đầu thú, đến ngày 31/7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bắc Mê đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 5 đối tượng, tạm giữ hình sự đối với 2 đối tượng để điều tra, xử lý về hành vi vi phạm các quy định khai thác bảo vệ rừng.

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang tiến hành kiểm đếm khối lượng gỗ trong Vườn quốc gia Du Già bị tàn phá. Ảnh: Cao Tuân

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang tiến hành kiểm đếm khối lượng gỗ trong Vườn quốc gia Du Già bị tàn phá. Ảnh: Cao Tuân

Trước đó theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội tại Vườn quốc gia Du Già (khu vực thôn Lùng Càng, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang), rất nhiều cây nghiến cổ thụ đã bị chặt phá. Tổng lượng gỗ rừng già bị tổn thất, bị ăn cắp đem đi, bị vứt lại trong các "công xưởng" xẻ gỗ mênh mông lên đến nhiều trăm mét khối…

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, sáng 11/6, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cùng đại diện các sở, ngành liên quan đi kiểm tra hiện trường phá rừng ở các thôn thuộc địa phận xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê.

Gỗ nghiến sau khi bị cưa đổ, những người khai thác sẽ cắt thành dạng thớt để dễ dàng vận chuyển ra khỏi rừng. Ảnh: Cao Tuân

Gỗ nghiến sau khi bị cưa đổ, những người khai thác sẽ cắt thành dạng thớt để dễ dàng vận chuyển ra khỏi rừng. Ảnh: Cao Tuân

Ngay sau đó, UBND tỉnh Hà Giang đã đình chỉ công tác đối với Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già, đồng thời biệt phái cán bộ từ Ban Quản lý rừng đặc dụng Phong Quang vào điều hành công việc. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng giao cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Liên quan đến vụ việc tàn phá rừng nghiến cổ thụ ở Hà Giang, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) chia sẻ: "Tôi nhớ có lãnh đạo từng nói, bảo vệ rừng là cấp bách, trong trách nhiệm bảo vệ rừng có nói về vai trò của tỉnh và huyện. Để mất rừng thì chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm.

Từ vụ việc này, tôi đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tư Pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Công an phải tổng kiểm tra vấn đề luật pháp chúng ta về vấn đề bảo vệ rừng".

Cao Tuân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/bat-giam-nhieu-doi-tuong-lien-quan-den-vu-tan-pha-rung-nghien-co-thu-o-ha-giang-20210812200923046.htm