Bắt giữ tận gốc đường dây sản xuất hàng nhái thương hiệu The North Face
Sau 2 tháng truy quét các điểm kinh doanh sản phẩm nhái thương hiệu The North Face trên địa bàn cả nước, chiều ngày 9/9, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan phát hiện bắt giữ một xưởng sản xuất tận gốc các sản phẩm The North Face nhái thương hiệu của Mỹ.
Cụ thể, chiều ngày 9/9, Cục QLTT Hưng Yên dưới sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên bất ngờ kiểm tra xưởng sản xuất do ông Đào Văn Củ làm chủ, có địa chỉ tại xã Phú Cường, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Thời điểm Đoàn tới kiểm tra, 30 công nhân thời vụ tại xưởng vẫn làm việc bình thường, mỗi người đảm nhận một khâu để tạo ra một chiếc áo “hàng hiệu” mang tên The North Face có “nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ”.
Ghi nhận tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 903 chiếc áo thành phẩm; 263kg phụ liệu bao gồm khóa kéo, dây rút áo, khuy áo…; 27.525 cái tem, nhãn, mác các loại là minh chứng cho nguồn gốc xuất xứ từ "Mỹ" của sản phẩm.
Được biết, một chiếc áo gió hàng hiệu The North Face đủ tiêu chuẩn xuất xưởng tại đây được trang bị đầy đủ các loại tem chính, tem phụ, thậm chí cả tem chống hàng giả có in logo chìm. Tuy nhiên, tham gia cùng đoàn kiểm tra, đại diện chủ thể quyền hãng The North Face tại Việt Nam nhận định, các nguyên liệu tạo nên một chiếc áo tại xưởng sản xuất này đều có dấu hiệu làm hàng giả. Theo vị đại diện này, một chiếc áo chính hãng The North Face trên thị trường được bán với giá từ 299-399 USD/cái (khoảng 6.000.000 - 8.000.000 đồng).
Theo ông Trần Thế Mạnh, quyền Đội trưởng đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Hưng Yên, thời điểm Đội đột kích kiểm tra, người đứng tên xưởng sản xuất là ông Đào Văn Củ không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa trên. "Tôi chỉ biết trông coi xưởng, công nhân làm việc, hậu quả vụ việc này thế nào tôi không biết" - người đứng tên chủ xưởng nói.
Cũng theo chủ cơ sở này, thị trường tiêu thụ của những chiếc áo gió hàng hiệu này chủ yếu là Hà Nội. "Sau khi đóng gói xong, hàng sẽ tập kết tại xưởng và được các tiểu thương tại Hà Nội về tận nơi để lấy", ông Củ khai nhận.
Theo tìm hiểu của lực lượng QLTT, những sản phẩm làm giả cao cấp được tiêu thụ chủ yếu tại các cửa hàng ở Hà Nội, đặc biệt nơi tập trung nhiều địa điểm mua sắm như Hàng Bông, Hàng Gai... Tại đây, những sản phẩm nhái hàng hiệu này chỉ có giá từ vài trăm nghìn đồng, rất thu hút người mua. Đặc biệt những người thích dùng hàng có hình thức giống hàng hiệu nhưng chi phí thấp.