Bất hạnh của những đứa trẻ ở nhà

Số vụ trẻ em bị bạo hành tăng mạnh tại nhiều quốc gia trong đại dịch. Khi các bé ở nhà, người trưởng thành xung quanh khó có thể nhận ra những dấu hiệu đánh đập, lạm dụng.

Ngày 17/1, bé Đ.N.A. (3 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật toàn thân. Sau khi chiếu chụp, bác sĩ phát hiện 9 vật thể lạ nghi là đinh ghim trong hộp sọ. Nạn nhân nghi bị bạo hành bởi mẹ ruột và người tình.

Cuối tháng 12/2021, bé gái N.T.V.A. (8 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị bố và bạn gái hành hạ tới tử vong. Nguyên nhân được xác định là do nạn nhân bị đánh đập trong thời gian dài, dẫn đến phù phổi cấp, cơ thể có nhiều tổn thương, bầm tụ máu.

Tháng 9/2021, bé gái L.H.A. (6 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã qua đời sau khi bị bố đánh đập bằng đũa gỗ, chổi và que tre. Người đàn ông cho biết ông đã tức giận khi thấy con gái hay mất tập trung, chậm tiếp thu trong quá trình học online tại nhà.

Liên tiếp những vụ việc trẻ em bị gia đình bạo hành xảy ra trong thời gian gần đây khiến công chúng không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ. Đáng chú ý, thực trạng này đang diễn ra ở nhiều quốc gia và có xu hướng gia tăng trong đại dịch.

Hình ảnh chụp X-quang hộp sọ bệnh nhi Đ.N.A. Ảnh: Đ.X.

Những hạn chế đi lại, lệnh phong tỏa và căng thẳng tài chính do Covid-19 có thể làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học bị bạo hành cao hơn đáng kể, theo nội dung nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị và Triển lãm Quốc gia về Nhi khoa 2021 của Học viện Nhi khoa Mỹ.

“Khi trẻ em ở nhà toàn thời gian, các giáo viên, nhân viên y tế và những người trưởng thành xung quanh không thể giúp nhận ra những dấu hiệu lạm dụng thể chất”, bác sĩ Amelia Collings (bang Kentucky, Mỹ) cho biết.

Bạo hành trẻ em tăng cao

Đầu tháng 1, một cô bé 5 tuổi ở Trung Quốc phải nhập viện trong tình trạng bị thương nghiêm trọng sau bị bố ruột và người tình của ông ta đánh đập, bạo hành trong thời gian dài, SCMP đưa tin.

"Yanyan chỉ mới sống với họ 2 tháng. Một hôm, khi ông ngoại đến thăm, ông phát hiện những vết bỏng lớn trên cơ thể cháu. Cô bé kể với ông rằng bị bạn gái của bố dội nước nóng", cậu của bé cho biết.

Chính quyền địa phương thông tin rằng bố của Yanyan cùng bạn gái họ Zhang đã bị bắt giữ sau khi ông ngoại gọi điện báo cảnh sát.

Tại Hàn Quốc, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2021, gần 10 vụ bạo hành trẻ em đến chết đã bị phát giác, theo Korea Times.

Cùng thời điểm, Bộ Phúc lợi Xã hội Hong Kong ghi nhận 279 vụ lạm dụng trẻ em, tăng 2/3 so với cùng kỳ năm 2020, SCMP đưa tin.

Cảnh sát cũng cảnh báo rằng nhiều trường hợp chưa được báo cáo trong đại dịch. Việc đóng cửa trường học cùng những đợt giãn cách xã hội khiến giáo viên và nhân viên xã hội không thể phát hiện sớm các dấu hiệu bạo hành, đồng thời cản trở nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ.

 Arthur Labinjo-Hughes qua đời do bị bố và mẹ kế hành hạ. Ảnh: Olivia Labinjo-Halcrow/PA Wire.

Arthur Labinjo-Hughes qua đời do bị bố và mẹ kế hành hạ. Ảnh: Olivia Labinjo-Halcrow/PA Wire.

Tháng 12/2021, tại thành phố Birmingham (Anh), cặp vợ chồng Emma Tustin và Thomas Hughes nhận bản án tổng cộng 50 năm tù với tội danh giết người và ngộ sát con trai, theo BBC.

Nạn nhân là Arthur Labinjo-Hughes, tử vong hồi tháng 6/2020, khi chỉ mới 6 tuổi. Cậu bé là con trai của Thomas với người vợ trước.

Khám nghiệm tử thi cho thấy 130 vết bầm tím trên người nạn nhân. Các chuyên gia y tế cho biết cậu bé đã bị tra tấn. Kết quả điều tra cũng cho thấy Athur thường xuyên bị bỏ đói, không được uống nước và nhận được sự quan tâm từ gia đình.

Vào ngày Arthur tử vong, cậu bé được miêu tả là suy dinh dưỡng, gầy gò và ốm yếu. Mẹ kế bắt cậu bé đứng ở hành lang và dọa sẽ bị đánh nếu ngồi xuống. Ngoài ra, nạn nhân bị ép uống ít nhất 6 thìa rưỡi muối pha với nước, dẫn đến ngộ độc và mất ý thức.

Sau đó, người phụ nữ liên tục lắc cơ thể Arthur, đập đầu cậu bé vào bề mặt cứng, khiến đứa trẻ 6 tuổi bị tổn thương não nghiêm trọng, nằm bất động trên sàn.

Amanda Spielman, người đứng đầu Văn phòng Tiêu chuẩn Giáo dục (Ofsted), cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra các trường học ở Anh, khẳng định sẽ còn thêm những trường hợp tương tự Arthur nếu trường học và các dịch vụ xã hội tiếp tục bị gián đoạn, theo The Guardian.

“Việc trường học đóng cửa rõ ràng đã đem lại rủi ro đáng kể về chất lượng giáo dục, nhưng điều đáng buồn hơn cả là có một bộ phận trẻ em sẽ an toàn hơn khi được đến trường, thay vì ở nhà. Đóng cửa trường học sẽ khiến nhóm thiểu số này gặp nguy hiểm”, bà nói.

Cần mở cửa trường học

Chia sẻ với The Harvard Gazette, Joe Allen, Phó giáo sư chuyên ngành Y tế công cộng tại ĐH Harvard, cho biết từ 2 năm trước, các chuyên gia đã dự đoán được hậu quả của việc đóng cửa trường học.

Trong đó, dễ thấy nhất là chất lượng học tập giảm sút. Nhiều em thậm chí bỏ học và hứng chịu hậu quả nghiêm trọng hơn.

“Trường học là nơi đầu tiên giúp chúng ta phát hiện các vấn đề trẻ gặp trong gia đình như bị bạo hành, bỏ rơi hay ngược đãi”, phó giáo sư nói. Ông viện dẫn ví dụ tại thành phố New York (Mỹ), chỉ vài tháng đóng cửa trường học, hàng nghìn vụ trẻ bị ngược đãi đã không được báo cáo.

Sau kỳ nghỉ đông, nhiều thành phố lớn của Mỹ như New York, Chicago hay Washington dự định mở cửa trường học và kiểm soát dịch bằng cách tăng cường xét nghiệm.

 Học sinh trường Wat Nong Khaem (Bangkok, Thái Lan) đo thân nhiệt trước khi vào lớp. Ảnh: Bangkok Post.

Học sinh trường Wat Nong Khaem (Bangkok, Thái Lan) đo thân nhiệt trước khi vào lớp. Ảnh: Bangkok Post.

Tại châu Á, nhằm giảm bớt hệ lụy của việc học trực tuyến đối với trẻ em, cuối năm 2021, Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia quyết định mở cửa trường học trên cả nước hoặc tại một số khu vực.

Ngày 22/11, Hàn Quốc cho trẻ em trên toàn quốc trở lại trường. Theo Yonhap, đây là lần đầu tiên sau 2 năm, tất cả trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông trở lại trường học toàn thời gian, không phải học trực tuyến hay theo phương thức kết hợp.

“Đúng là vẫn còn nhiều lo ngại”, Bộ trưởng Giáo dục Yoo Eun-hye thừa nhận. Do đó, khi trở lại, học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, phân luồng, giãn cách.

Các trường cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến hoặc hình thức học tập từ xa khác trong trường hợp tình hình thực tế yêu cầu.

Ngày 15/11, 100 trường ở Philippines bắt đầu mở cửa đón trẻ trở lại học tập. Các trường đều thuộc nhóm khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp và đủ điều kiện mở cửa. Mỗi phòng học chỉ có sức chứa từ 12 đến 15 học sinh. Giáo viên tham gia giảng dạy phải tiêm vaccine đủ 2 mũi mới được phép đến trường.

Theo Bangkok Post, đầu tháng 11, nhiều trường học ở Thái Lan cũng mở cửa trở lại sau khi đóng cửa từ hồi tháng tư do dịch bệnh căng thẳng.

 Cô giáo buộc dải ruy băng đánh dấu xét nghiệm Covid-19 âm tính vào cổ tay học sinh tại trường Tiểu học Harriet Tubman (thủ đô Washington D.C., Mỹ) hôm 6/1. Ảnh: The Washington Post.

Cô giáo buộc dải ruy băng đánh dấu xét nghiệm Covid-19 âm tính vào cổ tay học sinh tại trường Tiểu học Harriet Tubman (thủ đô Washington D.C., Mỹ) hôm 6/1. Ảnh: The Washington Post.

Văn phòng Ủy ban Giáo dục Phổ thông nước này cho biết khoảng 10.000 trường đã đón học sinh tới lớp, trong khi 19.000 trường khác duy trì hình thức dạy học trực tuyến, từng bước mở cửa.

“Dịch bệnh sẽ không chấm dứt sớm. Chúng ta cần thích nghi, từng bước mở cửa trường học. Nếu chúng ta cứ mắc kẹt trong nỗi sợ hãi, giáo dục không thể phát triển”, bà Treenuch Thienthong, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan, nhấn mạnh.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng đưa ra cảnh báo về mặt trái của việc đóng cửa trường học. Trẻ em không đến trường phải đối mặt nhiều nguy cơ bị bạo hành thể chất, tinh thần, tình dục, tảo hôn.

“Với trẻ em, trường không chỉ là chỗ học tập, đó còn là nơi cung cấp kiến thức, tạo dựng tình bạn, sự an toàn và môi trường lành mạnh. Học sinh nghỉ càng lâu, càng thiếu hụt sự hỗ trợ quan trọng đó.

Vì thế, khi các hạn chế được nới lỏng, chúng ta nên ưu tiên việc mở cửa trường học an toàn để hàng triệu học sinh không bị hủy hoại tương lai”, Debora Comini, Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, khuyến nghị.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bat-hanh-cua-nhung-dua-tre-o-nha-post1290954.html