Bắt kịp xu hướng nông nghiệp hữu cơ

Linh hoạt, sáng tạo là ưu thế nổi bật của đoàn viên thanh niên. Trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng phát triển, thanh niên - chủ nhân tương lai của đất nước là những người tiên phong trong công cuộc phát triển và dựng xây quê hương, đất nước. Mỗi thanh niên đã ý thức xây dựng cho bản thân, gia đình mô hình kinh tế phù hợp. Và mô hình nông nghiệp sạch, tuần hoàn của anh Lưu Văn Thanh ở ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú là một minh chứng cho những gương thanh niên đang nỗ lực thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, kinh doanh.

NUÔI BÒ KHÉP KÍN

Chú trọng chất lượng sản phẩm xanh - sạch, an toàn theo hướng hữu cơ, anh Thanh đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư theo phương pháp hữu cơ để cung cấp ra thị trường nông sản chất lượng, có giá trị kinh tế cao. Canh tác bền vững, an toàn là mục tiêu anh Thanh đã xây dựng hiệu quả trong những năm gần đây. Nông sản của gia đình anh cung cấp ra thị trường luôn ổn định và có giá bán cao hơn tại địa phương.

Ngoài thức ăn thô xanh, thức ăn khô thì thức ăn tinh như cám gạo, ngô, bột cá… cũng rất cần thiết bổ sung cho bò trong giai đoạn mang bầu

Ngoài thức ăn thô xanh, thức ăn khô thì thức ăn tinh như cám gạo, ngô, bột cá… cũng rất cần thiết bổ sung cho bò trong giai đoạn mang bầu

Với diện tích đất rộng, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình khép kín, năm 2016, gia đình anh Thanh đầu tư nuôi bò. Từ một vài con ban đầu, sau khi phát triển nhân đàn, hiện gia đình anh nuôi khoảng 20 con bò lai sind. Đàn bò được chăm sóc theo đúng quy trình nên sinh trưởng, phát triển đồng đều.

Để đáp ứng nguồn thức ăn sạch cho vật nuôi, anh Thanh trồng cỏ cho bò ăn. Đây là nguồn thức ăn chính của bò nên vườn cỏ được gia đình anh chú trọng chăm sóc, đầu tư hệ thống nước tưới tự động. Không chỉ nuôi bò bán giống, gia đình anh còn liên kết với các hộ kinh doanh bán bò thịt, làm chả bò để cung cấp ra thị trường.

Nuôi bò sinh sản đang là hướng đi thu hút nhiều hộ nông dân đầu tư nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống của gia đình.

Nuôi bò sinh sản đang là hướng đi thu hút nhiều hộ nông dân đầu tư nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống của gia đình.

Với kinh nghiệm hơn 8 năm nuôi bò, đặc biệt là bò sinh sản, anh Thanh chia sẻ: Bò mang thai khoảng 280-285 ngày sẽ đẻ và bê con nuôi từ 6-7 tháng tuổi sẽ tách mẹ. Thời điểm bò mang thai, ngoài thức ăn hằng ngày, phải bổ sung cám gạo để tăng dinh dưỡng cho bò mẹ.

Theo anh Thanh, khẩu phần ăn của bò được tính theo trọng lượng. Bò cái có trọng lượng từ 240-260kg thức ăn phải đủ từ 35-40kg. Ngoài thức ăn thô xanh, thức ăn khô thì cám gạo, bắp, bột cá… cũng rất cần thiết bổ sung cho bò trong giai đoạn mang thai.

Nuôi bò sinh sản đang là hướng đi thu hút nhiều hộ nông dân đầu tư nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Thức ăn cho bò rất đa dạng, dễ kiếm, ngoài rơm hay cỏ tươi, có thể cho bò ăn thân cây bắp, các cây họ đậu hay đọt mía, bánh dầu, thức ăn trộn sẵn…

HƯỚNG ĐẾN NÔNG NGHIỆP XANH - SẠCH - CHẤT LƯỢNG

Gia đình anh Thanh đang thực hiện mô hình trang trại nuôi bò lấy phân bón cho vườn cây ăn trái. Đây là mô hình nông nghiệp xanh - sạch mà anh hướng tới ngay từ khi triển khai. Cây ăn trái được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ vừa ít sâu bệnh vừa chất lượng, tạo được thương hiệu và sản phẩm uy tín trên thị trường. Đặc biệt, sản phẩm không bị ảnh hưởng về giá cả và yếu tố cung, cầu.

Trồng khoảng 10 loại cây ăn trái nhưng theo anh Thanh, ổi là loại cây dễ trồng và cho giá trị kinh tế cao

Trồng khoảng 10 loại cây ăn trái nhưng theo anh Thanh, ổi là loại cây dễ trồng và cho giá trị kinh tế cao

Từ lượng phân bò thải ra hằng ngày, anh Thanh ủ để bón các loại cây ăn trái trong vườn. Thay đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh đã chuyển đổi một phần diện tích điều già cỗi, kém năng suất sang trồng các loại cây ăn trái như ổi, mít, sầu riêng, bơ… Nhờ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón... nên vườn cây của gia đình anh phát triển xanh tốt và đạt năng suất cao.

Với 3 ha đất trồng khoảng 10 loại cây ăn trái, giúp gia đình anh Thanh có nguồn thu vài trăm triệu đồng mỗi năm. Chỉ tính riêng 0,3 ha đất trồng ổi, mỗi tháng gia đình anh thu hoạch từ 500-700kg, với giá bán 30 ngàn đồng/kg, thu về hơn 15 triệu đồng. Theo anh Thanh, lấy ngắn nuôi dài và nhằm tránh rủi ro nên gia đình chọn trồng đa dạng các loại cây ăn trái để có nguồn thu quanh năm.

Anh Thanh là một trong những thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Đa dạng mô hình chăn nuôi, trồng trọt không chỉ giúp gia đình có nguồn thu ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn góp phần lan tỏa phong trào nông nghiệp sạch, hữu cơ. Đây là mô hình điển hình được Đoàn xã chọn để đoàn viên thanh niên địa phương tham quan, học tập kinh nghiệm.

Chị NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG, Bí thư Đoàn xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi không mới. Song để thành công và cho ra sản phẩm có vị thế, giá trị trên thị trường đòi hỏi nông dân phải tuân thủ các nguyên tắc, quy trình trồng, chăm sóc và sản xuất để cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có giá trị dinh dưỡng cao bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Tuệ Lâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/155837/bat-kip-xu-huong-nong-nghiep-huu-co