Bất lực trước khô hạn?
Đắk Lắk được quy hoạch trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên. Nền kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, như: Cà phê, cao su, hồ tiêu… vì vậy nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp là yếu tố sống còn quyết định đến hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên hạ tầng, nhất là hệ thống, hồ chứa, kênh mương dẫn nước còn thiếu, chưa đồng bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Đồng đất bỏ không
Giữa triền đồi khô khốc, chị Hoàng Thị Si (SN 1988, xã Cư K’bang, huyện Ea Súp) thoăn thoắt phát từng đám cỏ chuẩn bị cho vụ mới. Nhà chị Si có 3 hecta đất rẫy nằm trong đồi sâu, không có ao hồ, sông suối hay kênh mương thủy lợi, mùa vụ gieo trồng đều trông chờ vào “nước trời”. Song việc phụ thuộc vào thời tiết chứa nhiều rủi ro, như năm nay khô hạn đến sớm, 1hecta lúa chỉ thu được 20 bao hạt lép; thu không đủ trả chi phí cày đất, phân, giống… Chưa kể, mỗi năm gia đình chị chỉ trồng một vụ lúa vào mùa mưa còn lại bỏ đất không rất lãng phí. Chị Si cũng muốn làm thêm vụ kiếm tiền nuôi 4 người con nhưng đành bất lực vì không có nước tưới.
Nhìn những cây điều vừa ra bông đã bị khô rũ, chị Nông Thị Nòn, dân tộc Nùng (SN 1975) di cư từ phía Bắc vào thôn 2, xã Cư K’bang được hơn 20 năm chua xót kể: “Vụ điều năm nay cũng không khá hơn năm trước, 3 hecta thu chưa được nửa tấn điều. Diện tích này từng trồng sắn, lúa, bắp... nhưng năm được, năm mất,chị chuyển sang trồng điều. Là cây chịu hạn tốt nhưng trước sức nóng như “chảo lửa” của huyện vùng biên, cây điều không chết cũng héo trụi; giảm năng suất”.
Không riêng cây điều, 2 hecta sắn của gia đình chị chỉ được hơn 14 tấn củ, thu về khoảng 25 triệu đồng, chỉ đủ công đầu tư chứ không có lãi. Chị Nòn tâm sự thêm, biết trồng cây sắn, cây lúa kiểu này thu không được bao nhiêu, thậm chí lỗ vốn song vẫn quyết bám trụ vùng đất này. Chị mong muốn được Nhà nước quan tâm tạo đầu tư công trình hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi giúp người dân chủ động sản xuất, ổn định đời sống.
Chắt chiu từng giọt nước
Không chỉ ngành nông nghiệp “tê liệt” vào mùa khô mà người dân thuộc 2 xã Ea Rốk và Cư K’bang còn gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt. Đây là năm đầu tiên gia đình anh Giàng Mí Quang (SN 1981, thôn 8, xã Cư K’bang) thoát cảnh “xài nước ké”, nhưng vẫn không dám dùng nhiều vì nguồn nước ngầm rất khan hiếm. Anh Quang chia sẻ, suốt 8 năm qua, nhà anh toàn dùng nước nhờ hàng xóm vì gia đình không có tiền khoan giếng, giếng đào lại không có nước. Cảnh dùng nước nhờ rất vất vả, nhất là năm hạn nặng, mạch nước ngầm tuột sâu, gia đình phải cắt giảm tối đa, thậm chí “nhịn” cả tắm.
Cuối năm vừa qua, anh cùng nhà kế bên chung nhau 10 triệu đồng khoan một giếng để phục vụ sinh hoạt. Rất may, khoan một lần đã có nước nếu không chưa biết bao giờ gia đình anh thoát được cảnh “xài ké nước”; riêng nước ăn uống, gia đình vẫn phải đi mua nước bình về dùng. Ông Nguyễn Văn Trung (56 tuổi) hàng xóm kế bên tiếp lời: Nước giếng khoan chứa nhiều vôi, đục bẩn lắm. Nhà ông phải đầu tư 2 hệ thống lọc nước trị giá 40 triệu đồng để lọc lấy nước ăn uống; còn những hộ dân khác không có điều kiện phải bỏ tiền mua.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cấp thiết của địa phương nhiều năm qua, nhất là khu vực 2 xã Ea Rốk và Cư K’bang. Hai khu vực này không có hệ thống kênh mương thủy lợi hay ao hồ trữ nước nên luôn chịu cảnh hạn hán vào mùa khô và ngập lụt mỗi khi mưa về.
Theo thông tin từ UBND huyện Ea Súp, tổng dân số tại 2 xã nằm trong vùng dự án (gồm Cư K’bang và Ea Rốk) khoảng 5.239 hộ với hơn 21.017 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90% đa số là người đồng bào phía Bắc di cư đến. Nguồn sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất huyện (8,14 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện (53,57%).
Những năm qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã gây nên tình trạng hạn hán vô cùng khốc liệt vào mùa khô và gây ra những trận lũ bất thường gây thiệt hại về tài sản và tính mạng của nguời dân. Đợt khô hạn điển hình nhất vào năm 2016, các con suối trên địa bàn huyện Ea Súp trơ đáy khiến hàng nghìn hecta cây trồng và hàng nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Trước đó, năm 2013, cơn đại hồng thủy từ đợt mưa ảnh hưởng của cơn bão số 8 đổ ập về xã Ea Rốk và xã Cư K’bang (huyện Ea Súp) cuốn trôi 12 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Bảy năm qua, ký ức về trận lũ kinh hoàng vẫn luôn ám ảnh người dân nơi đây nhất là mỗi khi mùa mưa về. “Những khó khăn về kinh tế khiến tình hình dân cư không ổn định, người trẻ phải đi xa làm ăn, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng cho vùng biên giới Tổ quốc. Chúng tôi hy vọng Hồ chứa nước Ea Khal sớm được triển khai và đi vào hoạt động, được như vậy “người nghèo rất biết ơn Đảng” ông Nguyễn Văn Nhiệm, phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp chia sẻ thêm.
Thấu hiểu nỗi khổ người dân vùng biên, nhìn thấy tiềm năng và hiệu quả từ công trình hồ chứa nước Ea Khal nếu được đầu tư xây dựng, nhiều năm qua, UBND tỉnh Đắk Lắk cùng các ban ngành liên quan tìm đủ mọi cách bố trí vốn đầu tư. Tuy nhiên, Đắk Lắk là một tỉnh nghèo nguồn ngân sách còn rất khó khăn, thu không đủ chi, với công trình hồ chứa có quy mô lớn, kinh phí đầu tư hơn nghìn tỷ đồng, vượt quá khả năng đầu tư của địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh cũng đã từng đề xuất xin vốn trái phiếu chính phủ, các nguồn vốn Trung ương thậm trí kêu gọi vốn ODA đầu tư nhưng đến nay dự án vẫn chưa có vốn để triển khai.
Trước sự cấp thiết về nguồn nước, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Lắk rất mong Chính phủ, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan Trung ương nghiên cứu, ưu tiên bố trí vốn để sớm khởi công xây dựng, đưa công trình phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế, đặc biệt là ổn định an ninh chính trị vùng biên giới.
Năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương đầu tư Hồ chứa nước Ea Khal tại văn bản số 5058/UBND ngày 27/9/2010; năm 2018, dự án tiếp tục nằm trong danh mục các công trình của tỉnh Đắk Lắk được đầu tư xây dựng trong Quy hoạch Tổng thể Thủy lợi vùng Tây Nguyên giai đoạn đến năm 2030 định hướng đến năm 2050, tại Quyết định số 4325/QĐ-BNN-TCTL, ngày 2/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Công trình hồ chứa Ea Khal nằm trên suối Ea Khal, đập dâng tạo hồ chứa đặt tại chân núi Chư Khang, thuộc địa phận xã Ea Wy (huyện Ea H’leo) và xã Ea Rốk (huyện Ea Súp). Hồ chứa dự kiến cấp nước cho 5.000 hecta đất canh tác của hai xã Cư K’bang và xã Ea Rốk và các khu vực xung quanh; cấp nước sinh hoạt cho 20.000 dân trong vùng; cấp nước cho chăn nuôi 1.000.000m3/năm; cắt lũ giảm nhẹ ngập lụt cho hạ du; góp phần cải thiện môi sinh môi trường trong vùng.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bat-luc-truoc-kho-han-1629825.tpo