'Bắt mạch' trên internet
Các địa phương trong cả nước nên có động thái xem xét để ứng dụng cách 'bắt mạch' từ xa.
Tuần qua, Nguyễn Thị Lệ Nam Em, người đẹp trong tốp 8 cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2016, khiến dư luận xôn xao khi liên tục livestream kể lại chuyện tình cũ, ám chỉ không tốt đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và gây nên những luồng ý kiến trái chiều không đáng có.
Những phát ngôn ẩu ấy bị trả giá bằng sự quay lưng của nhiều người cùng mức phạt trên 37 triệu đồng.
Cũng tuần qua, 2 bị cáo Đặng Thị Hàn Ni, Trần Văn Sỹ lãnh lần lượt 18 tháng tù và 2 năm tù do trước đó đưa lên mạng những thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân. Xa hơn chút nữa là đầu bếp Võ Quốc, anh này bị xử lý vì có những lời lẽ có tính chất miệt thị.
Cả 4 người trên ít nhiều đều có chút tiếng tăm. Những "trình diễn" mang tính công khai của họ trên môi trường internet chắc chắn có ảnh hưởng tới nhiều người.
Nhìn rộng ra, không riêng những cá nhân trên, thời gian gần đây khá đông đối tượng có cách ứng xử tương tự vì mục đích kiếm tiền bất chấp hoặc ẩn ý sâu xa khác. Điều này ngoài gây tâm lý hoang mang còn làm cản trở những nỗ lực xây dựng môi trường ứng xử trên mạng trong sạch, nghiêm túc, chuẩn mực.
Cơ quan chức năng đã làm khá tốt việc ngăn chặn và trừng trị những kẻ đầu độc tâm trạng xã hội như vậy, việc tới đây là thực hiện hiệu quả hơn nữa.
Sự kiện triển khai phần mềm "Lắng nghe mạng xã hội" của TP HCM hôm 27-2 là một giải pháp tốt để thực hiện bước đi như thế. Theo đó, công nghệ AI sẽ phân tích, đánh giá, đưa ra gợi ý tham mưu đối với mọi vấn đề đang diễn ra để có biện pháp xử lý kịp thời, dứt khoát.
Các địa phương trong cả nước nên có động thái xem xét để ứng dụng cách "bắt mạch" từ xa.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bat-mach-tren-internet-196240303220221195.htm