'Bật mí' nhiều mẹo nhà bếp hiệu quả bất ngờ

Cách nào giúp bạn không bị cay mắt khi thái hành?; Thả một viên đá lạnh vào nồi canh có tác dụng gì?; Đặt thứ gì vào thùng gạo để đảm bảo cả năm không lo mối mọt... Mời bạn tham khảo những mẹo dưới đây sẽ có nhiều bất ngờ thú vị.

Ngậm bánh mì, thắp nến: Mẹo thái hành không bị chảy nước mắt ít người biết

Hành tây giúp kháng viêm, điều hòa đường huyết và giúp cải thiện sức khỏe xương khớp. Tuy nhiên, chất khí thoát ra từ hành kích thích tế bào thần kinh trong mắt, gây cảm giác châm chích khiến cơ thể tự động tiết ra nước mắt để rửa trôi.

Có nhiều mẹo giúp bạn thái hành không bị cay mắt. Ảnh: EatingWell

Có nhiều mẹo giúp bạn thái hành không bị cay mắt. Ảnh: EatingWell

ThS Brian Chau, nhà khoa học thực phẩm tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon, Mỹ, giải thích trên trang Business Insider: “Khi bạn thái hành tây, enzyme alliinase được giải phóng cùng với nhóm hợp chất cysteine sulfoxides. Thông qua loạt phản ứng hóa học tiếp theo, một loại khí dễ bay hơi gọi là propanethial S-oxide được tạo ra và lan truyền trong không khí”.

Không phải tất cả các loại hành đều gây khó chịu như nhau. Hành ngọt và hành lá chứa ít lưu huỳnh hơn hành đỏ, trắng và vàng, vì vậy chúng có xu hướng gây ra phản ứng nhẹ hơn. Trong khi đó, nhiều loại hành khác có thể khiến bạn nước mắt giàn dụa.

Để tránh tình trạng khó chịu này, bạn cần áp dụng các mẹo thái hành không bị chảy nước mắt sau đây:

Dùng dao sắc

Hãy cắt, thái hành bằng con dao thật sắc làm bằng thép không gỉ, được nhúng qua nước. Nó sẽ hạn chế đáng kể tình trạng cay mắt.

Còn đầu bếp nổi tiếng Julie Andrews, tác giả nhiều cuốn sách về thực dưỡng, cho biết: “Một con dao sắc sẽ ít gây tổn thương cho thịt hành hơn, làm giảm lượng khí thoát ra”.

Brian Chau nói: "Một con dao cùn sẽ chỉ khiến việc thái lát và thái hạt lựu trở nên khó khăn hơn và làm tăng thời gian bạn tiếp xúc với khí dễ bay hơi. Việc đầu tư vào một chiếc máy mài dao hoặc mua dao mới có thể không hoàn toàn ngăn được tình trạng khóc khi thái hành nhưng sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn".

Làm lạnh hành trước khi thái

Để có thể áp dụng mẹo thái hành không bị chảy nước mắt này, bạn cần có kế hoạch đủ sớm để kịp cho hành tây vào tủ lạnh trước khi bắt đầu làm bếp.

Andrews nói: “Đây có lẽ là phương pháp tốt nhất" và Brian Chau đồng ý: “Các phản ứng hóa học sẽ chậm lại dưới nhiệt độ thấp”. Hãy đặt hành tây vào tủ lạnh trong 30 đến 45 phút và lấy ra khi bạn đã sẵn sàng cắt hành. Cố gắng làm việc này thật nhanh chóng vì khi hành tây ấm lên, bạn có thể bắt đầu thấy mắt mình cay.

Việc bảo quản hành trong tủ lạnh sẽ khiến nó nhanh hỏng, vì vậy bạn chỉ nên để hành vào đó khi sắp sử dụng.

Đeo kính

Nếu bạn luôn gặp khó khăn trong việc thái hành, hãy đeo kính để tạo sự ngăn cách giữa mắt và chất khí bay lên.

"Kính bảo hộ thái hành chuyên dụng hoặc kính bơi, kính bảo hộ đều có thể sử dụng", Brian Chau nói.

Cắt hành dưới nước

Cắt hành tây dưới nước hoặc dưới vòi nước cũng là mẹo thái hành không bị chảy nước mắt đem lại hiệu quả cao. Nước sẽ hòa tan các hợp chất lưu huỳnh trước khi chúng có thể tới được mắt bạn.

Để lại gốc hành

Chất gây chảy nước mắt tập trung nhiều nhất ở phần gốc và rễ của hành tây. Do đó khi thái, hãy thái phần thân và đầu củ trước, sau đó mới cắt phần gốc để hạn chế tình trạng kích ứng mắt.

Bật quạt

Khí gây cay mắt bay lên theo chiều thẳng đứng khi bạn thái hành, làm cay mắt. Nên bật quạt thổi cùng hướng với hướng nhìn của bạn để gió thổi đi các luồng khí và giọt nước hành bắn ra.

Dùng giấm

Hòa chút giấm với nước, làm ướt bề mặt thớt bằng dung dịch này trước khi thái hành tây. Giấm có khả năng làm dừng phản ứng của lưu huỳnh, giúp việc thái hành trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hãy chú ý về liều lượng giấm bởi nếu cho nhiều quá, nó sẽ khiến hành tây bị biến vị.

Dùng nến

Thắp một ngọn nến gần thớt, lượng nhiệt tỏa ra từ nến có thể đốt cháy bớt chất khí tỏa ra từ hành tây.

Ngậm bánh mỳ

Theo nguyên tắc, khi bạn làm điều gì đó khiến mình buộc phải thở bằng miệng, phần mũi và mắt sẽ ít bị kích thích hơn, vì vậy sẽ ít chảy nước mắt hơn. Đó là lý do bạn nên ngậm một lát bánh mỳ (hoặc bất kỳ thực phẩm nào khác) hay nhai kẹo cao su… khi thái hành.

Ngoài các mẹo thái hành không bị chảy nước mắt nêu trên, Brian Châu khuyên rằng nếu có đủ điều kiện, bạn nên đầu tư những đồ dùng nhà bếp chuyên dụng: “Hãy mua một chiếc máy xay thực phẩm tốt có gắn xúc xắc hoặc lát cắt. Bạn giảm nguy cơ phải khóc vì củ hành, bởi thời gian tiếp xúc sẽ thấp hơn và hành tây được đặt trong môi trường kín".

Một lựa chọn thay thế có chi phí thấp hơn là máy thái rau củ. Bạn có thể sử dụng nó với hầu hết loại rau và tiết kiệm rất nhiều thời gian chuẩn bị.

Thả một viên đá lạnh vào nồi canh có tác dụng gì?

Thông thường mọi người sử dụng đá trong đồ uống giải khát hoặc dùng để làm đẹp. Thực tế, đá lạnh còn có nhiều công dụng hỗ trợ cho việc nấu nướng mà có thể nhiều người chưa biết.

Có khá nhiều mẹo hay từ đá, chẳng hạn như việc thả một viên đá lạnh vào nồi canh sẽ có thể cứu nguy cho bạn.

Thả 1 viên đá lạnh vào nồi canh có tác dụng gì? (Ảnh: Javatpoint)

Thả viên đá lạnh vào nồi canh có tác dụng gì?

Nếu bạn từng gặp phải tình trạng lỡ tay cho quá nhiều dầu ăn khi nấu, hoặc nồi canh, súp, nước lèo bún, phở... lênh láng váng mỡ, hãy sử dụng đá lạnh để xử lý.

Bạn chỉ cần đợi nước canh nguội, dầu mỡ nổi lên thì thả vào nồi vài viên đá lạnh nhỏ, khuấy đều để chất béo bị hút vào đá. Mỡ sẽ nhanh chóng bám hết vào đá, lúc này bạn dùng thìa vớt đá ra là đã gạn được mỡ thừa nhanh chóng, giúp nồi canh của bạn trong hơn rất nhiều.

Còn với nồi canh đang nóng, bạn có thể áp dụng cách sau với đá viên để loại bỏ váng mỡ:

- Giảm nhỏ lửa để cho nồi canh sôi liu riu. Dùng muôi canh múc một muỗng đá lạnh, càng nhiều đá càng tốt.

- Dùng muôi đựng đá lướt nhẹ trên bề mặt nồi canh. Dầu mỡ vốn nhẹ hơn nước nên sẽ nổi lên trên bề mặt. Đá lạnh sẽ khiến mỡ nhanh chóng đông lại thành lớp màng mỏng, bám vào muôi, dễ dàng lấy ra khỏi nồi.

- Sau khi váng mỡ bám hết vào muôi, nước canh trong lại, bạn bỏ đá đi, đem muôi đi rửa là được. Nếu nồi canh vẫn còn sót váng mỡ, bạn có thể dùng muỗng hoặc muôi khác múc đá và lặp lại các bước tương tự. Thành phẩm bạn sẽ có tô canh nước trong vắt, vị thanh ngọt, không ngấy.

Công dụng của đá lạnh trong nấu ăn

Không chỉ giúp món canh bớt dầu mỡ, đá lạnh còn có nhiều công dụng khác trong nấu nướng như:

Giữ độ giòn của rau củ

Để rau luộc giữ được màu xanh mướt thì sau khi vớt ra khỏi nồi, bạn cho ngay rau vào tô nước đá, đợi nguội hẳn. Cách này còn giúp rau giòn hơn.

Bên cạnh đó, đá lạnh còn giúp khổ qua (mướp đắng) tươi giòn, giảm đắng, thích hợp ăn kèm chà bông chấm mắm nêm nhậu cùng bia lạnh. Bạn rửa sạch khổ qua, thái lát, ngâm trong nước đá khoảng 15 phút, hoặc đặt lên bát nước đá có bọc màng bọc thực phẩm.

Với món thịt luộc, lòng lợn luộc, bạn cũng có thể ngâm nước đá cho nhanh nguội, săn lại, dễ thái, với lòng hay chân gà luộc thì món ăn sẽ giòn hơn.

Khử mùi hăng của hành tây

Hành tây sơ chế không đúng cách sẽ dễ bị hăng, đôi khi ảnh hưởng đến mùi vị của các thành phần khác trong món ăn. Do đó sau khi thái hành, hãy ngâm trong nước đá khoảng 30 phút rồi vớt ra để ráo. Lúc này mùi hành sẽ giảm đáng kể, dễ chịu hơn.

Hâm nóng cơm

Khi hâm lại cơm nguội, bạn xới đều cơm lên rồi thêm một vài viên đá vào, đậy vung, bật nút nấu bình thường cho đến khi cơm nhảy sang nút giữ ấm là được.

Nước đá sẽ nhanh chóng tan chảy và thấm đều vào hạt cơm, giúp chúng trở nên mềm dẻo mà không bị khô cứng. Hơi nước bay ra từ nước đá cũng sẽ giúp hạt cơm căng nhưng không quá nhão và hạn chế tình trạng khét dưới đáy nồi.

Vệ sinh chai lọ

Đối với những loại chai lọ có miệng nhỏ, khó dùng tay trực tiếp cọ rửa thì bạn hãy cho vài viên đá cùng với chút muối, nước cốt chanh vào chai. Lắc đều đến khi thấy bên trong sạch, súc lại lần nữa bằng nước sôi (hoặc nước nóng). Nước cốt chanh khử mùi hôi rất tốt.

Mẹo bảo quản gạo không bị mọt

-Để thùng gạo ở nơi khô thoáng

Môi trường ẩm thấp là điều kiện lý tưởng để sâu mọt sinh sôi nhanh chóng. Do đó, cách bảo quản gạo không bị mọt tốt nhất là ngay từ khi mới mua về, bạn cần để gạo ở những nơi khô thoáng, không đặt trực tiếp xuống nền đất, đặc biệt là không để gạo tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Khi không có điều kiện tốt để phát triển, sâu mọt sẽ không thể xâm nhập vào thùng gạo của bạn.

-Chọn đúng vật đựng

Sau khi sàng sảy sạch sẽ, bạn có thể đổ gạo vào thùng đựng đã được diệt khuẩn. Có rất nhiều loại thùng gạo được thiết kết nhỏ gọn, có thể đựng từ 10kg đến 40kg, rất tiện khi lấy gạo ra sử dụng.

Ngoài ra, do gạo có đặc tính khô, không chịu được nước nên để bảo quản gạo không bị mọt và mốc, mất chất dinh dưỡng, bạn nên đựng trong lọ bằng thủy tinh có nắp kín hoặc nắp bằng kim loại. Có thể dùng những loại hộp dự trữ thực phẩm chuyên dụng được thiết kế đặc biệt với chiếc vòng cao su xung quanh nắp nhằm đảm bảo độ kín hơi.

-Bảo quản gạo trong chai nhựa

Đây là cách bảo quản không chỉ tránh được mối mọt mà bụi bẩn lẫn các loại côn trùng khác đều không thể tấn công gạo, vừa vệ sinh vừa an toàn cho sức khỏe.

Cách làm rất đơn giản. Bạn chỉ việc dùng chai nhựa khô hoàn toàn để cho gạo vào. Vì nếu có nước đọng bên trong thì gạo sẽ bị ẩm mốc. Như vậy vi khuẩn sẽ càng sinh sôi và càng gây hại hơn. Sau khi đổ gạo đầy chai, bạn đậy thật chặt và mang đặt ở nơi khô ráo.

-Bảo quản gạo trong tủ lạnh

Ảnh minh họa

Nhiệt độ trong tủ lạnh được xem là điều kiện lý tưởng cho việc bảo quản gạo vì có thể tiêu diệt và ngăn ngừa mọt gạo hiệu quả.

Khi bạn cho gạo vào trong dụng cụ kín để bảo quản trong tủ lạnh, chất lượng gạo sẽ không bị biến đổi và gạo khó nhiễm các mùi khác.

-Bảo quản gạo bằng ớt

Ớt không chỉ được dùng để tăng thêm vị ngon cho các món ăn mà còn có tác dụng đuổi mối mọt trong gạo. Mùi cay nồng của ớt sẽ khiến mọt khó chịu mà bỏ đi. Bạn chỉ cần cắt đôi quả ớt, moi bỏ hạt rồi cho vào thùng gạo.

-Dùng rượu trắng trên 41 độ

Nhiều gia đình sử dụng thùng chuyên dụng đựng gạo. Nó tương đối kín nên không bị côn trùng bò vào. Tuy nhiên, nếu muốn gạo không bị sâu mọt xuất hiện, bạn có thể mua một chai rượu trắng có nồng độ cao (trên 41 độ), mở nắp rồi vùi chai vào thùng gạo, cho miệng chai lộ ra cao hơn mặt gạo rồi đậy nắp thùng lại, để nơi thoáng mát.

Rượu rất dễ bay hơi, cũng có tác dụng khử trùng, diệt côn trùng, giúp gạo không bị nấm mốc, mọt gạo không xuất hiện.

-Dùng hạt tiêu

Hạt tiêu là thuốc diệt nấm tự nhiên có mùi hắc, mọt gạo rất "ghét" mùi này. Bạn cần chuẩn bị một túi vải mỏng (hoặc khẩu trang 2 lớp cắt một đầu), cho hạt tiêu vào, cột lại và vùi vào 4 góc thùng gạo, để nơi thoáng mát và thông gió. Gạo sẽ không bị sâu mọt tấn công.

-Dùng tỏi

Ảnh minh họa

Trong tỏi có chất allicin, một loại “penicillin tự nhiên” có thể tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa nấm mốc phát triển. Tỏi có vị cay, mùi hắc và có tác dụng đuổi côn trùng rõ rệt.

Bạn hãy lấy một ít tỏi cho vào thùng gạo sau đó để nơi thoáng mát. Đây là mẹo bảo quản gạo không bị mọt hiệu quả.

-Lá trà

Phương pháp bảo quản bằng lá trà là một phương pháp đặc biệt truyền thống, vì trà có chứa một lượng lớn phenol, không chỉ có tác dụng ức chế sâu bọ sinh sôi trong gạo mà còn giúp gạo không bị hôi.
Thông thường, 10 kg gạo có thể được bảo quản cùng với 10 gam lá trà xanh, cho vào túi gạc.

-Vỏ quýt khô

Sau khi ăn quýt hãy giữ lại vỏ, đem phơi khô từ 3-5 ngày để dùng làm nguyên liệu bảo quản gạo. Cứ 20 kg gạo cho 2-3 miếng vỏ quýt khô vào. Việc này không những có tác dụng đuổi sâu bọ trong nhà một cách hiệu quả mà còn ngăn không cho gạo bị mối mọt.

NS(th)

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/bat-mi-nhieu-meo-nha-bep-hieu-qua-bat-ngo-196231218105624179.htm