Bật mí quá trình 'hô biến' máy bay chở khách thành chở hàng hóa
Truyền thông quốc tế đưa tin Việt Nam đã vận chuyển 1,5 triệu khẩu trang sang Đức (tương đương khoảng 40 tấn) bằng máy bay Airbus A350-900 vốn dành chở khách. Vậy hành trình Vietnam Airlines biến hóa máy bay chở khách thành chở hàng hóa đã được thực hiện thế nào?
Cách đây đúng 1 tháng, ngày 23-4, truyền thông quốc tế đưa tin việc Việt Nam đã vận chuyển 1,5 triệu khẩu trang sang Đức bằng máy bay Airbus A350-900 của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Số khẩu trang được đóng gói trong các container và 2.000 thùng, khối lượng khoảng 40 tấn.
Đích thân Bộ trưởng Bộ Nội vụ bang Mecklenburg-Vorpommerns, ông Lorenz Caffier, tới sân bay Rostock-Laage để nhận số khẩu trang nói trên. Ông Caffier nói rằng Bộ Nội vụ đã sử dụng tiền thuế một cách có trách nhiệm khi đặt mua 1,5 triệu khẩu trang chất lượng từ Việt Nam.
Những chiếc máy bay chở khách đã được thay đổi như thế nào để có thể chở đến 40 tấn hàng hóa, góp phần đưa hàng hóa chất lượng của Việt Nam đến với thế giới?
Dịch Covid-19 đã khiến việc vận tải hành khách bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều hãng hàng không đã "xoay xở" chở hàng bằng máy bay chở khách để bù đắp một phần chi phí, tránh máy bay bị "nằm sân" quá lâu. Sau những ngày đầu tiên đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa trên ghế với các loại máy bay A321, A350, B787, Vietnam Airlines đã đã lần đầu tiên "tháo ghế" khoang hành khách để chở hàng hóa từ giữa tháng 4 vừa qua.
Cơ sở để xây dựng phương án tháo ghế là "Bộ yêu cầu về kỹ thuật và khai thác cho phương án vận chuyển hàng hóa trên khoang khách tháo ghế" do Cục Hàng không Việt Nam (VN) xây dựng, thống nhất tiêu chí với các hãng hàng không trong nước.
Việc tháo ghế khách để chở hàng được các nhà chức trách hàng không quốc tế như Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA), nhà sản xuất máy bay Airbus đánh giá là thay đổi lớn. Các Tổ chức hàng không như ICAO, IATA cũng chưa đưa ra các hướng dẫn cụ thể liên quan. Dựa trên bộ tiêu chí của Cục Hàng không VN, Vietnam Airlines đã nghiên cứu, đánh giá trên mọi phương diện cả về mặt kỹ thuật, cấu hình máy bay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, cũng như các phương thức phục vụ để phát triển một phương án tháo ghế cụ thể riêng, đảm bảo an toàn, khả thi và đáp ứng các quy định tiêu chuẩn.
Các máy bay Airbus A321 là những lựa chọn tối ưu đầu tiên cho phương án tháo ghế. Đối diện với rất nhiều khó khăn, các đơn vị kỹ thuật, an toàn bay của Vietnam Airlines đã khẩn trương xây dựng phương án chất xếp, chằng giữ hàng hóa trên khoang khách và tính toán chứng minh đảm bảo khai thác an toàn. Song song với đó, các đơn vị điều hành cũng nhanh chóng cập nhật các thủ tục, tài liệu khai thác đồng bộ với các phương án nói trên. Hãng cũng liên tục sửa đổi, hoàn thiện phương án theo đánh giá, rà soát và khuyến cáo của Cục Hàng không VN.
Sau nhiều lần kiểm tra, kiểm chứng các chuyến bay chở hàng trên khoang khách đã tháo ghế của Vietnam Airlines, Cục Hàng không VN đánh giá rất cao công tác khai thác, chất xếp, chằng néo hàng hóa của Vietnam Airlines. Ngày 14-4, Cục Hàng không VN chính thức chấp thuận cho Vietnam Airlines khai thác, vận chuyển hàng hóa trên khoang khách tháo ghế. Các phương án tính toán kỹ thuật, chất xếp, chằng néo hàng hóa trên khoang khách của hãng đã được Cục Hàng không VN sử dụng để tiếp tục bổ sung vào "Bộ hướng dẫn các yêu cầu về kỹ thuật và khai thác vận chuyển hàng hóa trên khoang khách tháo ghế".
Vietnam Airlines hiện là hãng đi đầu trong việc cải biến khoang hành khách để tăng cường vận tải hàng hóa. Hiện Vietnam Airlines đã thực hiện tháo ghế khoang khách để tăng chở hàng với 2 máy bay A321. Trước đó, Hãng đã tổ chức vận chuyển hàng hóa trên ghế hành khách cho các tàu bay Airbus A321, Airbus A350, Boeing 787 sau khi được Cục Hàng không VN phê chuẩn phương án.
Bình thường, một chuyến bay vừa chở khách, vừa chở hàng trong bụng máy bay có thể chở trung bình khoảng 2 tấn hàng với máy bay A321, 15 tấn với máy bay A350/787. Nếu chuyến bay không chở khách, kết hợp chở hàng trong bụng và trên ghế hành khách máy bay, con số tăng lên lần lượt là 8-9 tấn và 35-40 tấn hàng. Đối với máy bay A321 sau khi tháo ghế khoang khách để tăng chở hàng, máy bay chở tối đa được 14 tấn hàng. Như vậy, những thay đổi cải biến khoang khách giúp nâng gấp 2 đến gần 7 lần tải trọng hàng hóa của máy bay so với việc chỉ chở hàng trong bụng máy bay, qua đó tối ưu hóa chi phí và doanh thu của từng chuyến bay chở hàng.
Trong tháng 3, tổng doanh thu vận tải hàng hóa của Vietnam Airlines đạt hơn 15,5 triệu USD (tương đương gần 360 tỉ VNĐ). Trong tháng 4, tổng doanh thu vận tải hàng hóa tăng lên, đạt hơn 19,5 triệu USD (tương đương 451 tỉ VNĐ). Ước tính tháng 5, hãng khai thác tăng chuyến thêm 360 chuyến chở hàng quốc tế và nội địa, tổng doanh thu ước đạt xấp xỉ 43,5 triệu USD (tương đương 1.000 tỉ VNĐ).