Bắt nạt nơi công sở không chỉ còn là bạo lực
Đa số vụ bắt nạt tại chỗ làm ngày nay là những hành vi liên quan đến đạo đức và đánh vào tâm lý nhiều hơn là tỏ ra thù ghét hay bạo lực công khai.
Nghiên cứu của Christine Porath, phó giáo sư Trường Kinh doanh McDonough, Đại học Georgetown (Mỹ), chỉ ra rằng việc đối xử thiếu công bằng ở chỗ làm đã tăng lên trong khoảng 20 năm qua dưới nhiều hình thức ngụy trang.
Đa số vụ bắt nạt ngày nay đánh vào tâm lý nhiều hơn là tỏ ra thù ghét hay bạo lực công khai.
Thế nhưng kiểu bắt nạt này lại đặc biệt nguy hiểm bởi khó nhận diện và lên án. Không thể quy cho một người là phân biệt đối xử chỉ vì cách nói năng thiếu lịch sự, chen lời hoặc nói quá nhiều, theo Conversation.
Định nghĩa ‘mansplaining’
Kể từ khi bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội, hashtag “mansplaining” đã được sử dụng phổ biến như một hiện tượng. Bằng chứng là chỉ 6 tháng tính từ 11/2016 tới 4/2017, từ này đã được nhắc đến hơn 10 nghìn lần trên Twitter.
“Mansplaining” ám chỉ việc một người đàn ông cố gắng để tỏ ra hiểu biết và nói những điều không được hỏi với phụ nữ. Nó thường dùng để diễn tả sắc thái trịch thượng, tự cao của người nói thường đi cùng với hành động ngắt lời và gây khó chịu cho người nghe.
Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng trong bài luận có tên “Men Explain Things to Me” (tạm dịch: Đàn ông cứ giải thích mọi thứ với tôi) của Rebecca Solnit.
Solnit đã kể về việc một người đàn ông cố gắng để giải thích về tiền đề và tầm quan trọng trong tác phẩm mà cô là người viết. Bất chấp việc Solnit là tác giả, anh này vẫn khăng khăng giảng giải đạo lý về cuốn sách với cô.
Một nhà vật lý thiên văn cũng đã từng sử dụng từ này để nói về việc bị cho là cần học thêm về khoa học. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với một phi hành gia NASA. Cô đã bị “dạy đời” ngay trên bài đăng chia sẻ về thí nghiệm của mình ở nơi làm việc.
Từ mansplaining cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn đó là hành vi đưa ra lời giải thích khi không được yêu cầu với thái độ tự cao và tự cho rằng đối phương thiếu kiến thức hơn mình.
Không phải trào lưu nhất thời
Nhóm nghiên cứu của các chuyên gia về quản lý và chiến lược Đại học Carleton (Mỹ) đã phát hiện ra rằng mansplaining không chỉ là một hiện tượng mạng mà còn đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.
Hầu hết người tham gia cuộc nghiên cứu cho biết họ đã trải qua ít nhất một lần bị xem thường. Trong đó, nữ giới phải trải qua tình trạng này một cách thường xuyên và nặng nề hơn.
Từ kết quả này có thể thấy hành động mansplaining cũng chính là biểu hiện của phân biệt giới tính. Những người phải trải qua cảm giác bị dạy dỗ một cách áp đặt có thể bị tổn thương về tâm lý. Ở môi trường làm việc, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự bất mãn cũng như khiến họ muốn nghỉ việc.
Các công ty không nên chỉ coi mansplaining như từ lóng mua vui trên mạng xã hội hay một trào lưu nhất thời. Thay vào đó, đây nên nhìn nhận như một vấn đề về đạo đức, phép lịch sự tối thiểu tại chỗ làm và có sự can thiệp đúng mức để giảm thiểu tình trạng này.
Một hệ thống bệnh viện ở Canada áp dụng biện pháp can thiệp văn minh và tôn trọng lẫn nhau ở nơi làm nhằm cải thiện hành vi ứng xử của nhân viên. Nhờ đó, môi trường làm việc trở nên lịch sự hơn, tình trạng nhân viên gặp vấn đề về tâm lý hay vắng mặt cũng giảm dần.
Xây dựng môi trường làm việc lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế những tác động tiêu cực của mansplaining cũng như những hành vi phân biệt đối xử khác. Và điều này có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cũng như thái độ làm việc của nhân viên.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bat-nat-noi-cong-so-khong-chi-con-la-bao-luc-post1389118.html