Bắt nạt trên mạng là gì và hệ lụy của nó nguy hiểm thế nào?
Để chấm dứt bắt nạt trực tuyến, điều quan trọng là phải xác định rằng mình có phải là nạn nhân hay không và báo cáo nó với cơ quan có thẩm quyền.
Các chuyên gia của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), các chuyên gia quốc tế về bắt nạt trên mạng và bảo vệ trẻ em đã hợp tác với Facebook, Instagram, TikTok và Twitter để trả lời một số câu hỏi phổ biến nhất về bắt nạt trên mạng và đưa ra lời khuyên về cách đối phó.
Bắt nạt trên mạng là gì?
Bắt nạt trên mạng là bắt nạt bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật số. Nó có thể diễn ra trên mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, nền tảng trò chơi và điện thoại di động. Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích hù dọa, chọc giận hoặc làm nhục người khác.
Bắt nạt qua mạng thường được thể hiện qua những hành vi sau đây:
- Lan truyền những lời dối trá hoặc đăng những bức ảnh đáng xấu hổ của ai đó trên phương tiện truyền thông xã hội
- Gửi tin nhắn gây tổn thương hoặc đe dọa ai đó qua các nền tảng nhắn tin
- Mạo danh ai đó để gửi tin nhắn ác ý cho người khác
Bắt nạt trực tiếp và bắt nạt qua mạng thường có thể xảy ra song song với nhau. Nhưng bắt nạt trên mạng để lại dấu vết kỹ thuật số – một bản ghi có thể hữu ích và cung cấp bằng chứng giúp ngăn chặn hành vi lạm dụng.
Tác hại của hành vi bắt nạt qua mạng
Khi bị bắt nạt trên mạng, bạn có thể cảm thấy như thể mình đang bị tấn công ở khắp mọi nơi, ngay cả trong chính ngôi nhà của mình. Dường như không có lối thoát. Các hiệu ứng có thể ám ảnh trong một thời gian dài và ảnh hưởng đến một người theo nhiều cách:
Về mặt tinh thần, bạn cảm thấy khó chịu, xấu hổ, ngu ngốc, thậm chí tức giận
Về mặt cảm xúc, bạn cảm thấy xấu hổ hoặc mất hứng thú với những thứ bạn yêu thích
Về thể chất, bạn sẽ mệt mỏi (mất ngủ), hoặc có các triệu chứng như đau bụng và đau đầu
Trong những trường hợp cực đoan, bắt nạt trên mạng thậm chí có thể dẫn đến việc nạn nhân tự kết liễu đời mình.
Theo UNICEF, các nạn nhân bị bắt nạt trên mạng có thể cảm thấy xấu hổ, căng thẳng, lo lắng và bất an về những gì mọi người nói hoặc nghĩ về bản thân. Điều này có thể dẫn đến việc họ sống khép kín hơn, xa lánh bạn bè và gia đình, suy nghĩ tiêu cực và tự dày vò bản thân, cảm thấy tội lỗi về những điều họ đã làm hoặc không làm, hoặc cảm thấy rằng bản thân đang bị đánh giá tiêu cực. Cảm giác cô đơn, choáng ngợp, nhức đầu thường xuyên, buồn nôn hoặc đau bụng cũng rất phổ biến.
Bạn có thể mất động lực để làm những việc mà bạn thường thích làm và cảm thấy bị cô lập khỏi những người bạn yêu thương và tin tưởng. Những suy nghĩ tiêu cực kéo dài có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của bạn.
Bỏ học là một tác động phổ biến khác của bắt nạt trên mạng. Nhiều nạn nhân trẻ tuổi thường tìm đến các chất như rượu và ma túy hoặc hành vi bạo lực để đối phó với nỗi đau tâm lý và thể chất của họ.
Làm gì để chấm dứt nạn bắt nạt trực tuyến?
Bắt nạt trực tuyến có thể ảnh hưởng đến các nạn nhân theo nhiều cách. Tuy nhiên những điều này có thể được khắc phục và mọi người có thể lấy lại sự tự tin và sức khỏe của họ.
Nếu bạn nghĩ mình đang bị bắt nạt, bước đầu tiên là tìm kiếm sự giúp đỡ từ người mà bạn tin tưởng chẳng hạn như cha mẹ, thành viên thân thiết trong gia đình hoặc người lớn đáng tin cậy khác, theo UNICEF.
Ở trường, bạn có thể liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, huấn luyện viên thể thao hoặc thầy cô yêu thích của mình – trực tuyến hoặc gặp trực tiếp.
Và nếu bạn không thấy thoải mái khi nói chuyện với người quen, hãy tìm đường dây trợ giúp ở quốc gia của bạn để nói chuyện với một cố vấn chuyên nghiệp.
Nếu hành vi bắt nạt đang diễn ra trên nền tảng xã hội, hãy cân nhắc chặn kẻ bắt nạt và báo cáo chính thức hành vi của họ trên chính nền tảng đó. Các công ty truyền thông xã hội có nghĩa vụ giữ an toàn cho người dùng của họ. Hãy thu thập bằng chứng như tin nhắn văn bản và ảnh chụp màn hình của các bài đăng trên mạng xã hội để cho họ biết điều gì đang diễn ra.
Để chấm dứt bắt nạt trực tuyến, điều quan trọng là phải xác định rằng mình có phải là nạn nhân hay không và báo cáo nó với cơ quan có thẩm quyền. Điều này có thể giúp cho kẻ bắt nạt thấy rằng hành vi của họ là không thể chấp nhận được.
Nếu đang gặp nguy hiểm cận kề thì bạn nên liên hệ với cảnh sát hoặc các dịch vụ khẩn cấp ở quốc gia của bạn.
Theo UNICEF, để phòng ngừa bị bắt nạt trên mạng, bạn hãy suy nghĩ kỹ trước khi đăng hoặc chia sẻ bất cứ điều gì trực tuyến bởi nó có thể tồn tại mãi mãi trên mạng và có thể được sử dụng để gây hại cho bạn sau này. Không cung cấp thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại hoặc tên trường hay nơi làm việc của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu về cài đặt quyền riêng tư trên các ứng dụng truyền thông xã hội yêu thích của mình.