Bất ngờ bị TT Trump dồn thế khó, Phó TT Mike Pence 'còn cửa' đảo ngoặt khí thế Thổ tại Syria?
Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố không muốn mạo hiểm bảo vệ các tay súng người Kurd, một phái đoàn cấp cao Mỹ đang phải đối mặt với nhiệm vụ vô cùng khó khăn tại Ankara.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dẫn đầu một phái đoàn cấp cao Mỹ bao gồm cả Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ vào chiều ngày 17/10.
Trước đó, hôm thứ tư (16/10), Tổng thống Donald Trump tuyên bố, một nhóm người Kurds là nguy cơ khủng bố lớn hơn so với nhóm IS. Ông cũng hài lòng với những nỗ lực của Nga và chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm "lấp đầy" chỗ trống mà Mỹ để lại sau khi ông ra lệnh rút gần hết binh lính Mỹ khỏi Syria trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành một cuộc tấn công vào người Kurds.
"Syria có thể nhận giúp đỡ từ Nga và điều đó tốt thôi", ông Trump nói. "Hãy để họ chiến đấu cuộc chiến của riêng mình".
Hãng tin AP nhận định, chính sách sách ngoại giao "hai mặt" cho thấy sự khó khăn trong việc hàn gắn. Nó diễn ra vào đúng khoảnh khắc đen tối nhất trong mối quan hệ giữa Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là thời điểm thách thức cho ông Trump và những người ủng hộ ông trong Đảng Cộng hòa. Nhiều ý kiến chỉ trích Tổng thống Mỹ đã không thể ngăn cản cuộc tấn công của Ankara cũng như thái độ quay ngược của ông Trump về đồng minh cũ – dẫn đến bùng nổ tranh cãi giữa hai đảng và kêu gọi trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.
Các hạ nghị sỹ Cộng hòa và Dân chủ Mỹ mặc dù chia rẽ về cuộc điều tra luận tội ông Trump nhưng lại thống nhất bỏ phiếu phản đối quyết định rút quân khỏi Syria. Họ lo ngại rằng, việc rút quân sẽ khiến IS có cơ hội hồi sinh, gia tăng ảnh hưởng cho Nga và khiến nhiều người Kurds phải thiệt mạng.
Theo Nhà Trắng, trong một lá thư tuần trước, ông Trump đã "vừa đấm vừa xoa" Tổng thống Tayyip Erdogan, yêu cầu người đồng cấp Thổ hành động "theo cách đúng đắn và nhân đạo" tại Syria. Lá thư được gửi đi cùng ngày ông Erdogan phát động chiến dịch tấn công vào người Kurds.
Hôm thứ hai (14/10), Washington cũng đã áp dụng trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trong khi Ankara đe dọa tiếp tục có những động thái thậm chí còn cứng rắn hơn, dường như người đứng đầu nước Mỹ lại thu hẹp lập trường đàm phán của mình. Ông tuyên bố, Mỹ không có liên hệ gì với khu vực và không muốn lo lắng cho các tay súng người Kurds.
"Nếu Thổ tiến vào Syria, đó là việc giữa Thổ và Syria, nó không phải là việc giữa Thổ và Mỹ", ông Trump phát biểu trong cuộc họp báo với Tổng thống Italy Sergio Mattarella tại Washington.
Để có thể thuyết phục Ankara đồng ý ngừng bắn, Phó Tổng thống Pence sẽ phải đối mặt với các nghi ngờ về độ tin cậy của Mỹ và chính ông – một đặc phái viên của một vị Tổng thống hay thay đổi.
"Nhìn vào quá trình đưa ra quyết định và phong cách thất thường của Tổng thống Trump, rất khó để tưởng tượng bất kỳ nước nào thực sự tin rằng ông Pence và Pompeo đại diện cho những gì ông Trump đang suy nghĩa ở hiện tại hoặc tương lai sẽ ra sao", Jeffrey Prescott, một giám đốc cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Obama, nhận định.
Còn thượng nghị sỹ Lindsey Graham – một trong những đồng minh quan trọng nhất của Tổng thống Trump tại Quốc hội cho rằng, rút quân khỏi Syria là một trong những quyết định tồi tệ nhất của chính quyền.
"Những ai nghĩ Trung Đông không liên quan tới nước Mỹ, hãy nhớ tới ngày 11/9 – chúng ta từng có thái độ như vậy vào ngày 10/9/2001", ông Graham nói.
Ngay cả khi Phó Tổng thống Pence có thể khiến Ankara ngừng bắn, nhiều chuyên gia cảnh báo, điều đó cũng sẽ không xóa bỏ được dấu hiệu mà các hành động của ông Trump đã thể hiện – gửi tới các đồng minh của Mỹ trên toàn cầu.
"Ngăn chặn một hành động vẫn chưa xảy ra hầu hết đều dễ hơn cố gắng ép buộc ai đó đảo ngược một hành động mà họ đã đổ xương máu, tiền của và danh dự để thực hiện", ông John Hannah, từng là cố vấn an ninh quốc gia cho cực Phó Tổng thống Dick Cheney, chỉ ra.
Trước dư luận, Tổng thống Trump tuyên bố mình đang thực hiện lời hứa đưa binh lính Mỹ về nhà từ "các cuộc chiến vô tận" tại Trung Đông. Điều này làm dấy lên những nghi ngại rằng, việc Mỹ đột nhiên rút quân khỏi Syria là hành động phản bối lực lượng người Kurds – vốn luôn sát cánh với Mỹ trong chiến dịch chống IS; khiến uy tín của Mỹ trên thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng; đồng thời mở ra lối vào một khu vực quan trọng dành cho Nga.
Sau khi Hạ viện bỏ phiếu lên án quyết định rút quân khỏi Syria, trong một cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tiết lộ, ông Trump đã rất choáng váng khi biết thông tin này. Còn nhà lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schummer chỉ trích Tổng thống vì không đưa ra được một kế hoạch đầy đủ để đối phó với những tay súng IS đang bị người Kurds giam giữ.
Đáp trả, phát ngôn viên Nhà Trắng Stephanie Grisham gọi hành động của bà Pelosi là "khó hiểu nhưng không bất ngờ". "Bà Pelosi không có ý định lắng nghe hoặc đóng góp trong một cuộc gặp quan trọng như vậy về các vấn đề an ninh", người phát ngôn nói.