Bất ngờ danh sách các quốc gia 'thoáng' với súng đạn hơn cả Mỹ
Mỹ là nơi có tỷ lệ sở hữu súng trên đầu người cao nhất thế giới, tuy nhiên quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng dân chúng đứng thứ hai thế giới lại là cái tên khiến ai nghe thấy cũng phải giật mình.
Nhiều người đã tỏ ra cực kỳ ngạc nhiên khi biết rằng, Thụy Sĩ - Xứ sở Đồng hồ, một nơi được coi là yên bình và an toàn nhất trên thế giới thực chất lại là quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng đứng vào hàng cao thế hai trên thế giới.
Cụ thể, trung bình cứ 100 người dân Thụy Sĩ lại có khoảng 45,7 người sở hữu súng. Kèm theo đó là 72,2% số vụ giết người tại quốc gia này là có nguyên nhân chủ yếu là do súng gây ra. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 0,77 vụ giết người trên tổng số 100.000 dân.
Truyền thống sở hữu súng của người Thụy Sĩ bắt nguồn từ lực lượng Dân quân Swiss trong quá khứ khi lực lượng này bao gồm gần như toàn bộ thanh niên trai tráng Thụy Sĩ được phép mang vũ khí về nhà bảo quản và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc bất cứ khi nào cần.
Nhất là trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, do có biên giới cạnh Đức, toàn bộ người dân Thụy Sĩ bao gồm cả đàn bà và người cao tuổi đều được học cách bắn súng để sẵn sàng chiến đấu chống quân Đức.
Phần Lan
Nếu như Thụy Sĩ là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về tỉ lệ sở hữu súng thì Phần Lan cũng không kém cạnh thậm chí là ngang ngửa. Cụ thể, quốc gia Bắc Âu có biên giới giáp Nga này có tỷ lệ sở hữu súng là 45,3 cho mỗi 100 dân. Tuy nhiên, tỷ lệ án mạng do sử dụng súng ở quốc gia này lại thấp một cách ngạc nhiên khi chỉ có 19,8% vụ án mạng có nguyên nhân do súng.
Phần Lan hiện đang có một vài luật bắt buộc để giảm tỷ lệ sở hữu súng trong dân, trong đó có việc kiểm tra tâm lý bắt buộc với mọi người trên 20 tuổi muốn sở hữu súng. Luật sở hữu súng ở Phần Lan cũng cực kỳ hà khắc khi bắt người sở hữu súng phải bảo quản súng trong vali có khóa khi không sử dụng.
Serbia
Sau cuộc chiến tranh dài dăng dẳng với Nam Tư cũ, Serbia đã có tỷ lệ sở hữu súng trong dân chúng cao tới mức kỷ lục, lên tới 37,8 người sở hữu súng trên mỗi 100 dân.
Dù cuộc chiến tranh giữa Serbia và Nam Tư đã trôi qua từ lâu, Liên bang Nam Tư hiện thậm chí còn không hiện diện trên bản đồ. Tuy nhiên, việc cất súng trong nhà dường như đã trở thành "thói quen" của người Serbia suốt nhiều thập kỷ qua. Tỷ lệ các vụ án mạng liên quan tới súng của nước này là 33,1%, nghĩa là cứ 10 vụ giết người thì có khoảng 3 vụ việc là do súng gây nên.
Cộng hòa Síp
Đảo quốc phức tạp bậc nhất Địa Trung Hải này là một trong những quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cao nhất thế giới với 36,4 người sở hữu súng trên mỗi 100 dân. Sở dĩ người dân đảo Síp lại cất giữ nhiều súng đến như vậy là do quốc gia này chưa từng có một ngày yên bình, bản thân bên trong đảo Síp, người Síp gốc Hy Lạp và người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã luôn có sự đối đầu lẫn nhau suốt nhiều thập kỷ qua. Tỷ lệ các vụ án mạng có liên quan tới súng ở quốc gia này là 26,3%.
Ả Rập Xê-út
Đứng ở vị trí tiếp theo là quốc gia giàu nhất Trung Đông với tỷ lệ sở hữu súng trong dân chúng vào khoảng 35 khẩu trên 100 dân. Mặc dù vậy, số liệu về những vụ xả súng hàng loạt và những vụ giết người liên quan tới súng của quốc gia này lại khá mù mờ và không được ghi nhận.
Người dân Ả Rập Xê-út vẫn có truyền thống nổ súng ăn mừng trong đám cưới giống như cách người Trung Quốc đốt pháo ăn mừng ngày Tết cổ truyền vậy.
Iraq
Là một quốc gia đang có chiến tranh, tỷ lệ sở hữu súng trong dân chúng của Iraq cao cũng là điều khá dễ hiểu. Tuy nhiên, giống với Ả Rập Xê-út, số liệu về những vụ thảm sát bằng súng và những vụ giết người liên quan đến súng của quốc gia này vẫn là ẩn số.
Năm 2012, chính phủ Iraq bắt đầu cho phép người dân sở hữu súng, những khẩu súng được người dân sở hữu buộc phải được mang ra đăng ký - tuy nhiên như một truyền thống của người dân Trung Đông, việc sở hữu súng trong nhà là điều tất nhiên và cũng không mấy ai mang súng đi đăng ký với chính quyền.
Uruguay
Có tỷ lệ sở hữu súng là 31,8 trên mỗi 100 dân, Uruguay là một trong số các quốc gia Nam Mỹ có tỷ lệ sở hữu súng cao bậc nhất. Quốc gia này cũng có tỷ lệ các vụ án mạng liên quan tới súng là cực kỳ cao, lên tới 46,5% số vụ án mạng là do súng gây ra.
Ở Uruguay, người dân được phép sở hữu súng khi bước qua tuổi 18 và phải tham gia một khóa học sử dụng vũ khí bắt buộc để lấy "bằng" trước khi có thể mua súng tại các cửa hàng bán súng do nhà nước quy định.
Thụy Điển
Không những là một trong những quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cao nhất, số lượng những vụ xả súng hàng loạt ở Thụy Điển còn được coi là thấp nhất, khoảng 0,41 vụ trên 100.000 dân. Tỷ lệ sở hữu súng trong dân ở Thụy Điển là 31,6 khẩu trên mỗi 100 người dân.
Trong quá khứ, mô hình sở hữu súng của Thụy Điển đã là hình mẫu được Mỹ học hỏi không ít lần. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ xả súng thấp ở Thụy Điển là do nước này có dân trí và phúc loại xã hội cực cao - thứ mà Mỹ khó có thể đạt được.
Na Uy
Tỷ lệ sở hữu súng của Na Uy là 31,3 trên mỗi 100 dân. Tuy nhiên, luật pháp của quốc gia này cũng quy định rõ, người dân chỉ được phép sở hữu súng săn và súng trường lên đạn bằng tay. Các loại súng tự động và súng ngắn bị cấm hoàn toàn. Ngoài ra, người dân cần phải có tủ khóa trong nhà để cất súng mỗi khi không sử dụng tới.
Pháp
Người dân Pháp hoàn toàn có quyền sở hữu súng nếu họ có lý do chính đáng. Các lý do chính đáng bao gồm sở hữu súng để săn thú hoặc súng hơi để chơi thể thao. Lý do sở hữu súng để "phòng vệ cá nhân" không được chấp nhận ở Pháp vì chính phủ nước này tin Pháp là một quốc gia an ninh cao nên người dân không cần súng để tự vệ.
Tỷ lệ sở hữu súng của quốc gia này là 31 trên mỗi 100 dân. Trong những năm gần đây, tỷ lệ sở hữu súng của Pháp đang ngày càng cao, bất chấp các biện pháp thắt chặt quản lý của nhà nước, đặc biệt là quản lý về đạn dược.