Bất ngờ lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng
Các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đạt doanh thu 30.065 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 2.358 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra trong 6 tháng đầu năm.
Tập trung xử lý dự án yếu kém
Ngày 15/7, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025 cho các doanh nghiệp trực thuộc.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh khẳng định, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp ngành Xây dựng cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, không đứng ngoài cuộc tái thiết này.
Từ khi hoàn thành sáp nhập đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc phê duyệt, giao kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh tăng trưởng trên 8% theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Vũ Ngọc Anh, các doanh nghiệp thuộc Bộ đã nghiêm túc thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, trọng tâm là xử lý, thoái vốn các khoản đầu tư tài chính tại các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả.
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) tiếp tục duy trì mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đến năm 2025. Với Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Bộ đang báo cáo Thủ tướng để duy trì mô hình 100% vốn Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Một số doanh nghiệp khác như LILAMA, HANCORP, VIGLACERA cũng đang triển khai công tác tái cơ cấu theo đúng quy định. Riêng VICEM đã vượt qua giai đoạn khó khăn, ghi nhận lợi nhuận 189 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Nhìn chung, các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng có bước chuyển tích cực với các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm 2024.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng thị trường
Bộ trưởng Trần Hồng Minh ghi nhận nỗ lực của các đơn vị đã chủ động vượt qua khó khăn để triển khai hiệu quả kế hoạch được giao. Ông nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm 2025 là giai đoạn mang tính quyết định, đòi hỏi quyết tâm rất cao, đặc biệt trong việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 8% theo yêu cầu của Trung ương và Chính phủ.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là tiếp tục triển khai Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, xử lý dứt điểm các tồn tại tại các doanh nghiệp yếu kém như SBIC, nhà máy đóng tàu Dung Quất, các công ty đóng tàu Sông Cấm, Hạ Long...

Toàn cảnh hội nghị.
Đồng thời, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh quyết toán vốn Nhà nước khi chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty cổ phần, thực hiện nghiêm Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2025.
Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động doanh nghiệp, coi đây là một hướng đi tất yếu để tăng tính linh hoạt, tối ưu bộ máy và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. "Các doanh nghiệp cần hỗ trợ nhau, phát huy thế mạnh nội tại để cùng vượt khó, mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã được phê duyệt", Bộ trưởng Trần Hồng Minh nói.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu và đề xuất nhiều giải pháp thực tiễn.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đạt khoảng 29.515 tỷ đồng, bằng 47,05% kế hoạch năm 2025; doanh thu đạt 30.065 tỷ đồng, bằng 46,67% kế hoạch; lợi nhuận khoảng 2.358 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra trong 6 tháng đầu năm là 537 tỷ đồng.