Tên lửa chống bức xạ diệt radar AGM-122 chính là biện pháp tình thế được Thủy quân Lục chiến Mỹ đưa ra nhằm chống lại các đài radar của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Lạnh.
Cổng thông tin The Drive đã thu hút sự quan tâm lớn từ công chúng khi kể một câu chuyện rất thú vị về cách người Mỹ hoán cải tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder nổi tiếng của họ thành tên lửa chống radar AGM-122 để đối đầu phòng không Liên Xô.
Lịch sử dự án đặc biệt này thực ra bắt đầu ngay từ những năm 1960, khi tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9C Sidewinder được chế tạo để trang bị cho máy bay chiến đấu - ném bom F-8 Crusader.
Phiên bản tên lửa AIM-9C này có biệt danh "radar Sidewinder" do thiết kế và mục đích của nó - thay vì đầu dò hồng ngoại, đạn sử dụng radar bán chủ động (SARH), cho phép tấn công máy bay địch ở bán cầu phía trước, theo tín hiệu của radar trên phi cơ mang phóng.
Vào thời điểm ra đời, đây là một sự phát triển mang tính cách mạng của Mỹ. Bởi vì các phiên bản trước của tên lửa AIM-9 với đầu dò hồng ngoại công nghệ cũ chỉ có thể nhắm vào mục tiêu khi bắn từ bán cầu sau.
Nhưng biến thể AIM-9C có thể thực hiện được phát bắn mà không cần phi công phải điều khiển máy bay thực hiện những thao tác phức tạp như cố gắng vòng ra sau tiêm kích đối phương để khai hỏa.
Hơn nữa, "radar Sidewinder" đã trở thành tên lửa không đối không tầm ngắn đầu tiên của Không quân Mỹ có thể được sử dụng vào ban đêm và/hoặc trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Theo thông báo, các nhà máy thuộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ đã sản xuất khoảng 1.000 tên lửa AIM-9C, tuy nhiên chúng không được bắn trong chiến đấu do vấn đề với thiết bị trên máy bay F-8.
Vì vậy những tên lửa này nằm trong kho cho đến những năm 1980, khi Thủy quân lục chiến Mỹ bày tỏ mong muốn có được tên lửa chống radar tầm ngắn để trang bị cho trực thăng tấn công AH-1 Cobra, máy bay cất cánh thẳng đứng AV-8 Harrier và cường kích A-4 Skyhawk.
Trên thực tế, dự án này yêu cầu tiến hành công việc hoán cải tên lửa AIM-9C thành AGM-122, quá trình trên bắt đầu vào năm 1986 và đến năm 1990, 700 quả đã hoàn thành theo cách này. Điều thú vị là công việc được thực hiện bởi công ty Motorola.
Đặc biệt, chương trình hoán cải AIM-9C thành tên lửa chống radar AGM-122 đã thay thế động cơ và nhiên liệu, đồng thời lắp đặt bộ định vị GPS băng rộng với nguyên lý dẫn đường thụ động.
Với cải tiến trên, tên lửa chống radar AGM-122 có thể nhớ được vị trí đài radar của đối phương để tiếp tục tấn công chính xác, kể cả khi khí tài đã tắt sóng, đây là một tính năng rất đáng giá.
Các nhà phân tích của ấn phẩm The Drive hoàn toàn không nêu chi tiết về "tiểu sử chiến đấu" của AGM-122 mà chỉ cho biết rằng tất cả các tên lửa này đều được bắn trong các hoạt động thực chiến hoặc tập trận.
Đã có một dự án sản xuất nối tiếp mang tên AGM-122B, nhưng đáng tiếc là chưa bao giờ được triển khai, điều mà các chuyên gia đến từ cổng thông tin của Mỹ cảm thấy rất tiếc nuối.
Theo An ninh thủ đô