Bất ngờ: Nga giúp Trung Quốc phát triển tên lửa HQ-16

Hóa ra tên lửa phòng không HQ-16 của Quân đội Trung Quốc không hẳn là sản phẩm sao chép không phép mà là được Nga trợ giúp phát triển.

Tạp chí quốc phòng Jane's mới đây đã tiết lộ thông tin mới về chương trình phát triển tên lửa phòng không HQ-16 của Trung Quốc. Điều bất ngờ, trái ngược với các thông tin cho rằng HQ-16 là bản sao chép không phép mẫu tên lửa Buk hay là Shtil của Nga, thì đây lại là dự án hợp tác có hợp đồng giữa Nga với Trung Quốc.

Theo Jane's, Tập đoàn Almaz-Antey (chuyên vũ khí phòng không của Nga) đã cung cấp công nghệ tên lửa để hỗ trợ phát triển tên lửa tầm trung HQ-16. Nó có thể tấn công mục tiêu máy bay ở cự ly đến 40km, với tên lửa hành trình là từ 3,5-18km, có thể tấn công mục tiêu ở độ cao thấp, cực thấp hoặc độ cao lớn tới 18km.

Quan sát loại đạn tên lửa của HQ-16, người ta cho rằng nó tương tự loạt tên lửa xuất khẩu 9M38E - thành phần của hệ thống tên lửa hải đối không Shtil của Almaz-Antey mà Trung Quốc mua của Nga để sử dụng trên tàu khu trục Project 956E/EM và Type 052B.

Tuy nhiên, HQ-16 cũng trông có vẻ giống như đạn tên lửa 9M317M của tổ hợp tên lửa phòng không lục quân Buk.

Theo phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đăng tải vào cuối tháng 9 - đầu tháng 10/2011, Trung Quốc và Nga đã hoàn toàn hợp tác chương trình phát triển tên lửa phòng không HQ-16 và đã sẵn sàng trang bị cho Quân đội Trung Quốc.

Mới đây, vào đầu tháng 9/2016, truyền hình Trung Quốc CCTV tiếp tục công bố hình ảnh cho thấy có vẻ như Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Không gian Trung Quốc (CASIC) đang phát triển phiên bản mới của tổ hợp tên lửa phòng không HQ-16 (Hồng Kỳ 16) chuyên tác chiến ở cự ly tầm thấp và tầm trung.

Phiên bản mới (một số nguồn tin gọi là HQ-16B) trang bị đạn tên lửa với động cơ cải tiến, thiết kế lại cánh. Các sửa đổi này cho phép tăng tầm bắn của đạn từ 40km (nguyên bản HQ-16) lên 70km (HQ-16B).

Một khẩu đội tên lửa phòng không HQ-16 được trang bị đài radar trinh sát mạng pha bị động 3 tham số có tầm trinh sát 140km, độ cao 20km.

Và đài điều khiển hỏa lực mạng pha bị động có tầm trinh sát đến 85km, có khả năng phát hiện 6 mục tiêu, bám bắt cùng lúc 4 mục tiêu và cung cấp lệnh dẫn đường cho 8 tên lửa tấn công 4 mục tiêu.

Chiến Xa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/bat-ngo-nga-giup-trung-quoc-phat-trien-ten-lua-hq-16-754514.html