Bất ngờ nơi ngã rẽ Mê Kông
Rảo khúc Mê Kông
>>>Đã đến Viên Chăn
>>>“Thành phố lớn” bình yên
LCĐT - Trên máy bay rời Viên Chăn (Lào) sang Phnôm Pênh (Campuchia) hơn 1 giờ, phần lớn thời gian tôi chăm chú quan sát ngoài cửa sổ để tìm kiếm dòng sông Mê Kông, nhất là lúc mới cất cánh từ sân bay quốc tế Wattay của Lào và khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay quốc tế Pô Chen Tông (Pochentong) của Vương quốc Campuchia...
Cất cánh lúc gần trưa, do chuyến bay bị chậm thời gian nên chúng tôi đến Phnôm Pênh muộn hơn dự kiến. Cán bộ Bộ Thông tin Campuchia đã đứng chờ đoàn ngoài sảnh sân bay. Sau màn chào hỏi, chụp tấm ảnh kỷ niệm, chúng tôi vội về khách sạn bởi sắp đến giờ hẹn làm việc với Bộ Thông tin Campuchia.
Đường phố Phnôm Pênh sôi động với hàng dài phương tiện tham gia giao thông nối nhau tưởng như không dứt. Chrim Chheng Lim, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hành chính - Tài chính (Bộ Thông tin Campuchia) vừa đón đoàn vừa đảm nhận vai trò phiên dịch viên (anh bảo các anh chị cứ gọi em là Lim cho gọn). Ngồi cùng xe, anh thông báo nhanh lịch làm việc, những lưu ý khi đoàn ở Campuchia một cách chân tình, cởi mở. Anh giãi bày luôn sự học của mình bằng tiếng Việt trơn tru. Thấy còn trẻ (sinh năm 1981) mà đã giữ chức Phó Tổng cục trưởng, chúng tôi hỏi đùa cho vui, thì anh trả lời: Em xuất phát điểm từ con nhà nông, bố mẹ em là nông dân, quê cách thủ đô Phnôm Pênh gần 300 km. Thuở sinh viên, em từng có ý định bỏ học bởi gia đình nghèo không thể chu cấp cho mình ăn học. Em đã từng bán nước mía để có tiền theo học ở Phnôm Pênh. Hàng ngày phải đạp xe 10 km từ phòng trọ tới trường, chịu cảnh ăn không đủ no, từng bị châm chọc... Có lúc nản lắm, nhưng được sự động viên của người thân, thầy cô, bạn bè, em “săn” học bổng và được sang Việt Nam học Đại học Nông nghiệp! Thời gian học bên Việt Nam lưu dấu nhiều kỷ niệm của em. Mỗi khi có đoàn công tác Bộ Thông tin Campuchia hay cơ quan báo chí Campuchia sang thăm và làm việc tại Việt Nam là em lại được mời với vai trò phiên dịch viên. Chính trong những lần đó em biết Bộ trưởng Bộ Thông tin. Khi về nước, em làm cho công ty tư nhân mấy năm. Cơ duyên đưa em gặp lại Bộ trưởng, rồi em vào công tác tại Bộ Thông tin Campuchia, học thêm chuyên ngành và có ngày hôm nay. Đó là bất ngờ đầu tiên chúng tôi gặp trên đất Campuchia về một cán bộ đầy nghị lực, từng bước trưởng thành.
Buổi làm việc của Đoàn công tác Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam với Bộ Thông tin Campuchia diễn ra với nghi lễ trang trọng. Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Thông tin Campuchia Thạch Phen cùng nhiều lãnh đạo tổng cục, cục của Bộ Thông tin Campuchia đón và làm việc. Chúng tôi đến muộn do chuyến bay từ Viên Chăn sang bị chậm giờ, việc di chuyển trên đường phố Phnôm Pênh cũng bị chậm do lượng phương tiện trên đường rất đông, có lúc ken kín. Khi đến sảnh trụ sở Bộ Thông tin Campuchia đã thấy đoàn cán bộ chủ nhà đứng đón. Những cái bắt tay thân tình đưa chúng tôi cuộc làm việc.
Trong đoàn chúng tôi có anh từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia gần 40 năm trước. Khi được mời phát biểu, anh ôn lại kỷ niệm của mình với đất nước Campuchia. Kỷ niệm ùa về rưng rưng, anh không kìm lòng được cứ miệt mài nói mà quên mất việc phải ngắt đoạn dừng lại để kịp phiên dịch ra tiếng Khmer cho cán bộ Bộ Thông tin Campuchia nghe. Thứ trưởng Thạch Phen và phiên dịch viên ra hiệu cho anh cứ nói tiếp. Tôi thắc mắc: Anh nói dài thế thì người phiên dịch làm sao dịch sát được? Không phiên dịch thì chủ nhà có hiểu điều anh nói không?... Kết thúc buổi làm việc, bên ngoài hành lang, Thứ trưởng Thạch Phen nói tiếng Việt rành rọt. Cả đoàn chúng tôi bất ngờ, ngạc nhiên, phiên dịch viên nói nhỏ: Thứ trưởng nói tiếng Việt rất giỏi, lúc anh cựu chiến binh kia nói dài như thế, Thứ trưởng nghe rất rõ, hiểu rất rõ. Thứ trưởng Thạch Phen từng học tại tỉnh Minh Hải (cũ) của Việt Nam. Bất ngờ với chúng tôi nữa là năm nay Thứ trưởng Thạch Phen đã hơn 80 tuổi vẫn còn đảm nhận chức vụ, điều này được lý giải: Theo luật của Vương quốc Campuchia, đối với lãnh đạo cấp cao (từ Quốc vụ khanh - tức Thứ trưởng - trở lên) không giới hạn tuổi nghỉ hưu.
Vẫn “mê mẩn” dòng Mê Kông, tôi ngỏ ý muốn được ngắm sông Mê Kông tại thủ đô Phôm Pênh. Lim - anh phiên dịch - mỉm cười: Yên tâm. Tối nay đoàn mình sẽ leo lên tháp cao nơi gần ngã ba sông Mê Kông. Ở trên đó các anh thoải mái ngắm toàn cảnh thành phố và nơi hợp lưu của Mê Kông.
Thế thì còn gì bằng!
Lại rong ruổi trên đường phố Phnôm Pênh. Hệ thống giao thông ở đây mang dáng vẻ hiện đại với những cầu vượt trên cao xòe ra nhiều ngả. Những tòa nhà cao tầng nhấp nhô, không ít tòa tháp chọc trời soi bóng nước Mê Kông, nổi bật trong ánh hoàng hôn dần chuyển màu sẫm. Đang mải mê ngắm phố phường thì xe dừng lại. Chúng tôi lên tầng 17 tháp cao bên sông Mê Kông. Vừa dợm bước chân ra hành lang tầng cao nhất, mọi người xuýt xoa: Ôi, đẹp thế! Đứng trên đây ngắm toàn cảnh thành phố Phnôm Pênh trong ráng chiều với những hàng cây xanh dắt nhau chạy về phía xa tít; những tòa nhà cao - thấp tạo hình nối thành nhiều điểm nhấn. Sông Mê Kông chia hai ngả bao quanh thành phố, ánh đèn hắt ánh sáng rực rỡ. Chỉ tay ra trước mặt, Lim bảo: Các anh chị có nhìn thấy ngã ba sông kia không? Ở phía trên kia thì sông Mê Kông hợp lưu với sông Tông-lê Sáp (Tonlé Sap) - sông nhánh chính ở Campuchia. Điều đặc biệt nhất là mùa lũ nước sông Mê Kông chảy ngược vào sông Tông-lê Sáp dồn về hồ Tông-lê Sáp (theo tiếng Campuchia, Tông-lê Sáp có nghĩa là “sông nước ngọt lớn”, nhưng được gọi là “hồ lớn”, mà người Việt Nam thường gọi là Biển Hồ). Thế nên Mê Kông có vai trò điều tiết nước cho hồ Tông-lê Sáp thuộc tỉnh Siêm Riệp (Siem Reap). Từ ngã ba trước mặt kia, sông Mê Kông chia làm hai nhánh ôm trọn Phnôm Pênh. Đây, nhánh này là sông Ba Thắc, chảy sang Việt Nam với tên Hậu Giang. Còn kia, nhánh thứ hai vẫn tên Mê Kông, chảy sang Việt Nam là dòng Tiền Giang.
Bất ngờ và thú vị quá! Hôm nay được “mục sở thị” nơi ngã ba sông Mê Kông, là đoạn khởi thủy của sông Tiền, sông Hậu, mọi người í ới nhờ chụp ảnh cho mình và hô các thành viên sắp hàng chụp hình lưu niệm.
Chưa hết bất ngờ. Trong bữa ăn tối, mọi người trò chuyện vui vẻ, hỏi thăm và kể cho nhau nghe chuyện học tập, công tác và đời sống; cùng chạm ly, dù tiếng mỗi nước khác nhau nhưng có một cụm từ ai cũng hiểu đó là “trăm phần trăm”. Có một anh công tác tại Bộ Thông tin Campuchia ngồi cạnh tôi rất ít nói và cũng do chúng tôi mải mê hỏi chuyện Thứ trưởng Thạch Phen, phiên dịch viên Lim bằng tiếng Việt mà quên mất anh bạn ngồi kế bên. Gần cuối bữa tôi quay sang hỏi: “Anh tên là gì?”. “Tôi là Săm May”. “Cái gì?”, tôi bật thêm câu hỏi không phải vì nghe chưa rõ mà bất ngờ khi anh trả lời bằng tiếng Việt, muốn nghe anh nói thêm. Anh trả lời lại: “Tôi tên là Săm May, Cục trưởng Cục Hành chính”. Mâm cơm lặng đi ít giây. Thêm một người biết tiếng Việt nữa mà nãy giờ không ai hay! Lúc này mọi người quay sang hỏi chuyện, anh Săm May bộc bạch: Bố tôi trước học cùng thời với chú Thạch Phen ở bên Việt Nam. Tôi từng học Đại học Văn hóa ở Hà Nội 5 năm; sau đó sang Hunggary học chuyên ngành báo chí 4 năm nữa rồi về công tác ở Bộ.
Nghe đến đây, phiên dịch Lim tiến đến bắt tay tôi: Cám ơn anh! Nhờ anh hỏi chuyện mà em mới biết anh Săm May nói giỏi tiếng Việt đến thế. Giỏi hơn cả phiên dịch viên. Thế là từ nay Bộ Thông tin Campuchia có thêm một phiên dịch viên tiếng Việt. Em công tác cùng anh Săm May hơn chục năm mà hôm nay mới thấy anh ấy nói tiếng Việt giỏi thế! Không còn là bất ngờ nữa mà tôi thực sự ngạc nhiên: Công tác cùng cơ quan hơn chục năm mà Lim không “phát hiện” ra người cộng sự và là cấp dưới của mình biết tiếng Việt, mà anh May phát âm chuẩn như người Việt, không hề ngọng hay lơ lớ như nhiều người nước ngoài phát âm tiếng Việt. Săm May bảo: Việc ai người nấy làm, trong cuộc làm việc chiều nay ở Bộ, Lim là phiên dịch thì cậu ấy làm nhiệm vụ phiên dịch của mình, tôi chỉ nói tiếng Việt khi tiếp chuyện đoàn khách Việt Nam như các anh thôi.
Thế là lại có cớ để chạm ly. Tiếng cười lênh loang nơi ngã rẽ của dòng sông Mê Kông.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/bat-ngo-noi-nga-re-me-kong-z62n20191124094513521.htm