Slovakia dự định sẽ chuyển giao các hệ thống phòng không S-300PMU của mình cho Ukraine theo lời kêu gọi từ Mỹ, đây sẽ là sự trợ giúp rất đáng giá cho chính quyền Kiev khi chiến sự đang leo thang căng thẳng.
Theo thông báo, khẩu đội duy nhất của hệ thống phòng không S-300PMU đang phục vụ trong Quân đội Slovakia sẽ được chuyển giao cho Ukraine, với điều kiện các nước NATO hoặc Mỹ cung cấp cho họ phương án thay thế tương đương cho vũ khí này.
Quyết định chuyển giao hệ thống phòng không S-300PMU cho Lực lượng vũ trang Ukraine có thể được đưa ra sớm nhất vào tuần tới, sau hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến vào ngày 24/3. Với việc Mỹ đã sẵn sàng bù đắp cho Slovakia thì kế hoạch sẽ sớm triển khai.
Hiện tại, vẫn chưa biết chính xác có bao nhiêu bệ phóng di động trong thành phần hệ thống phòng không S-300PMU của Slovakia. Tuy nhiên, theo một số dữ liệu, quốc gia Đông Âu này có khoảng 100 tên lửa dẫn đường còn trong tình trạng tốt.
Ngoài ra, có thông tin chưa được xác nhận rằng các hệ thống S-300 cũng có thể được cung cấp bởi Bulgaria - quốc gia cũng có một tổ hợp phòng không S-300 đang phục vụ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dữ liệu chính thức về điều này.
Trước đó, được biết Mỹ và NATO đã đồng ý cung cấp 4 loại hệ thống phòng không cho Lực lượng vũ trang Ukraine, trong đó bao gồm cả S-300P, S-300V, Osa và Strela-3, số vũ khí trên sẽ lấy từ kho của những quốc gia từng thuộc khối Warsaw nhưng hiện đã là thành viên NATO.
Cần lưu ý rằng phiên bản S-300PMU này của Slovakia được NATO định danh là SA-10C, tính năng của nó mặc dù thua kém S-300PMU-1/2 hiện đại nhưng vẫn mạnh hơn nhiều khi đặt cạnh S-300PS mà Quân đội Ukraine đang có trong thành phần tác chiến.
Đạn tên lửa 5V55U của S-300PMU có tầm bắn 150 km, vận tốc tối đa 2.000 m/s, độ cao hoạt động 0,025 - 27 km, mang theo đầu đạn nặng 133 kg sử dụng phương thức dẫn đường nhận lệnh trực tiếp từ đài chỉ huy.
Hệ thống S-300PMU có thể theo dõi 12 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt 6 mục tiêu có vận tốc 1.300 m/s cùng lúc, tầm bắn hiệu quả đối với máy bay là 90 km và tên lửa đạn đạo tầm ngắn là 35 km.
Thời gian giãn cách giữa hai loạt phóng chỉ 3 - 5 giây, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu hoặc di dời khỏi trận địa dưới 5 phút. Thông số trên tốt hơn rất nhiều khi đặt cạnh S-300PS cổ điển.
So sánh với đạn 48N6 của S-300PMU-1/2, mặc dù tầm bắn và vận tốc tối đa của 5V55U tương đương nhưng khác biệt chính nằm ở cơ chế dẫn đường của 48N6E lại là TVM (Track via missile - dẫn đường thông qua tên lửa).
Cụ thể với thuật toán dẫn bắn TVM, lệnh hiệu chỉnh đường bay được truyền đến tên lửa thông qua một liên kết dữ liệu trung gian với sự tham gia của các trạm điều khiển từ mặt đất.
Tên lửa sẽ đo góc lệch của cánh sóng đài radar hỏa lực dội ra từ mục tiêu so với trục của đạn để điều chỉnh quỹ đạo cho đến khi đánh trúng, cách thức này được cho là vô hiệu hóa mọi biện pháp gây nhiễu.
Nhờ tên lửa 48N6, S-300PMU-1/2 tiêu diệt được mục tiêu hàng không bay với vận tốc 2.800 m/s ở cự ly tối đa 250 km (máy bay) hoặc 40 km (tên lửa đạn đạo tầm ngắn), độ cao đánh chặn 0,01 - 27 km. Các thông số còn lại tương đương S-300PMU.
Nga chưa đưa ra phản ứng chính thức về thông tin NATO sẽ cung cấp tên lửa phòng không cho Ukraine, nhưng trước đó Moskva cảnh báo sẽ đáp trả mọi hành động nhằm trợ giúp quân sự cho Kiev.
Bạch Dương