Bất ngờ rút quân khỏi Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ 'thua Nga trong bóng tối'?
Động thái rút quân khỏi Idlib đầy bất ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ là kết quả từ cuộc đối đầu trong bóng tối với Nga trên nhiều mặt trận.
Vào ngày 20/10, trong một động thái thầm lặng, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đóng tại thành phố Morek ở Syria đã bắt đầu rút khỏi nơi đóng quân.
Morek được biết đến là cứ điểm quân sự quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó giáp với thành phố Hama do chính quyền Syria và giáp với khu vực tây bắc do phiến quân kiểm soát.
Căn cứ này đang bị vây quanh bởi các lực lượng thuộc quân đội Syria do Nga hậu thuẫn. Cứ điểm của Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò như một vùng đệm để tránh các cuộc đụng độ mới giữa phiến quân và quân đội Syria ở Idlib.
Theo báo cáo, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận với Nga để rút lực lượng khỏi một số đồn bốt và hai căn cứ quân sự hiện đang bị lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad bao vây.
Sau khi rút khỏi Morek, Ankara đã gửi quân mới đến các đồn quân sự khác ở tỉnh Idlib cho mục đích tiếp viện. Việc tái triển khai này có ý nghĩa gì và liệu có nguy cơ leo thang mới ở Syria hay không là một trong những câu hỏi được các nhà quan sát quốc tế đặt ra.
Lý do rút quân
Quyết định rút quân của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về việc Nga và chính quyền Syria sẽ tiến hành một cuộc tấn công mới nhằm chiếm các phần phía Nam của tỉnh Idlib.
Trước đó, các cuộc đàm phán giữa các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tại Ankara vào tháng 9 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc không đạt được thỏa thuận được cho là do Moscow đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ một số vị trí quân sự mà nước này nắm giữ xung quanh tỉnh Idlib như một phần của các thỏa thuận giữa hai nước sau năm 2018 nhằm thiết lập cái gọi là vùng đệm ở tây bắc Syria.
Ngày 17/9, người phát ngôn bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Thổ Nhĩ Kỳ "không hoàn thành thỏa thuận ngày 5/3 đúng thời hạn", do vẫn có sự hiện diện của các nhóm cực đoan như Hayat Tahrir al-Sham và Hurras ad-Din. Bình luận được đưa ra sau khi Nga tiến hành một số cuộc không kích dữ dội gần đây, cùng với việc quân đội Syria sử dụng hỏa lực nhắm vào miền Nam Idlib.
Tình hình hiện tại ở Idlib được đánh giá là bấp bênh cho tất cả các bên. Chính quyền Damascus vẫn quyết tâm tiếp quản toàn bộ lãnh thổ đã mất, trong khi Ankara tuyên bố họ không muốn xung đột nổ ra lại có thêm người tị nạn.
Một cuộc tấn công ở Idlib của lực lượng Syria và việc tiếp quản tây bắc Syria chắc chắn sẽ dẫn đến một dòng người tị nạn lớn đến Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tạo ra áp lực lên biên giới phía Nam của EU.
Động thái rút quân của Morek cũng đi ngược lại chính sách hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ là không từ bỏ các căn cứ và trạm quan sát ở Idlib.
Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách đột ngột có thể là kết quả của việc Ankara thừa nhận thực tế rằng các cố duy trì căn cứ là một rủi ro không đáng có đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi nếu xung đột bùng nổ một lần nữa ở Syria, Ankara sẽ phải đón nhận những kết quả không đáng có tại các cuộc đụng độ địa chính trị ở một số khu vực khác.
Các yếu tố rung động
Trong cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 12/10, cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh đã được thảo luận cùng với tình hình ở Syria và Libya, và tại cuộc họp ở Moscow vào ngày 23/10, hai cuộc xung đột gần đây cũng là chủ đề chính.
Tất cả những điều này khẳng định nhận xét của các nhà phân tích và quan sát quốc tế rằng cả Libya, Syria hay Nagorno-Karabakh đều không thể được coi là những sự kiện riêng biệt. Ngược lại, vào thời điểm hiện tại, chúng được coi là một phần của cuộc đối đầu quy mô lớn giữa Moscow và Ankara, trải dài từ Bắc Phi đến Caucasus.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân đột ngột và bất ngờ khỏi Morek có thể liên quan đến các cuộc đàm phán đang diễn ra về Nagorno-Karabakh và Libya. Cần nhắc lại rằng sau ngày 10/11, khi thỏa thuận về việc chấm dứt chiến sự ở Nagorno-Karabakh được ký kết, quân đội Nga bắt đầu gửi lực lượng tới vùng đệm giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan trong khu vực tranh chấp.
Được biết, sẽ có sự hiện diện của các đơn vị Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện các cuộc tuần tra với người Nga, giống như mô hình ở Syria (và ở Libya). Về mặt công khai, Moscow nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tham gia trên thực địa, nhưng dù muốn hay không, ông Putin hiện không có nhiều lựa chọn.
Với nền hòa bình mong manh giữa Baku và Yerevan và nhiều điều không chắc chắn về thời điểm lực lượng Armenia sẽ rời khỏi khu vực Nagorno-Karabakh, các cuộc đàm phán giữa Moscow và Ankara vẫn sẽ rất quan trọng và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các vùng lãnh thổ ở Caucasus.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bỏ trống các trạm quan sát trong lãnh thổ Syria do lực lượng của Tổng thống Assad nắm giữ và củng cố các khu vực trong tay phiến quân Idlib bằng các nguồn lực bổ sung.
Hiện có khoảng 15.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ ở đó, một thông điệp gửi tới Moscow và Damascus rằng Ankara có lợi ích thực sự trong việc duy trì vùng đệm để ngăn chặn làn sóng tị nạn cũng như nguy cơ về người Kurd.
Nga và các đồng minh Syria có thể vẫn muốn chiếm các khu vực chiến lược như Jisr al-Shughur hoặc Jabal al-Zawiya để tăng cường sự bám trụ trên đường cao tốc chiến lược M4 và các khu vực phía Nam.
Ở đó, máy bay Nga liên tiếp thực hiện các cuộc không kích vào vị trí của nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kể từ tháng 10 - một lần nữa như một thông điệp nhắc nhở sự can dự của Ankara trong cuộc xung đột Caucasus.
Tuy nhiên, có thông tin cho rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rời căn cứ ở Morek đã được cử đến tiếp viện cho Jabal al-Zawiya. Điều này cho thấy rủi ro đáng kể đối với các lực lượng của Nga và Syria trong trường hợp nỗ lực tấn công nơi đây.
Có vẻ như cả Syria và Caucasus đều không dễ dàng lặng tiếng súng. Vẫn có nguy cơ sự leo thang tiếp tục ở Nagorno-Karabakh, ngay cả khi có sự xuất hiện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.
Vấn đề đầu tiên nảy sinh là một người lính gìn giữ hòa bình Nga đã bị thương trong vụ nổ mìn ở Nagorno-Karabakh. Trong khi đó, căng thẳng đang gia tăng ở Syria về cuộc đụng độ địa chính trị giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mong muốn của chính quyền Syria trong việc lấy lại vùng tây bắc và bế tắc ở Idlib.
Mặc dù những sự kiện này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của EU và Mỹ, nhưng việc hai thế lực vắng mặt về quân sự và ngoại giao, cũng như không tham gia vào các cuộc đàm phán, là một tín hiệu rõ ràng cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga quyết định tương lai của các cuộc xung đột từ Libya tới Syria và Nagorno-Karabakh.
Việc nối lại các hành động thù địch giữa Moscow và Ankara sẽ ảnh hưởng đến khu vực. Ở miền Đông Syria, lực lượng người Kurd do Washington hậu thuẫn cũng đang chờ thời điểm thuận tiện để thiết lập chính quyền của riêng mình. Sự hồi sinh của khủng bố Nhà nước Hồi giáo cũng đang diễn ra do các cuộc xung đột địa chính trị hiện nay.
Cuối cùng, không thể quên Iran - quốc gia có liên quan đến các sự kiện ở Syria, cũng như Nagorno-Karabakh nhưng cảm thấy bị Ankara và Moscow bỏ rơi. Sự cạnh tranh mới giữa Nga-Thổ có khả năng gây ra hậu quả lớn hơn về mọi mặt.