Tiến sĩ Khoa học quân sự Konstantin Sivkov, Nga vừa có những so sánh sức mạnh của tên lửa hạt nhân thế hệ mới Bulava với tên lửa hạt nhân 30 tuổi Trident II D5 của Mỹ, cuối cùng ông kết luận tên lửa của Nga vẫn còn nhiều điểm thua kém so với sản phẩm cùng loại của Mỹ.
Cụ thể tên lửa Trident II D5 của Mỹ có lợi thế hơn Bulava, bởi vì dòng tên lửa đạn đạo này có khả năng bay xa tới 11.000 km, trong khi đó Bulava chỉ có tầm bắn tối đa chỉ 8.000 km.
Mặt khác tên lửa Bulava của Nga chỉ có khả năng mang theo 8 đầu đạn hạt nhân trong khi con số này của tên lửa Mỹ là 14.
Nga đã thử nghiệm tên lửa hạt nhân Bulava 19 lần và chỉ có 11 lần trong số đó là thành công.
Trong khi đó, kể từ năm 1987 tới nay, quân đội Mỹ đã thử nghiệm Trident II D5 tới 168 lần và chỉ một vài lần phóng thất bại.
Như vậy, thực tế đã chứng minh rằng Trident II có sức mạnh và độ tin cậy cao hơn gấp nhiều lần so với "quỷ biển" Bulava của Nga.
Tuy vậy, ông Konstantin Sivkov cũng chỉ ra rằng Nga đang có lợi thế hơn Mỹ nhờ vị trí địa lý, vì vậy với tầm phóng và lượng đầu đạn hiện tại cũng đủ sức gây nên nỗi kinh hoàng cho Mỹ.
Tên lửa Bulava nếu được phóng từ Biển Barents, có thể tấn công qua Vòng Bắc Cực để tiêu diệt các thành phố lớn bên bờ biển phía Đông nước Mỹ.
Bởi từ Biển Barents đến bờ biển phía Đông Mỹ chỉ có khoảng cách là 7.000 km. Do quân đội Nga chiếm ưu thế tuyệt đối ở Vùng Cực về lực lượng quân sự, các tàu ngầm hạt nhân chiến lược thuộc lớp Borei có thể tiến sát gần Mỹ hơn nữa, chỉ còn cách bờ phía Đông Mỹ khoảng 5.000km.
Ở cự ly này, Bulava có thể mang được 8 đầu đạn hạt nhân sẽ nhanh chóng tiêu diệt các mục tiêu trọng yếu của Mỹ.
Bulava (tiếng Nga: Булава, nghĩa là "cái chùy") là một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được phát triển để trang bị cho Hải quân Nga.
Tên lửa này được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Công nghệ Nhiệt Moskva. Đây cũng là nơi cho ra đời nhiều loại tên lửa hạt nhân đáng sợ nhất thế giới.
Bulava được NATO định danh là SS-NX-30 và đã được chỉ định chỉ số Grau 3M30.
Bulava được thiết kế từ cuối thập kỷ 1990 để thay thế SLBM sử dụng nhiên liệu rắn R-39 Rif trang bị trên tàu ngầm nguyên tử lớp Typhoon.
Trong các hòa ước quốc tế, tên thông dụng RS-56 Bulava được sử dụng để định danh tên lửa này.
Hiện nay loại tên lửa này được định hình là vũ khí tiêu chuẩn trên siêu tàu ngầm hạt nhân mới nhất lớp Borey của Nga.
Tên lửa Bulava sử dụng nhiên liệu kết hợp, nặng 36,8 tấn.
Theo đó Bulava với thiết kế độc đáo 3 tầng phóng: 2 tầng đầu sử dụng nhiên liệu rắn, còn tầng 3 là nhiên liệu lỏng.
Các đầu đạn hạt nhân của nó có thể tấn công độc lập các mục tiêu.
Mỗi đầu đạn có đương lượng nổ là 150 kt, tương đương với 7 quả bom nguyên tử Mỹ từng thả xuống Nhật Bản trong thế chiến thứ hai.
8 đầu đạn với tổng đương lượng nổ lên tới 1200kt, với khối lượng này Bulava hoàn toàn có thể thổi bay cả một quốc gia nhỏ.
Bulava có chiều dài 11,5m, đường kính 2m và tầm bay tới 8.000km.
Như vậy với việc được mang trên những tàu ngầm hạt nhân, Nga có thể dùng tên lửa Bulava tấn công bất cứ nơi nào trên thế giới.
Độ lệch mục tiêu của siêu tên lửa này chỉ vào khoảng 350m. Đây là con số không đáng kể cho một quả tên lửa hạt nhân có sức hủy diệt khủng khiếp này.
Dù không có độ chính xác và tấm bắn xa như Trident IID5 của Mỹ, nhưng bù lại Bulava có nhiều thủ pháp hiện đại để chọc thủng hệ thống phòng chống tên lửa của đối phương.
Trong số đó giai đoạn phóng rất ngắn, điều này khiến cho việc phát hiện tên lửa và đánh chặn khó khăn hơn.
Mặt khác Bulava vẫn đang trong quá trình hoàn thiện với các tính năng vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Vì vậy để đánh giá sức mạnh một cách toàn diện chỉ có thể tiến hành khi chúng đi vào sản xuất loạt và biên chế.
Việt Hùng