Bất ngờ tái nồng ấm với người Kurds Syria, Mỹ khiến Nga, Thổ Nhĩ Kỳ 'giật mình thon thót'

Washington sẽ tăng cường lực lượng và mở rộng cuộc chiến chống lại IS với người Kurds; trong khi đó, các nỗ lực của Nga nhằm kết thúc cuộc xung đột tỏ ra không thành công và Iran đang theo dõi một cách cẩn trọng.

Phát biểu trước báo giới hôm thứ bảy (30/11), Tướng Kenneth McKenzie, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ tuyên bố: "Tôi không có một thời hạn kết thúc" cho quá trình rút quân đội Mỹ khỏi Syria.

Trước đó, hôm thứ tư (27/11), quân đội Mỹ thậm chí còn nhận được lực lượng tăng cường, bao gồm 3 xe tăng và 3 xe thiết giáp khác bên cạnh một đơn vị hậu cần đã tiến vào Syria qua khu vực của người Kurds.

Theo ông McKenzie, đi kèm sự hợp tác với các tay súng người Kurds, các lực lượng trên sẽ mở rộng chiến dịch chống lại nhóm khủng bố IS tại tỉnh Deir el-Zour.

Một phần nguyên nhân của động thái này xuất phát từ các bản báo cáo tình báo từ Syria, trong đó nhận định IS đang tái tập hợp để triển khai tấn công, còn binh lính Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang hoạt động ở phía đông Euphrates lại không có kế hoạch đối phó với điều đó.

(ảnh minh họa: getty images)

(ảnh minh họa: getty images)

Hơn 30 km từ biên giới

Việc Mỹ muốn rời Syria cũng ảnh hưởng tới việc người Kurds sẵn sàng tuân thủ thỏa thuận từng được ký kết giữa họ, Nga và Mỹ hôm 22/10. Theo đó, người Kurds phải lui quân cách biên giới Thổ khoảng 32 km.

Một số binh lính người Kurds đã rời khỏi khu vực biên giới; tuy nhiên, trong những ngày gần đây, hoạt động này dường như đã ngừng lại. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sau đó đã lên tiếng cảnh báo, người Kurds nên tuân thủ các cam kết và không dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ. Tháng trước, Moscow tuyên bố toàn bộ lực lượng người Kurds đã rời đi.

Nga và Thổ e ngại, với sự thay đổi của chính sách Mỹ và việc một lần nữa lực lượng người Kurds được đưa vào cuộc chiến chống lại IS, thỏa thuận rút quân của người Kurds có thể sẽ bị sụp đổ. Điều này nhiều khả năng sẽ khiến Ankara nối lại chiến dịch quân sự với mục tiêu ban đầu là buộc người Kurds phải cách xa biên giới giữa Thổ và Syria.

Thỏa thuận với người Kurds cũng đã đưa binh lính Nga tới một số địa điểm mà quân đội Mỹ từng hoạt động. Người Nga đã bắt đầu tiến hành tuần tra chung với người Thổ nhằm đảm bảo an ninh cho khu vực mà Ankara có kế hoạch đưa khoảng 2 triệu người tị nạn Syria quay trở về từ Thổ. Giờ đây, số mệnh của khu vực an ninh đang trở nên mơ hồ cũng như các điều kiện cho phép người tị nạn được di chuyển.

Mặc dù vậy, tương lai của người tị nạn chỉ là mối quan ngại đứng thứ hai khi so với khả năng về một cuộc đối đầu giữa các lực lượng Thổ và Mỹ, nếu Ankara quyết định khôi phục chiến dịch tấn công của mình. Trong khi đó, Nga lo lắng Thổ có thể cáo buộc Moscow không tuân thủ thỏa thuận khi không chịu di tản các binh lính người Kurds. Ankara cũng có thể tận dụng sự do dự của Nga để mở rộng can thiệp sâu vào Syria. Nếu vậy, kế hoạch chuyển giao khu vực cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể sẽ bị phá hủy.

Trại tị nạn Bab al-Salam ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: AFP)

Trại tị nạn Bab al-Salam ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: AFP)

Các quan ngại về một hiến pháp

Cùng lúc, có vẻ như kế hoạch dùng ngoại giao để chấm dứt chiến tranh của Nga vẫn chưa có được thêm bất kỳ tiến triển nào. Trong cuộc họp báo mới diễn ra tại Geneva có sự tham gia của cả đại diện chính quyền Assad và phe đối lập, hai bên đã cùng nhất trí về một chương trình nghị sự cho các cuộc gặp tiếp theo.

Có vẻ như những phấn khích xung quanh thỏa thuận thành lập một ủy ban hiến pháp gồm 150 người, đã phai nhạt. Sự bất đồng không chỉ tồn tại giữa phe đối lập và chính quyền – những người được ông Assad gọi là "các đại diện ủng hộ cho lập trường của chính phủ", chứ không phải là đại diện chính thức của chính phủ. Trong khi ông Assad làm vậy để mình không trực tiếp bị đổ lỗi nếu các cuộc đàm phán bị thất bại, thì mâu thuẫn cũng xuất hiện ngay trong nội bộ phe đối lập.

Hầu như không có đại diện của người Kurds Syria trong ủy ban Hiến pháp mặc dù người Kurds chiếm khoảng 20% dân số Syria. Người Kurds cũng không tham dự các hội nghị ngoại giao tại Astana, Kazakhstan trước khi ủy ban Hiến pháp được thành lập. Những người được coi là đại diện cho lực lượng người Kurds lại đến từ Hội đồng người Kurds Quốc gia. Tổ chức này là một phần trong liên minh chống chính phủ Syria, tuy nhiên nó lại được kiểm soát bởi chính quyền người Kurds tại Iraq – vốn đang được Thổ bảo trợ. Đáng chú ý, Ankara cực lực phản đối sự tham gia của cộng đồng người Kurds Syria vào tiến trình hòa bình.

Từ đây có thể nhận thấy tầm quan trọng từ sự hiện diện của Mỹ tại Syria và quyết định tiếp tục hợp tác quân sự với các tay súng người Kurds. Vị thế là một lực lượng cho cuộc chiến chống lại IS với sự ủng hộ của Mỹ, có thể giúp người Kurds có thêm tiếng nói trên mặt trận ngoại giao. Cùng lúc, nó cũng khiến Nga và Thổ hiểu rõ rằng, không có người Kurds, tiến trình ngoại giao sẽ không thể thành công.

Điều thú vị là, trong tất cả các động thái quân sự ở miền bắc Syria và ngoại giao tại Geneva, Iran đều đứng ngoài. Theo các báo cáo từ Syria, Iran giờ đây đang tìm cách mở rộng hiện diện tại khu vực biên giới giữa Syria và Iraq bằng cách nhanh chóng hoàn thiện một căn cứ quân sự lớn tại Albukamal.

Tehran cũng nỗ lực khẳng định bản thân về mặt kinh tế tại Syria. Giờ đây, sau khi bị đẩy khỏi thị trường điện thoại cầm tay mà Tổng thống Assad từng hứa hẹn, Iran đang nhắm tới quyền phát triển mạng lưới điện của Syria. Cộng hòa Hồi giáo đã ký kết một thỏa thuận xây dựng nhà máy điện ở Latakia trị giá lên tới 400 triệu euro, đồng thời nhận được gói thầu xây dựng một mạng lưới điện tại khu vực Homs và một số thành phố khác.

Mặc dù vậy, Tehran vẫn còn tụt lại phía sau rất nhiều nếu so với Moscow. Nga hiện đang nắm trong tay các hạng mục đầu tư vô cùng đa dạng, đáng kể nhất là quyền phát triển các mỏ dầu của Syria. Tuy nhiên, phần lớn trong số này lại đang nằm dưới quyền kiểm soát của người Kurds và quân đội Mỹ.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/bat-ngo-tai-nong-am-voi-nguoi-kurds-syria-my-khien-nga-tho-nhi-ky-giat-minh-thon-thot-20191201012440898.htm