'Bất ngờ tháng 10' có làm xoay chuyển cục diện bầu cử Mỹ?

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 sẽ diễn ra, do đó thuật ngữ 'bất ngờ tháng 10' một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý, bởi tất cả những sự kiện diễn ra trong tháng này có thể thay đổi cục diện cuộc bầu cử.

 Ứng cử viên của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Gettty Images

Ứng cử viên của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Gettty Images

“Bất ngờ tháng 10” là gì?

“Bất ngờ tháng 10” (October surprise) là một thuật ngữ chính trị phổ biến trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kể từ năm 1980. Đó là một sự kiện xảy một cách cố ý hoặc ngẫu nhiên vào tháng trước cuộc bầu cử, có thể làm thay đổi lộ trình và kết quả cuộc đua.

Theo tờ France24, ông Oscar Winberg - chuyên gia về chính trị Mỹ tại Viện Nghiên cứu cao cấp Turku cho biết, có ba dạng sự kiện “bất ngờ tháng 10”, gồm một diễn biến ngoại giao chấn động của Mỹ trên trường quốc tế; một vụ bê bối chính trị trong quá khứ bị khui ra; một sự kiện trong nước gây ảnh hưởng to lớn như một thảm họa thiên nhiên, một đại dịch hoặc việc mở một cuộc điều tra hình sự.

Những sự kiện nào có thể xảy ra?

Tờ The Hill đã đưa ra 5 bất ngờ có thể xảy ra trong tháng 10 của cuộc bầu cử năm nay.

Thứ nhất là sự rò rỉ của những video hoặc bản ghi âm, khi hai cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây nhất đều được đánh dấu bằng sự xuất hiện của các đoạn video hoặc bản ghi âm trên các bản tin. Theo đó, vào năm 2016, đoạn video có những hành động khiếm nhã đối với phụ nữ của ông Donald Trump (ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa khi đó) bị rò rỉ, đã gây chấn động chính trường Mỹ lúc bấy giờ. Và vào năm 2020, chiếc laptop của ông Hunter Biden - con trai ông Joe Biden (ứng viên tổng thống đảng Dân chủ khi đó) bị khui ra đã trở thành nội dung công kích của đảng Cộng hòa.

Đối với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, rủi ro về bản ghi âm hoặc video bị rò rỉ có thể sẽ xoay quanh các lập trường chính sách trước đây của bà. Trong khi đó, ông Donald Trump có nguy cơ cao bị tung ra các video hoặc bản ghi âm về những phát biểu kín với các nhà tài trợ như cắt giảm thuế cho người giàu, có thể gây ra làn sóng phản đối hoặc cung cấp thông tin cho chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris.

Thứ hai là xảy ra một trận thiên tai có ảnh hưởng lớn tới người dân Mỹ; nước Mỹ đã chứng kiến sự tàn phá của hai siêu bão Helene và Milton trong những ngày qua. Đây là một ví dụ điển hình về cách một sự kiện thời tiết quan trọng có thể đảo lộn chiến dịch tranh cử và tác động đáng kể đến cán cân quyền lực trước cuộc bầu cử. Cơn bão không chỉ gây ra thiệt hại to lớn về người và của, mà còn thay đổi lịch trình vận động tranh cử của các ứng viên tổng thống cũng như cản trở việc bỏ phiếu sớm.

Cơn bão đã khiến cả bà Kamala Harris và ông Donald Trump phải điều chỉnh rất nhiều chiến thuật vận động để tận dụng và thích nghi một cách hiệu quả nhất có thể. Theo đó, ông Donald Trump đã tận dụng các thảm họa thiên nhiên để chỉ trích chính quyền đương nhiệm, cáo buộc bà Kamala Harris và chính quyền Mỹ không thể đối phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp. Về phía bà Kamala Harris, bão Milton là một phép thử lớn về khả năng lãnh đạo và đối mặt với khủng hoảng; đồng thời cũng chính là cơ hội để bà chứng minh khả năng kiểm soát tình hình và thể hiện sự đồng cảm đối với các nạn nhân. Tuy nhiên, bất kỳ sự chậm trễ hoặc thất bại nào trong công tác cứu trợ liên bang đều có thể ảnh hưởng đến Phó Tổng thống Mỹ trước thềm bầu cử.

Thứ ba là bạo lực chính trị gia tăng; một trong những bất ngờ nghiêm trọng nhất có thể xảy ra vào tháng 10 sẽ là bạo lực nhắm vào các ứng cử viên, nhân viên bầu cử hoặc các quan chức khác. Thứ tư là một cuộc tranh luận có thể xảy ra giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump. Nếu cuộc tranh luận thứ hai giữa hai ứng cử viên xảy ra, có lẽ sẽ trở thành một trong những sự kiện làm thay đổi cuộc đua vào Nhà Trắng. Các nguồn tin cho biết, bà Kamala Harris đã nhiều lần thúc đẩy một cuộc tranh luận khác với ông Donald Trump vào tháng 10, cũng như đã chấp nhận lời mời tham dự cuộc tranh luận do đài CNN tổ chức vào ngày 23.10. Tuy nhiên, cho đến nay ông Donald Trump vẫn từ chối tham gia tranh luận lần thứ hai và cho rằng, giờ đã quá muộn cho một cuộc tranh luận vì cuộc bỏ phiếu sớm đã bắt đầu. Tuy nhiên, một số cố vấn của ông Donald Trump đã khuyên ông nên cân nhắc đề xuất của bà Kamala Harris để thúc đẩy sự ủng hộ của cử tri.

Bất ngờ cuối cùng có thể sẽ là nguy cơ chiến tranh bùng nổ ở nước ngoài. Có những lo ngại đáng kể về căng thẳng ở Trung Đông, nơi Israel đang đối đầu với các lực lượng ủy nhiệm của Iran, gồm Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen, và nguy cơ chiến tranh toàn diện giữa Iran và Israel. Hiện chưa thể khẳng định được cuộc chiến đang lan rộng ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cuộc bầu cử ở Mỹ, nhưng một sự chia rẽ âm ỉ trong đảng Dân chủ có thể sẽ trở thành vấn đề đối với đảng này, đặc biệt là ở tiểu bang chiến trường quan trọng Michigan.

Còn đủ sức mạnh để thay đổi cục diện?

Chuyên gia Winberg cho biết, mặc dù sự kiện “bất ngờ tháng 10” có thể đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, đặc biệt do sự can thiệp bầu cử của nước ngoài và nhiều chiến dịch thông tin sai lệch khác nhau, song những bất ngờ này dường như không còn đủ sức mạnh để thay đổi hoàn toàn cục diện bầu cử Mỹ. Trên thực tế, tác động thực sự của “bất ngờ tháng 10” trong lịch sử bầu cử Mỹ là không đồng nhất. Chẳng hạn như vụ lùm xùm email của bà Hillary Clinton vào năm 2016 được coi là có ảnh hưởng đáng kể, thì việc tiết lộ về vụ bắt giữ George W. Bush vì lái xe trong tình trạng say rượu năm 2000 lại tạo ra ít tác động hơn.

Thêm vào đó, hiện nay còn nhiều cử tri vẫn còn lung lay chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho bên nào ít hơn, để các ứng viên tranh thủ tác động, vì hầu hết cử tri hiện vẫn trung thành với đảng mà họ luôn bỏ phiếu. Chuyên gia Winberg nhận định rằng: “Trong hệ thống hai đảng phân cực hiện đang tồn tại ở Mỹ ngày nay, mỗi bên đều có sự ủng hộ từ 45 - 47%, vì vậy các ứng viên không có nhiều cử tri chưa quyết định để thuyết phục sự ủng hộ của họ, nhưng điều đó cũng có nghĩa là những thay đổi nhỏ có thể tạo nên sự khác biệt lớn”.

Một nguyên nhân nữa được chuyên gia đưa ra, là ngày càng có nhiều người Mỹ có xu hướng bỏ phiếu sớm qua đường bưu điện, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, do đó những diễn biến tin tức vào phút chót vốn có thể được coi là những yếu tố thay đổi cuộc chơi trước đây không còn quan trọng như trước nữa.

Giai đoạn nước rút

Hiện cả hai ứng cử viên đều đang cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt tại 7 bang "giao động" có khả năng quyết định kết quả của cuộc bầu cử.

Theo đó, bà Kamala Harris đã có mặt tại bang North Carolina - nơi chịu thiệt hại nặng nề do siêu bão Helene càn quét cách đây hai tuần, nhằm tìm cách phản bác lại các chỉ trích của ông Donald Trump về cách thức hỗ trợ các nạn nhân của bão mà chính phủ liên bang đang triển khai; bà Kamala Harris cũng chỉ trích hành vi phát tán thông tin sai lệch về nỗ lực của chính phủ liên bang trong việc giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng do bão. Trong khi đó, ông Donald Trump tổ chức buổi vận động ở bang Arizona vào hôm 13.10. Hãng Fox News cho biết, ông Donald Trump đã đưa ra ý tưởng điều động quân đội để ngăn những kẻ cực đoan gây rối trong dịp bầu cử; đồng thời đề xuất huy động lực lượng Vệ binh quốc gia trong trường hợp thực sự cần thiết. Trước đó trong ngày 14.10, hai ứng cử viên cũng đã tổ chức các sự kiện vận động tranh cử tại bang có ý nghĩa rất quan trọng là Pennsylvania.

Các chuyên gia nhận định, ba tuần sắp tới sẽ là khoảng thời gian đáng chú ý để theo dõi cuộc đua đầy kịch tính và rất khó dự đoán. Khả năng ứng phó với các vấn đề nội địa cấp bách và các thách thức quốc tế mới nổi lên sẽ là yếu tố quyết định trong việc thu hút sự ủng hộ của cử tri trong những tuần cuối cùng của chiến dịch. Cả bà Kamala Harris và ông Donald Trump đều cần phải thể hiện rõ ràng tầm nhìn và kế hoạch cụ thể của mình để giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc đua này.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bat-ngo-thang-10-co-lam-xoay-chuyen-cuc-dien-bau-cu-my-post393372.html