Bất ngờ từ đơn khởi kiện giành quyền nuôi con của chồng cũ
Ngày 2/10, TAND quận Tân Bình (TPHCM) sẽ đưa ra xét xử vụ án dân sự 'Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn' giữa người mẹ 34 tuổi và người bố 45 tuổi. Vụ án có nhiều tình tiết phát sinh trong quá trình tố tụng.
Chị L.T.D. (SN 1986) có hộ khẩu thường trú phường Tân Hưng Thuận, quận 12 (TPHCM) trình bày: ngày 1/8/2018, chị và chồng cũ N.V.H. ly hôn với nhau theo quyết định thuận tình ly hôn số 907/2018/QĐHNGĐ_ST.
Theo quyết định này, TAND quận 12 giao cho chị D. quyền trực tiếp nuôi dưỡng 2 người con (SN 2009 và SN 2012). Anh H. có nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng cho 2 con. Sau khi bản án ly hôn có hiệu lực, chị D. đã đưa 2 con về một chung cư tại quận Tân Bình để nuôi dưỡng.
Ngày 17/12/2019, chị D. nhận được "Giấy triệu tập đương sự" của TAND quận Tân Bình. Chị đã đến trình diện và TAND quận Tân Bình cho chị D. xem nội dung đơn khởi kiện của anh H. cùng 2 lá thư tay của các con xin về ở với bố.
Ngày 8/1/2020, chị D. làm đơn khiếu nại đề nghị thay đổi thẩm phán phụ trách giải quyết vụ việc nhưng sau đó, TAND quận Tân Bình và TAND TPHCM đều không chấp nhận khiếu nại.
Ngày 7/9/2020, chị D. tiếp tục có đơn khiếu nại để nghị thay đổi Tòa án thụ lý xét xử và thay đổi thẩm phán. Chị D. cho rằng, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp thay đổi quyền nuôi con của chị D. phải do tòa án nơi cư trú của bị đơn thụ lý.
Chị D. có hộ khẩu thường trú ở quận 12, không đăng ký tạm trú ở Tân Bình nhưng TAND quận Tân Bình thụ lý là không đúng quy định của pháp luật. Chị D. yêu cầu đươc chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc về TAND quận 12 để được xét xử.
Mặc khác, chị D. cho rằng, bà T.T.H.U. - Thẩm phán TAND quận Tân Bình - không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Cụ thể, thẩm phán U. đã chủ động để anh H. tự ý mang các con đến tòa để lấy lời khai nhưng không hỏi ý kiến của người đang giám hộ.
Thẩm phán U. cũng không triệu tập luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị D. khi tiến hành hòa giải, công khai chứng cứ. Chỉ khi có khiếu nại của chị D. dẫn đến việc Chánh án phải chỉ đạo làm rõ sự việc thì thẩm phán mới triệu tập luật sư đến để làm việc.
Chị D. còn khiếu nại nguyên đơn cung cấp chứng cứ giả cho thẩm phán để làm bất lợi cho phía bị đơn. Trong quá trình tố tụng, chị D. có yêu cầu thẩm phán xác minh thu nhập là tiền lương của anh H. nhưng không được chấp nhận với lý do: "Không có nghĩa vụ xác minh khi đương sự chưa tự xác minh".
Tuy phía nguyên đơn chưa tự xác minh về thu nhập của bị đơn nhưng đã được thẩm phán tiến hành xác minh thông tin của chị D. tại các cơ quan: Thuế, Bảo hiểm, Ngân hàng…
"Vụ việc vẫn chưa xét xử nên TAND quận Tân Bình không có ý kiến"
Ngày 15/9, PV Báo PNVN đã chuyển đơn của chị D. và phiếu ghi câu hỏi đến TAND quận Tân Bình để làm rõ một số vấn đề. Phóng viên đặt câu hỏi, về thẩm quyền xét xử của Tòa án theo lãnh thổ, bị đơn L.T.D. có hộ khẩu thường trú tại quận 12 và không có đăng ký tạm trú (KT3) tại địa bàn quận Tân Bình thì thẩm quyền thụ lý đơn của TAND quận Tân Bình có đúng với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự không? Căn cứ theo Điều, Khoản nào?
Căn cứ vào việc thụ lý đơn của nguyên đơn, người con đã 7 tuổi và có mong muốn về ở với cha; tuy nhiên, đó là lời khai ban đầu của cháu và sau này cháu bé đã phủ nhận lời khai. Ý kiến của TAND quận Tân Bình về vấn đề này như thế nào?
Sau khi xem xét câu hỏi đề nghị cung cấp thông tin, bà Bùi Thụy Hồng Châu - Phó Chánh án TAND quận Tân Bình - đã phản hồi đến Báo PNVN. Bà Châu cho biết, khiếu nại về thẩm quyền xét xử vụ án của bà D. đã được TAND quận Tân Bình trả lời bằng quyết định giải quyết khiếu nại số 41/2020/QĐ-GQKN ngày 9/9/2020.
Theo quyết định này, TAND quận Tân Bình nhận định, các lần triệu tập, biên bản ghi lời khai, biên bản tống đạt, biên bản hòa giải… thì chị D. đều có mặt và khai như trên. Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ như đã liệt kê thì tại thời điểm tòa án thụ lý vụ kiện, nơi cư trú của chị D. là tại căn hộ chung cư Airpot (số 1 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình).
Do đó, TAND quận Tân Bình thụ lý và giải quyết là đúng thẩm quyền theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ Luật tố tụng dân sự. Đối với câu hỏi con của chị D. phủ nhận lời khai về việc muốn ở với cha, TAND quận Tân Bình cho biết, căn cứ các Điều 108, Điều 264 và Điều 266 Bộ Luật tố tụng dân sự thì việc giải quyết vụ án thuộc trách nhiệm của thẩm phán và HĐXX. Do vụ án nêu trên chưa được đưa ra xét xử nên TAND quận Tân Bình không có ý kiến.