Mẫu vật chất kỳ lạ được đem về từ Ryugu - thiên thể được kỳ vọng sẽ lý giải nguồn gốc của Trái Đất và sự sống. Nó chỉ phản xạ 2% ánh sáng được chiếu vào nên hầu như tối hơn bất kỳ vật chất nào trên Trái Đất.
Sau khi phân tích mẫu " vật chất đen hắc ám" này, các nhà khoa học cho biết nó có độ xốp cao, tận 46%, lớn hơn bất kỳ thiên thạch nào từng được nghiên cứu.
Theo tiến sĩ Cédric Pilorget từ Viện Vật lý thiên văn Spatiale (Đại học Paris - Saclay, Pháp), đồng tác giả nghiên cứu cho biết, sau khi sử dụng kính hiển vi đặc biệt, họ đã xác định được thành phần của vật chất này.
Kính hiển vi đặc biệt này có thể thu được hình ảnh ở các bước sóng ánh sáng khác nhau trong quang phổ nhìn thấy được và quang phổ hồng ngoại.
Thứ chủ yếu cấu tạo nên mẫu vật kỳ lạ này là một chất nền ngậm nước, giống đất sét với rất nhiều dạng chất hữu cơ được "nhúng" vào. Một số bộ phận riêng lẻ bám trên mẫu vật lại bằng thứ vật chất khác như cacbonat hay vật chất dễ bay hơi.
Điều này cho thấy, Ryugu là một thiên thể phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩa trước đây với cấu tạo vi mô không đồng nhất. Chủ yếu nó vẫn là một thiên thạch chrondrite carbon, nhưng tối hơn, xốp hơn, dễ vỡ hơn.
Việc xác định được thành phần của Ryugu có thể phản ánh những vật chất cơ bản đã tạo nên các hành tinh, cũng như chất hữu cơ trong đó có thể chính là các hạt mầm đầu tiên cho sự sống Trái Đất.
Vì Ryugu là một tiểu hành tinh cổ đại, có từ buổi sơ khai của hệ Mặt Trời. Ryugu lấy tên từ Cung Điện Rồng, một thủy cung trong truyện dân gian Nhật Bản.
Ryugu là một tiểu hành tinh gần Trái Đất loại C, được phát hiện tháng 5-1999. Ryugu có đường kính khoảng 900 mét và quay quanh Mặt Trời với quỹ đạo elip 474 ngày, cách Mặt Trời từ 0,96 đến 141 đơn vị thiên văn (1 đơn vị thiên văn bằng khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái Đất).
Sau 6 năm du hành trong vũ trụ, khoang chứa mẫu vật của Hayabusa2 đáp xuống sa mạc Australia, mang theo các mẫu vật bao gồm bụi và các hợp chất nguyên sinh bên dưới lớp bề mặt của thiên thạch Ryugu.
Được biết, tàu Hayabusa2 đã thực hiện hai cú hạ cánh lên bề mặt Ryugu để lấy mẫu vật. Trong lần hạ cánh đầu tiên vào tháng 2/2019, Hayabusa2 đã thu thập một số mẫu vật trên bề mặt của Ryugu.
Tiếp đó, vào tháng 4/2019, con tàu thăm dò này đã…bắn phá bề mặt của Ryugu bằng một quả cầu nặng 2,5kg, tạo ra một miệng hố rộng 10 m trên bề mặt tiểu hành tinh này.
Mời các bạn xem video: Phi hành gia NASA làm rơi gương ngoài vũ trụ. Nguồn: VTV
Thùy Dung (T.H)