Bất ngờ về bộ phim có Thương Tín
Trong 'Culi không bao giờ khóc' - tác phẩm thắng giải phim đầu tay xuất sắc tại LHP Berlin, diễn viên Thương Tín và NSND Minh Châu có dịp làm việc cùng nhau sau 20 năm.
Genre: Chính Kịch
Director: Phạm Ngọc Lân
Cast: NSND Minh Châu, Thương Tín, Hoàng Hà...
Rating: 7/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Trong những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam, ở cả hai mảng phim thị trường và phim nghệ thuật, đều cho thấy những bước tiến tương đối ấn tượng. Song song với những kỷ lục phòng vé liên tục được xác lập, ở dòng phim nghệ thuật - một địa hạt lặng lẽ hơn, dài hơi hơn và ít nhận được sự chú ý hơn, những cột mốc mới cũng liên tục được thiết lập, đặc biệt là trên trường quốc tế.
2 năm, lần lượt 3 nhà làm phim Việt Nam được xướng tên tại 3 LHP danh giá nhất thế giới.
Phạm Ngọc Lân là một trong 3 cái tên đó. Tác phẩm của anh - Culi không bao giờ khóc, thắng giải phim đầu tay xuất sắc tại LHP Berlin 2024. Và sau khi đã chu du khắp thế giới, nhận về thêm ít nhiều giải thưởng quan trọng, đứa con tinh thần của nam đạo diễn cuối cùng cũng ra mắt khán giả quê nhà.
Nỗi buồn lãng đãng trong mọi khuôn hình
Culi không bao giờ khóc khắc họa những bế tắc trong đời sống của bà Nguyện (NSND Minh Châu) sau khi hồi hương. Trở về từ lễ tang chồng ở Đức, bà mang theo một con Culi - thứ sinh vật được phỏng đoán sẽ không thể sống quá lâu tại chốn thị thành Việt Nam.
Sự vô định của bà Nguyện dường như được tăng lên gấp bội khi bà biết Vân (Hà Phương) - đứa cháu gái mà bà nuôi nấng từ nhỏ, đã có thai và phải lập gia đình khi còn quá trẻ.
Cuộc hôn nhân không viên mãn với chồng cũ và sự vô định của tuổi già khiến bà Nguyện như nhìn thấy trước tương lai khó khăn của cô cháu gái.
Cũng từ đó, những mảng đối lập trong phim bắt đầu được bày biện một cách chậm rãi. Đó là giữa một người đã ở bên kia hành trình cuộc đời với những đứa trẻ chập chững bước vào hành trình đó; giữa hiện tại và quá khứ; giữa xã hội đương thời và những dấu ấn lịch sử; giữa các công trình cố cựu và những ngôi nhà bừa bộn trong con hẻm nhỏ; và cả những đối lập về số phận nghiệt ngã của con Culi.
Con Culi, thứ sinh vật vốn sống trong rừng sâu Quảng Bình, nhưng bằng cách nào đó đã bị mang sang châu Âu. Để rồi khi trở về, nó lạc lõng tại chính nơi đáng ra là quê hương của mình. Gần như trong toàn bộ phim, Culi luôn trơ đôi mắt nhìn ngắm thế giới xung quanh, rõ ràng nó cảm nhận được mình không thuộc về nơi này. Và sự ngơ ngác, lạc lõng của sinh vật nhỏ bé đó, dường như, cũng khắc nhập vào chính người chủ của nó.
Bà Nguyện, một người phụ nữ đã đi qua hết những thăng trầm của cuộc sống, nhưng rồi ngần ấy sự từng trải cũng không thể đem lại cho bà cảm giác bình yên. Hiện tại của bà đã trở thành quá khứ, còn quá khứ thì vẫn luôn mời gọi như một chốn nương náu lý tưởng. Đời sống tinh thần của bà dường như bị kẹt lại ở những mảng đối lập trong phim, không thể bước tới, càng không được đi lùi.
Hầu như cả phim, bà Nguyện luôn có những chuyến xê dịch, những cựa quậy để không phải ở yên một chỗ. Bà không muốn phải trơ mình hứng chịu cái đau đáu không rõ nguồn cơn.
“Tôi nghĩ rằng ngay cả khi trở về quá khứ thì quá khứ đó cũng chẳng còn là của chúng ta nữa”, bà nói.
Rõ ràng, bà Nguyện hoàn toàn hiểu những điều tươi đẹp ngày xưa sẽ không thể nào trở lại. Bà không đang đi tìm quá khứ. Thế rốt cuộc, bà tìm kiếm điều gì? Có lẽ chính bà cũng không biết.
Nhưng rồi đạo diễn Phạm Ngọc Lân cũng cho khán giả câu trả lời: đó là một "chốn thiên thai". Một nơi để thoát ly, một viễn cảnh đẹp đẽ nơi bà Nguyện được thuộc về.
Khi bàn đến việc chăm sóc con Culi, người bán hàng nói với bà Nguyện rằng cần phải vẽ những bức tranh rừng núi trong nhà, để sinh vật kia có cảm giác quen thuộc như ở nơi dành cho mình. Chi tiết này kết nối với cảnh bà Nguyện khiêu vũ bên cạnh chàng trai trẻ ở sàn nhảy. Khi đó, ánh sáng trong màu phim đen trắng khiến cậu trai trẻ bừng sáng, như một thiên sứ trong tâm tưởng của bà Nguyện. Có lẽ, đó chính là một khoảnh khắc ở "chốn thiên thai" hiếm hoi của người phụ nữ ấy.
Nhưng ở hậu cảnh, những bức tranh vẽ rừng cây trong sàn nhảy gợi nhắc khán giả nhớ về cảm giác được thuộc về không có thật của con Culi.
Và "chốn thiên thai" của bà Nguyện, dường như cũng chẳng tồn tại trên đời bao giờ.
Một bộ phim nghệ thuật dễ xem
Culi không bao giờ khóc khoác lớp áo là một bộ phim arthouse (phim nghệ thuật), cùng với đó là màu phim đen trắng vốn kén người xem tại Việt Nam. Song, về mặt cách thức thể hiện, đứa con tinh thần của Phạm Ngọc Lân thực chất tương đối dễ xem nếu so với những phim nghệ thuật từng ra mắt khán giả Việt trước đây.
Sự dễ theo dõi đến từ việc phim có một câu chuyện rõ ràng, nhiều sự hài hước trong cách kể, cùng với đó là lối diễn đạt sử dụng nhiều thoại. Bên cạnh đó, tác phẩm dù vẫn có nhiều cú máy dài (long take) thường thấy trong các phim nghệ thuật, song đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã biết cách cân đối thời lượng các cảnh quay, để nó không trở thành rào cản quá lớn với khán giả đại chúng.
Chưa kể, quay phim có lẽ là một trong những điểm đáng khen nhất của Culi không bao giờ khóc. Tác phẩm sở hữu nhiều cú máy có chất lượng cao, khi vừa có thể tạo nên vẻ thơ mộng, lãng đãng cho không khí phim, vừa đóng góp lớn vào cách kể chuyện.
Đáng chú ý nhất là những cú máy mô phỏng góc nhìn chênh vênh của bà Nguyện ở hồi mở đầu. Một mặt, nó thể hiện được sự lạc lõng của người phụ nữ ấy, mặt khác còn giới thiệu bối cảnh miền Bắc của phim một cách đầy tính thẩm mỹ.
Bàn về diễn xuất, phần lớn những màn trình diễn trong phim đều để lại dấu ấn nhất định. Những diễn viên trẻ như Hà Phương (vai Vân, cháu bà Nguyện), Xuân An (vai Quang, chồng Vân), hay Hoàng Hà (cậu trai phục vụ ở sàn nhảy) đều ở mức tròn vai. Cách họ thể hiện vai diễn tương đối tự nhiên, không quá kịch, nhưng cũng chưa đủ sức tạo ấn tượng mạnh.
Dấu ấn lớn nhất ở mảng diễn xuất thuộc về NSND Minh Châu. Với việc là một trong những diễn viên biểu tượng của điện ảnh Việt Nam thế kỷ XX, nữ NSND với đôi mắt chất chứa nỗi cô đơn đã có màn trình diễn đầy sức nặng. Trong khi đó, diễn viên Thương Tín trong vai một người đàn ông đang ở những ngày cuối cùng của cuộc đời, cũng mang đến một khoảnh khắc xúc động.
Tuy nhiên, dễ nhận ra cách kể chuyện của Culi không bao giờ khóc tương đối giống cách kể của những bộ phim ngắn, điển hình là việc lướt qua phần giới thiệu nhân vật rất nhanh, gây cảm giác khó kết nối thời điểm ban đầu. Điều này đôi khi sẽ là rào cản đối với một số khán giả mưu cầu một câu chuyện giàu tính tự sự, với các sắp đặt rõ ràng.
Culi không bao giờ khóc ra rạp trong một thời điểm không mấy thuận lợi khi phải cạnh tranh với 5, 6 bộ phim có chất lượng tốt khác. Thực tế, tác phẩm đang gặp khó trên đường đua phòng vé, với số lượng vé bán ra nhỏ giọt và suất chiếu ít ỏi.
Nhưng như đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh từng chia sẻ với Tri Thức - Znews, vì Việt Nam vẫn chưa có các rạp chiếu dành cho phim nghệ thuật, nên những tác phẩm như Culi không bao giờ khóc sẽ luôn gặp khó trong việc thu hút người xem. Lý tưởng nhất là bộ phim vẫn được trụ rạp mà không cần quá nhiều suất chiếu, để có thêm lựa chọn thưởng thức điện ảnh cho khán giả Việt.
Nguồn Znews: https://znews.vn/bat-ngo-ve-bo-phim-co-thuong-tin-post1512579.html