Thanh long là một loại cây thuộc họ xương rồng, được trồng chủ yếu để lấy quả. Trong tiếng Hán, Thanh Long nghĩa là rồng xanh - một trong Tứ tượng của thiên văn học Trung Quốc, và cũng là một khái niệm rộng trong phong thủy, thuyết âm dương, triết học phương Đông (Tứ tượng bao gồm Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ)
Ngoài việc có tên gọi đặc biệt, thanh long còn là loại quả đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe khi chứa nhiều chất oxy hóa có lợi, vitamin, khoáng chất quan trọng cho cơ thể con người
Cụ thể, chất chống oxy hóa trong thanh long có ích trong ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm trên cơ thể như bệnh gút và các dạng viêm khớp khác
Thanh long còn có tác dụng trong việc kiểm soát đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường. Đó là nhờ các chất dinh dưỡng trong loại quả này thúc đẩy sự phát triển của các tế bào tuyến tụy sản xuất insulin
Thanh long có tác dụng như prebiotic (chất xơ hòa tan, không bị tiêu hóa ở ruột non), giúp tăng cường và nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong đường ruột
Ngoài ra, hạt thanh long mang lại giá trị dinh dưỡng đáng kể nhờ chứa nhiều axit béo như các loại dầu tự nhiên, bao gồm omega-3 và omega-9. Bên cạnh đó, phần vỏ của thanh long cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm tuy nhiên nó lại có vị đắng
Dưa chuột (hay còn gọi là dưa leo) là một cây trồng phổ biến trển thế giới. Dưa chuột được biết đến là một thực phẩm bổ dưỡng do chứa nhiều nước, chất xơ, vitamin và nhiều chất khác có lợi cho sức khỏe
Dưa chuột tươi hoặc nước ép dưa chuột có tác dụng kích thích các cơ quan thanh lọc của cơ thể và giúp cho quá trình đào thải chất độc nhanh hơn
Ăn dưa chuột có thể cung cấp thêm silicium, có tác dụng tốt đối với khớp, tăng cường mô liên kết. Ngoài ra còn giảm nguy cơ mắc gút và viêm khớp
Dưa chuột còn là thực phẩm hỗ trợ giảm cân hiệu quả do trong chúng chứa rất nhiều nước, chỉ số calo thấp. Ngoài ra, vitamin E có trong dưa chuột, ngoài khả năng trung hòa độ pH tự nhiên của da, còn là phương thuốc tốt giúp chóng liền sẹo
Dưa chuột còn giúp dự phòng những căn bệnh ung thư quái ác như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung và ung thư tuyến tiền liệt
Lưu ý, dù dưa chuột là thực phẩm dinh dưỡng, nhưng nếu sử dụng và ăn không đúng cách, dưa chuột có thể phản tác dụng mà gây nên ngộ độc và nguy hiểm cho sức khỏe
Cây hoa mào gà đỏ (hay bông mồng gà) có tên gọi đặc biệt là do màu sắc và hình dạng hoa giống như mào của con gà. Trong Đông y, cây hoa mào gà được biết đến như một vị thuốc có thể chữa được nhiều bệnh nguy hiểm
Cụ thể, cây hoa mào gà có vị ngọt, tính mát, thường dùng làm thuốc cầm máu, chữa sốt, trị lỵ, xích bạch đới, viêm đường tiết niệu, lỵ ra máu, trĩ ra máu, thổ huyết, băng huyết, tiểu tiện ra máu, rong kinh, dị ứng...
Một số bài thuốc từ hoa mào gà có thể kể đến như sau: Để chữa chảy máu cam, ho ra máu, nôn ra máu thì dùng hoa mào gà đỏ, lá nhọ nhồi mỗi thứ 15g, sắc uống
Chữa trĩ ra máu, xuất huyết dạ con: Hoa mào gà phơi khô, tán bột, mỗi lần uống 5g với nước trà. Chữa mụn nhọt mưng mủ: Hoa mào gà đỏ khô 10-15g, sắc uống
Viêm nhiễm âm đạo: Cụm hoa cả hạt 60g, xà sàng tử 15g. Tất cả đem sắc nước để rửa từ một đến hai lần mỗi ngày. Nước sắc hoa mào gà có tác dụng kháng trùng roi âm đạo. Lưu ý: Không dùng cho phụ nữ có thai
Cây đơn châu chấu (hay còn gọi là cây đinh lăng gai) tên khoa học là Aralia armata (Wall), Seem, thuộc họ Nhân sâm - Araliaceae. Theo Đông y, đơn châu chấu có vị cay, hơi đắng, tính ấm. Hầu như bộ phân của cây đều có thể điều chế thành thuốc chữa bệnh
Để làm thuốc, người ta thu hái rễ, vỏ rễ, lõi thân, rửa sạch phơi khô. Vỏ rễ, rễ thường dùng chữa các chứng viêm như viêm gan cấp, viêm họng, viêm amygdal, viêm bạch hầu, viêm khớp, viêm thận phù thũng, sưng vú...
Lõi thân cây đơn châu chấu có thể dùng làm thuốc bổ. Lá dùng đắp mụn nhọt. Nhựa của nõn non dùng chấm làm tan chắp lẹo ở mắt. Quả sao khô, tán bột thổi vào mũi chống ngạt mũi. Tuy nhiên, lưu ý các bạn không tự chế cây làm thuốc, cần theo đơn và hướng dẫn của bác sỹ đông y.
Cây trâu cổ còn có tên khác là xộp, vẩy ốc, được trồng làm cảnh hoặc che mát. Ngoài ra, cây trâu cổ cũng là một vị thuốc được sử dụng từ lâu trong dân gian
Theo Đông y, quả trâu cổ có vị ngọt, tính mát, có tác dụng tráng dương, cố tinh, lợi thấp, thông sữa. Thân và rễ vị hơi đắng, tính bình, có tác dụng khu phong, hoạt huyết, giải độc. Lá có vị hơi chua chát, tính mát, có tác dụng tiêu thũng giải độc
Một số bài thuốc từ cây trâu cổ có thể kể đến như sau: Dùng 12g quả trâu cổ, dây sàn sạt 12g, sắc uống để chữa di tinh liệt dương
Chữa thấp khớp mạn tính: Cành lá trâu cổ 20g, rễ cỏ xước 20g, phục linh 20g, rễ tầm xuân 20g, dây rung rúc 12g, thiên niên kiện 10g, rễ gấc 10g, lá lốt 10g, dây đau xương 10g, tang chi 10g. Sắc 2 lần, lấy khoảng 400ml, sau cô lại thật đặc. Hòa với rượu chia uống 3 lần/ngày
Ngoài ra, có thể dùng quả trâu cổ chín thái nhỏ, nấu với nước, lọc bỏ bã, cô thành cao. Ngày uống 5 - 10g. Dùng chữa đau xương, đau người ở người già, làm thuốc bổ, điều kinh, hỗ trợ tiêu hóa
Lưu ý, mặc dù các loại cây như hoa mào gà, đơn châu chấu, trâu cổ... có nhiều công dụng chữa bệnh nhưng các chuyên gia sức khỏe đều khuyến cáo, trước khi sử dụng mọi người nên có tư vấn của các bác sỹ để có liều lượng phù hợp với thể trạng của bản thân
Như Quỳnh (Tổng hợp)