Bất ngờ với hình ảnh cựu Tổng thống Hàn và cuộc sống về hưu không êm đềm
Sau hơn 1 tháng rời vị trí Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in xuất hiện với một hình ảnh hoàn toàn khác lạ.
Không còn vẻ chỉn chu, mực thước với những bộ vest, râu tóc gọn gàng, cựu Tổng thống Hàn Quốc cho thấy một hình ảnh chân chất, xuề xòa.
Ông mặc quần tây màu xám nhạt, áo sơ mi ngắn tay màu nâu và đi đôi giày thể thao đã sờn rách và còn nguyên bùn đất, đứng cạnh phu nhân cũng vô cùng giản dị với chiếc quần jean dáng xuông rộng, xỏ đôi sục hoa màu tím.
Đặc biệt, ông Moon để nguyên bộ râu bạc trắng, khuôn mặt tròn hiền hòa và bụng phệ, được mô tả như hình ảnh của “bao ông chú hàng xóm” ở vùng nông thôn Hàn Quốc.
Những hình ảnh này được truyền thông đăng tải rộng rãi nhân dịp thống đốc tỉnh Gyeonggi – ông Kim Dong-yeon tới thăm nhân dịp mới nhậm chức.
Có thể thấy, sau 5 năm gánh vác trọng trách điều hành một trong những “con rồng của Châu Á”, ông Moon dường như muốn sống thật bình dị để thực sự hòa mình với cuộc sống nơi thôn quê.
Trước đó, trong thông điệp chia tay nhân dịp hết nhiệm kỳ vào ngày 9/5, ông Moon Jae In chia sẻ: "Gánh nặng tổng thống đã trút bỏ. Bây giờ, tôi quay trở lại cuộc sống của một công dân bình thường và cầu nguyện cho hạnh phúc của tất cả mọi người”.
Mong ước là vậy nhưng với một Tổng thống, ước mơ tưởng chừng rất giản dị đó cũng khó có thể thực hiện. Kể từ khi về làng, cựu Tổng thống Hàn Quốc liên tục bị những nhóm biểu tình cực đoan, những Youtuber chính trị đến gần nhà quấy rối, làm náo động cả ngôi làng nhỏ chỉ vỏn vẹn 100 người.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), đã có rất nhiều đoàn biểu tình – mỗi đợt từ 20-50 người – đến cửa nhà ông Moon để trả thù cho cựu Tổng thống đảng bảo thủ Park Geun-hye.
Các cuộc biểu tình ầm ĩ gần nhà ông Moon được tổ chức theo đủ hình thức, quy mô và mang nhiều thông điệp, hầu hết người biểu tình ở độ tuổi 60. Trong số họ, có những người biểu tình chuyên nghiệp thường xuyên thực hiện các cuộc tuần hành chống lại ông Moon kể từ khi bà Park bị phế truất, đi tù và ông Moon lên kế nhiệm. Ngoài ra, còn có một số người đến đây chỉ để kiếm tiền qua việc phát live-stream trực tiếp trên Youtube.
Trong một bài viết chia sẻ trên tờ JoongAng Daily, nhà báo Oh Byung-sang cho biết: “Đối với các Youtuber cực đoan, những cuộc biểu tình này là “kế sinh nhai” của họ… Họ nhận được tiền ủng hộ từ người xem đồng thời kiếm tiền từ quảng cáo. Họ có xu hướng tổ chức các cuộc biểu tình thật gay cấn, tục tĩu vì như thế mới thu hút được nhiều người xem”.
“Hàn Quốc là thiên đường của những Youtuber chính trị như vậy” và những loại video kiểu đỏ càng “đổ thêm dầu vào lửa” trong bầu không khí chính trị vốn đã nhiều cạnh tranh và áp lực” – theo ông Oh.
Họ vác loa công suất lớn để lên nóc xe, cách nhà ông Moon khoảng 80m dội những âm thanh đầy ác ý vào nhà ông từ sáng đến tối, 7 ngày/tuần.
Vì những cuộc biểu tình kiểu này, đã có rất nhiều người cao tuổi trong làng áp lực, mất ngủ đến mức phải nhập viện.
Bản thân cựu Tổng thống Hàn Quốc cũng không thể chịu nổi, trình báo cảnh sát chống lại 3 nhóm biểu tình, cáo buộc những người này bôi nhọ ông, đe dọa sát hại và kích động bạo lực.
Đồng thời, cũng có rất nhiều dân làng “kêu cứu” buộc cảnh sát vào cuộc. Cuối cùng, các cuộc biểu tình này mới lắng dần, chỉ còn lác đác 20 người vẫn tiếp tục.
Tuy nhiên, trước những đề nghị của đảng Dân chủ đối lập yêu cầu can thiệp để ngăn chặn người biểu tình quấy rối, tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho rằng người biểu tình có quyền tự do ngôn luận và tụ họp, thuận theo hiến pháp.
“Người dân được phép biểu tình ngay cả bên ngoài văn phòng Tổng thống. Mọi việc đều phải xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Yoon nói.
Phát ngôn viên Đảng Dân chủ Cho Oh-seop cho biết bình luận của Yoon đã đưa ra tín hiệu sai lệch cho những người biểu tình và khiến cảnh sát khó lòng có thể can thiệp.
Do đó, theo SCMP, khả năng các cuộc biểu tình dù đã giảm bớt nhưng vẫn có thể sẽ rầm rộ trở lại.