Bất ngờ với thỏa thuận cơ sở hạ tầng giữa Trung Quốc và Ukraine

Nhiều nhà quan sát đã bất ngờ khi ngày 4/7, Trung Quốc thông báo đã ký thỏa thuận với Ukraine để khuyến khích các công ty và định chế tài chính hai quốc gia hợp tác trong các dự án đường sắt, cầu đường.

Bắc Kinh và Kiev đã đạt thỏa thuận phát triển đường sắt tại Ukraine. Ảnh: Kiev Post

Bắc Kinh và Kiev đã đạt thỏa thuận phát triển đường sắt tại Ukraine. Ảnh: Kiev Post

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết thỏa thuận được ký vào ngày 30/6 là diễn biến nối lại quan hệ mới nhất giữa Bắc Kinh và Kiev. Bộ Thương mại Trung Quốc vào ngày 11/7 tuyên bố hợp tác về cơ sở hạ tầng với Ukraine có thể “hỗ trợ xây dựng quan hệ kinh tế song phương gần gũi hơn và tạo nền móng vững chắc cho phát triển đối tác chiến lược giữa Bắc Kinh và Kiev trong tương lai”.

Ông Sergiy Gerasymchuk tại Viện Nghiên cứu Ukrainian Prism đánh giá thỏa thuận mới với Trung Quốc tạo bất ngờ cho chính dư luận trong nước, đặc biệt là khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tìm cách thắt chặt quan hệ đối tác an ninh với Mỹ và chính quyền Mỹ coi Bắc Kinh là đối thủ hàng đầu. Đối với Ukraine, Mỹ luôn là đối tác an ninh vô cùng quan trọng.

Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Về phần mình, Ukraine lại là nhà cung cấp ngô lớn nhất cho thị trường Trung Quốc. Ukraine từ lâu còn là nhà cung cấp quan trọng động cơ máy bay chiến đấu cho quân đội Trung Quốc.

Năm 2017, mối quan hệ Bắc Kinh-Kiev đã có bước lùi khi Ukraine ngừng thương vụ bán công ty sản xuất động cơ máy bay chiến đấu Motor Sich của nước này cho doanh nghiệp Trung Quốc Skyrizon sau sự phản đối quyết liệt của Mỹ. Trong tháng 1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky còn ký sắc lệnh đóng băng mọi tài sản của Skyrizon và áp đặt lệnh trừng phạt lên lãnh đạo công ty này là ông Wang Jing. Ông Gerasymchuk nhận xét Ukraine có thể muốn “sửa chữa mọi hậu quả tiêu cực” của thỏa thuận liên quan đến Motor Sich với Trung Quốc.

Ông Yurii Poita tại Mạng lưới Nghiên cứu Địa chính trị mới có trụ sở ở Ukraine nhận định: “Thay đổi trong quan điểm của Ukraine có thể bắt nguồn từ mục tiêu thay đổi chính sách châu Á của nước này với cân nhắc về cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như sự cân bằng lợi ích quốc gia của Ukraine”.

Bên cạnh đó, ông Sergiy Gerasymchuk đánh giá Ukraine đang gặp khó khăn với việc cải tổ chậm chạm khiến phương Tây trì hoãn hỗ trợ tài chính, do vậy Kiev sẽ hướng tới phát triển quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Bắc Kinh để “nhanh chóng lấy được nguồn vốn mà không mắc kẹt trong điều kiện về chính trị”.

Mặc dù Ukraine là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên ủng hộ sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình nhưng nước này lại không tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh dẫn đầu. Ngoài ra, cũng không có tiến trình đáng kể nào được thực hiện từ khi hai phía thống nhất thỏa thuận chung 7 tỷ USD năm 2017. Đàm phán về thỏa thuận tự do thương mại giữa hai quốc gia từ đó cũng đóng băng.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bat-ngo-voi-thoa-thuan-co-so-ha-tang-giua-trung-quoc-va-ukraine-20210711195953762.htm