Bát nháo thị trường bánh Trung thu online, có nơi bán chỉ 3.000 đồng/chiếc
Trước lễ Trung thu 2021, ngoài các thương hiệu bánh nổi tiếng trong nước, trên các nền tảng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử trong nước xuất hiện rất nhiều sản phẩm bánh Trung thu độc, lạ với nhiều mức giá khác nhau.
Bánh Trung thu trên chợ online, 3.000 đồng/chiếc cũng có
Trước lễ Trung thu 2021, ngoài các thương hiệu bánh nổi tiếng trong nước, trên các nền tảng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử trong nước xuất hiện rất nhiều sản phẩm bánh Trung thu độc, lạ với nhiều mức giá khác nhau.
Theo ghi nhận, một trong những sản phẩm bánh độc, lạ nhất trong dịp Trung thu năm nay, chính là các sản phẩm bánh cao cấp được gắn mác các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới, như Gucci, Louis Vuitton, Dior hoặc Burberry.
Bánh cao cấp được gắn mác các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới, như Gucci, Louis Vuitton, Dior hoặc Burberry.
Mức giá cho các sản phẩm này cũng không phải rẻ, từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/hộp gồm 4 chiếc bánh nướng.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, người đăng tải thông tin cho biết, các sản phẩm bánh Trung thu cao cấp Gucci, Dior hay Burberry là hàng gia công tại Hồng Kông, được một số thương hiệu bánh làm lại theo các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng. Hiểu một cách đơn giản, các sản phẩm bánh Trung thu cao cấp là hàng nhái, nhưng nhái một cách “cao cấp”.
Trong khi đó, trên các nền tảng thương mại điện tử, thị trường mua bán bánh Trung thu cũng rất sôi động, với nhiều chủng loại và giá bán. Có những sản phẩm bánh Trung thu mini được quảng cáo là hàng nhập khẩu, nhưng có giá chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/chiếc. Cũng có sản phẩm bánh được giới thiệu là hàng “Limited”, hàng giới hạn có giá lên tới hàng triệu đồng.
Bánh Trung thu có giá rẻ giật mình, 3.000 đồng/chiếc.
Điểm chung của các tiểu thương này là đều gian lận, mập mờ xuất xứ của sản phẩm. Thay vì nói đây là hàng nhái, làm giả nhãn hiệu, các cơ sở kinh doanh nói tránh đây là hàng nhập khẩu cao cấp, hàng gia công theo thương hiệu.
Đặc biệt, hầu hết các tiểu thương bán bánh Trung thu dạng này đều không có địa chỉ nơi bán, thay vào đó người bán sẽ giao dịch qua các kênh online và giao hàng tận nhà khách hàng có nhu cầu.
Ngay cả khi khách hàng có nhu cầu đến tận nơi xem trực tiếp sản phẩm, người bán khẳng định do các yếu tố dịch bệnh, giãn cách nên chỉ nhận bán online.
Quản lý thị trường phát hiện hàng loạt trường hợp bán bánh Trung thu nhập lậu
Trong khoảng 2 tuần trước lễ Trung thu 2021, Tổng Cục Quản lý thị trường, cùng các Cục Quản lý thị trường các địa phương đã phát hiện hàng loạt trường hợp kinh doanh các sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu, bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, ngày 17/9, Cục Quản lý thị trường Hà Nam đã phát hiện một cơ sở kinh doanh tại thành phố Phủ Lý đang bán 230 chiếc bánh nướng không có nhãn hàng hóa.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng trên. Quản lý thị trường Hà Nam đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số tiền xử phạt 8 triệu đồng thời buộc chủ cơ sở tự tiêu hủy 230 chiếc bánh nướng không rõ nguồn gốc.
Trước đó 1 ngày, tại Hà Nội, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ số lượng lớn, hơn 5.000 chiếc bánh trung thu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ tại quận Bắc Từ Liêm.
Chủ của lô hàng này là Nguyễn Văn N (SN 1992; trú tại xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), hiện đang thuê nhà tại đường Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại bánh trung thu nước ngoài là rất lớn nên N đã thu mua số lượng lớn bánh trung thu từ các tỉnh biên giới mang về để bán kiếm lợi trong mùa Trung thu này.
Do hàng hóa mua trên thị trường trôi nổi nên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không có giấy tờ kiểm định chất lượng. Để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, N thường tiến hành việc tập kết, giao nhận hàng hóa vào ban đêm.
Quản lý thị trường phát hiện hàng loạt trường hợp bán bánh Trung thu nhập lậu.
Theo Tổng Cục Quản lý thị trường, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có chiều hướng gia tăng, hoạt động quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch, trang thương mại điện tử, mạng xã hội... diễn ra sôi nổi, nhiều loại bánh Trung thu, đồ chơi trẻ em có mẫu mã đẹp, bắt mắt với giá cả phải chăng đã đánh trúng tâm lý người tiêu dùng, nhưng có một điểm chung là khó kiểm soát được nguồn gốc và khả năng bảo đảm an toàn khi tiêu dùng, sử dụng.
Trước thực trạng trên, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND các tỉnh, thành phố, Cục Quản lý thị trường các địa phương đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu năm 2021, kiểm soát thị trường, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường sẽ chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, nhãn hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, đo lường; các nguyên liệu, thành phẩm có nguồn gốc nước ngoài;...