Bát nháo tình trạng mua bán nhà ở xã hội, Hà Nội vào cuộc kiểm tra
Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra những vấn đề như xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định và yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm.
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội cùng các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì cùng các sở: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các quận, huyện, thị xã có dự án trên địa bàn lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.
Cụ thể việc kiểm tra sẽ tập trung vào những vấn đề như xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định.
Việc quản lý sử dụng nhà ở xã hội của các đối tượng đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn nhằm xác định các trường hợp bán lại, cho thuê, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và tự ý thay đổi thiết kế công trình, căn hộ.
Ngoài ra, lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu làm rõ việc lập dự toán, xác định giá bán và giá bán thực tế của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Cùng với đó, Hà Nội cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về nhà ở xã hội nếu có và đề xuất các biện pháp khắc phục.
“Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm” – văn bản của TP Hà Nội nêu rõ.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các tỉnh thành trên cả nước, trong đó có Hà Nội về việc tăng cường kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về một số tồn tại, bất cập, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk...
Không ít bất cập được nêu ra như đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định; việc lập dự toán theo phương án tính giá bán của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đúng; chủ đầu tư, khách hàng tự thay đổi thiết kế công trình, căn hộ; việc sử dụng căn hộ không đúng mục đích...
Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật. Điều này nhằm kịp thời chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại, bất cập nêu trên, tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Thực tế, tại Hà Nội, qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội đã phát hiện và xử lý một số trường hợp các đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích như: Cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích tại dự án 30 Phạm Văn Đồng (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy).
Cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng. Điển hình như dự án NƠXH tại ngõ 622 phố Minh Khai có 57 trường hợp; khu nhà ở xã hội tại ô đất CC-1 khu đô thị Quốc Oai có 65 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2 có 158 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 có 200 trường hợp...
Bộ Xây dựng thanh tra loạt điểm nóng chung cư, quỹ đất nhà ở xã hội
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thanh tra chuyên ngành năm 2022 mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã giao Thanh tra Bộ phối hợp với một số địa phương tiếp tục thanh tra chuyên đề diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư có nhiều đơn thư khiếu nại của cư dân.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Xây dựng được giao thanh tra chuyên đề diện rộng về việc dành quỹ đất để phát triển NƠXH, đặc biệt chú trọng đối với nhà ở công nhân theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại hội nghị ngày 03/11/2021 và theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 1889 ngày 26/10/2021.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội ở khu vực đô thị, đang tiếp tục triển khai 278 dự án trong đó hoàn thành xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô khoảng 54 nghìn căn hộ và đang tiếp tục triển khai khoảng 100 dự án nhà ở cho công nhân với khoảng 134 nghìn căn hộ. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra.