Bát nháo vận tải khách: Hợp đồng thiếu số, dư khách

Mở cao điểm kiểm tra, CSGT Bình Định, Khánh Hòa phát hiện loạt vi phạm xe hợp đồng trá hình, chở quá số người quy định, sử dụng bản hợp đồng đối phó.

Đủ chiêu đối phó vẫn không thoát

Cuối giờ chiều 14/7, xe phù hiệu hợp đồng biển số 77F-004.74 (logo Loan Phượng, thuộc Chi nhánh HTX Vận tải xe Hồng Hà, phường Tân Thành, quận Tân Phú, Tp.HCM) đón một số khách từ điểm đi Phú Tài (Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bẻ lái về phía Tp.Quy Nhơn trước khi dừng đỗ tại cây xăng dầu Phương Linh (gần Bến xe Quy Nhơn).

Đến khoảng 18h30, tài xế rời cây xăng, lượng một vòng qua bãi bắt khách đối diện Bến xe Quy Nhơn. Chừng ít phút nhận khách, tài xế này tiếp tục đánh lái xe 77F-004.74 ra QL1D trực chỉ vào Nam.

Trên xe này dán phù hiệu hợp đồng in số HĐ7923028028 do Sở GTVT Tp.HCM có giá trị đến tháng 8/2030. Không có gì đáng nói, nếu nhà xe và tài xế thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh xe phù hiệu hợp đồng, khi chỉ nhận một hợp đồng vận chuyển, có danh sách cụ thể, kèm điểm đón, trả khách tương ứng hợp đồng.

Tuy nhiên, ngay từ đầu hành trình, tài xế liên tục dừng đỗ ở những vị trí khác nhau để đón khách.

Xe Loan Phượng BKS 77F - 004.74 đón khách lẻ tại cây xăng dầu Phương Linh, phường Ghềnh Ráng, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Xe Loan Phượng BKS 77F - 004.74 đón khách lẻ tại cây xăng dầu Phương Linh, phường Ghềnh Ráng, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Chiếc xe cứ thế bon bon qua địa phận Bình Định, Phú Yên. Đến khoảng 23h ngày 14/7, khi lưu thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), chiếc xe logo Loan Phượng bất ngờ bị tổ Tuần tra kiểm soát của Trạm CSGT Ninh Hòa (thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh Khánh Hòa) ra hiệu lệnh kiểm tra.

Không do dự, tài xế xe này thản nhiên chưng "tấm bùa" hợp đồng vận chuyển của Chi nhánh HTX VT Xe Hồng Hà do Giám đốc Nguyễn Văn Huy ký, cùng bản danh sách hành khách kèm theo trên xe 77F-004.74.

Trạm CSGT Ninh Hòa đang kiểm tra xử lý xe Loan Phượng BKS 77F - 004.74.

Trạm CSGT Ninh Hòa đang kiểm tra xử lý xe Loan Phượng BKS 77F - 004.74.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ Tuần tra kiểm soát kiểm đếm từng hành khách, đối soát thông tin liên quan, phát hiện xe khách này chở nhiều hành khách không có tên trong hợp đồng và số lượng đăng ký trong hợp đồng.

Trước bằng chứng không thể bao biện, tài xế Nghĩa thừa nhận hành vi của mình, viết biên bản xác nhận "bắt" thêm 4 khách không có tên trong danh sách hợp đồng.

Tổ Tuần tra kiểm soát tiến hành lập biên bản vi phạm lỗi "sử dụng xe kinh doanh vận tải hành khách theo Hợp đồng chở người không có tên trong danh sách hành khách" theo quy định, tạm giữ GPLX, phù hiệu xe hợp đồng.

Đáng nói, ghi nhận phóng viên, dễ thấy, bản Hợp đồng vận chuyển khách của nhà xe này không đầy đủ thông tin, để trống cả số hợp đồng và chỉ ghi điểm đón tại 240 Lạc Long Quân (Tp.Quy Nhơn), nhưng tài xế lại đón khách ở nhiều vị trí khác nhau.

Bản xác nhận của lái xe Loan Phượng BKS 77F - 004.74 đón thêm 4 khách không có tên trong danh sách hợp đồng.

Bản xác nhận của lái xe Loan Phượng BKS 77F - 004.74 đón thêm 4 khách không có tên trong danh sách hợp đồng.

Thực tế, Loan Phượng là một trong loạt nhà xe (Tân Hoa Châu, Hoa Nho, Quốc Hùng…) mà nhóm phóng viên Người Đưa Tin vào cuộc điều tra trước đó, ghi nhận loạt dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật: xe hợp đồng đón khách lẻ, không có danh sách hành khách, xe cố định bỏ bến chạy dù, không có lệnh vận chuyển…

Tuy nhiên, dù cơ quan chức năng, địa phương mở cao điểm tổng kiểm tra vận tải khách, nhà xe Loan Phượng vẫn "nhờn luật", đối phó bằng hợp đồng thiếu thông tin, thừa khách.

Hợp đồng vận chuyển hành khách của xe Loan Phượng BKS 77F - 004.74 không đầy đủ thông tin, không có số hợp đồng.

Hợp đồng vận chuyển hành khách của xe Loan Phượng BKS 77F - 004.74 không đầy đủ thông tin, không có số hợp đồng.

Theo lãnh đạo Trạm CSGT Ninh Hòa, thực hiện chỉ đạo của Phòng CSGT, Công an tỉnh, đơn vị tổng kiểm tra các xe khách lưu thông trên tuyến, kiên quyết đấu tranh để xử lý vi phạm xe phù hiệu hợp đồng, xe cố định, góp phần lập lại trật tự vận tải trên tuyến.

Đồng thời, đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để các nhà xe chấp hành nghiêm quy định pháp luật về điều kiện hoạt động, đảm bảo an toàn giao thông, quyền lợi khách hàng.

Vẫn nhức nhối vi phạm bỏ bến, "nhồi nhét" khách

Ghi nhận tại Tổ Tuần tra kiểm soát Trạm CSGT Tuy Phước (Phòng CSGT, Công an tỉnh Bình Định), trong ngày 14/7, tình trạng vi phạm các xe hợp đồng, xe cố định vẫn diễn ra khá phổ biến. Không chỉ các xe hoạt động tuyến Bình Định, nhiều xe khách tuyến Bắc – Nam lưu thông qua tỉnh này vẫn vi phạm.

Tối 14/7, kiểm tra xe chở khách logo Thảo Nguyên, biển số 77F - 005.92, chạy tuyến Bồng Sơn (tỉnh Bình Định) – Bến Cát (Tp.HCM), tổ Tuần tra kiểm soát Trạm CSGT Tuy Phước phát hiện tài xế xe khách này không trình được lệnh vận chuyển theo quy định.

Tổ công tác tiến hành lập biên bản tài xế xe này với lỗi vận chuyển hành khách theo tuyến cố định không có lệnh vận chuyển theo quy định tại điểm i khoảnh 5 điều 23 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan chức năng tạm giữ giấy phép lái xe.

Trạm CSGT Tuy Phước kiểm tra và phát hiện tài xế xe khách Thảo Nguyên BKS 77F - 005.92 vận chuyển hành khách theo tuyến cố định không có lệnh vận chuyển theo quy định.

Trạm CSGT Tuy Phước kiểm tra và phát hiện tài xế xe khách Thảo Nguyên BKS 77F - 005.92 vận chuyển hành khách theo tuyến cố định không có lệnh vận chuyển theo quy định.

Theo nguồn tin của Người Đưa Tin, xe khách Thảo Nguyên đăng cố hoạt động tuyến cố định 77F 005.92 Bồng Sơn- Bến Cát bỏ bến 60 ngày nay, nhưng nhà xe vẫn vô tư bắt khách, chạy chui. Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế cho hay, nhà xe yêu cầu tài xế vào bến theo quy định. Nhưng do nhà xe có sự thay đổi liên tục về tài xế và anh em (lái xe) cũng muốn "lách bến" để kiếm thêm… ly cà phê.

Tìm hiểu của PV, với quy định hiện hành của tỉnh Bình Định, một xe khách giường nằm vào bến xe cấp huyện, phải đóng các khoản thuế, phí, chi phí khoảng 200-250.000 đồng/xe/lượt.

Cùng thời điểm này, kiểm tra xe khách Phương Hiếu, biển số 49B - 012.07 (thuộc HTX Vân tải Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), tổ Tuần tra kiểm soát, phát hiện xe khách này không gắn phù hiệu theo quy định. Tổ CSGT làm nhiệm vụ, lập biên bản, tạm giữ Giấy phép lái xe tài xế Phùng Than Lân (sinh năm 1982, xã Thạch Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký xe Phương Hiếu, biển số 49B-012.07.

Tương tự nhà xe Loan Phượng, nhà xe Dũng Thủy, biển số 77F-005.38 (thuộc HTX Dịch vụ vận tải Cường Thịnh) nhận hợp đồng chở khách từ Bình Định vào Tp.HCM. Với phù hiệu hợp đồng, khi bị Tổ Tuần tra kiểm soát Trạm CSGT Tuy Phước kiểm tra, tài xế Nguyễn Lý Hiếu (sinh năm 1976, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) ung dung trình danh sách hợp đồng.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng làm rõ 3 người trên xe không có trong danh sách đăng ký, vi phạm theo điểm n, khoản 6 điều 28 của Nghị đinh 100/NĐ-CP của Chính phủ. Tổ Tuần tra kiểm soát tạm giữ giấy chứng nhận kiểm định và phù hiệu của nhà xe Dũng Thủy, biển số 77 F- 005.38, lập các biên bản hành chính liên quan.

Tối 14/7, xe khách Trung Thành, biển số 77 H-050.92 (loại xe 26 phòng, thuộc Công ty TNHH Vận tải thương mại Trung Thành, phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bắt đầu hành trình chở khách từ An Nhơn (tỉnh Bình Định) vào Bến xe Miền Đông. Khi vừa đến địa phận thị trận Tuy Phước (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), xe khách này gặp chốt kiểm tra của Trạm CSGT Tuy Phước.

Tại đây, tổ tuần tra phát hiện tài xế Nguyễn Văn Hồng (sinh năm 1973, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) điều khiển xe khách Trung Thành chở 30 khách, vượt 4 hành khách so với quy định.

Với lỗi vi phạm này, lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với tài xế Nguyễn Văn Hồng. Đồng thời, yêu cầu tài xế phải thực hiện bố trí sang khách đúng số lượng trước khi tiếp tục lưu thông; ngoài ra lực lượng chức năng tạm giữ giấy chứng nhận kiểm định đối với phương tiện này.

Theo lãnh đạo Trạm CSGT Tuy Phước, sau những ngày đầu mở cao điểm tổng kiểm tra xe khách, đơn vị xử lý hơn chục trường hợp vi phạm. Bước đầu, một số xe trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực, như đưa xe vào bến, ký lệnh vận chuyển, có hợp đồng, danh sách hành khách. Tuy nhiên, đơn vị tiếp tục tăng cường biện pháp nghiệp vụ, để xử lý nghiêm những hành vi cố tình đối phó, lách luật, đặc biệt nạn xe khách trá hình.

Tương tự, lãnh đạo Phòng CSGT, Công an tỉnh Phú Yên cho biết, đơn vị chỉ đạo Trạm CSGT Tuy An và các đơn vị chức năng để tập trung kiểm tra xe khách lưu thông qua địa bàn. Đến nay xử lý 2 trường hợp vi phạm và tiếp tục tăng cường trong những ngày tới.

Bến xe gặp khó trong công tác quản lý

Trao đổi với Người Đưa Tin về tình hình xe khách đăng ký hoạt động tuyến cố định nhưng bỏ bến, ông Huỳnh Văn Chương - Giám đốc Bến xe Bình Dương - Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), nhìn nhận, việc các nhà xe hoạt động không vào bến như quy định gây ra nhiều hệ lụy trong công tác quản lý, vận hành và khai thác bến bãi.

Bến xe Bình Dương - Phù Mỹ hiện có có 22 nhà xe đăng ký hoạt động, con số này giảm rất nhiều so với trước đây. Trong số này có khoảng 2-3 nhà xe thường xuyên bỏ bến, còn lại các nhà xe khác hoạt động tuy không đảm bảo 70%, chỉ khoảng 50-60%.

Theo ông Chương, trước đây, bến có khoảng 50- 70 nhà xe đăng ký vào bến. Tuy nhiên thời gian này, nhiều nhà xe đã xin rút ra khỏi bến.

"Chúng tôi quản lý đúng quy định, quản lý chặt chẽ, trường hợp nhà xe hoạt động 2 tháng liên tục mà không đúng tỷ lệ là chúng tôi báo cáo Sở GTVT để xử lý. Nhưng "nghịch lý" khi mình làm tốt, làm đúng thì các nhà xe lại xin rút bến, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý bến bãi", ông Chương nói.

Tương tự, ở Bến xe Bồng Sơn (phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đang có 70 xe đăng ký hoạt động liên tỉnh, nội tỉnh Bồng Sơn - Quy Nhơn là 43 xe. Qua rà soát, Bến xe Bồng Sơn thống kê có khoảng 5 nhà xe thường xuyên bỏ bến, chủ yếu là xe khách liên tỉnh.

Cũng trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc chi nhánh Bến xe Bồng Sơn thừa nhận, việc nhà xe không vào bến bãi theo quy định gây khó khăn cho công tác quản lý. Ngoài ra, điều này gây ra tình trạng bát nháo trong quá trình vận tải hành khách, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động của các nhà xe.

Phải xử phạt thật nặng, quyết liệt không nương tay

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Đại học Giao thông vận tải cho hay, xe dù, bến cóc là xe chạy bất hợp pháp, không có đăng ký kinh doanh, không đảm bảo diện tích, không bến, không bờ, đưa đón khách vô tội vạ. Dù đã tồn tại từ rất lâu và nhiều lần bị lên án, nhưng hiện tượng xe dù, bến cóc vẫn hoạt động ngang nhiên.

Trách nhiệm thuộc về thanh tra giao thông, bên cạnh đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương tại sao những bến xe đậu bừa bãi, bất hợp pháp vẫn được ngang nhiên hoạt động như vậy.

Việc tồn tại của loại hình này tạo nên hệ quả cạnh tranh thiếu lành mạnh đối với những xe đã có hoạt động kinh doanh có đăng ký và đóng thuế đầy đủ cho nhà nước. Do đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa và quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương.

"Trách nhiệm thuộc về ai thì cần chờ câu trả lời chính đáng của bộ, ngành giao thông vận tải và của lực lượng cảnh sát giao thông để có thể đưa ra phương án xử lý triệt để. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm cần xử lý hành chính thật nặng, xử phạt thật cao để họ không dám và không muốn làm nữa, đặc biệt xử lý triệt để và quyết liệt không nương tay", PGS.TS Nguyễn Hồng Thái nói.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) nhìn nhận, hoạt động của xe dù, bến làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh thị phần trong ngành vận tải, thất thoát về ngân sách.

Theo quy luật thị truờng có cung mới có cầu, vì người sử dụng chỉ chú ý đến sự tiện lợi, nhanh chóng của các loại hình này nên vẫn nương theo nó, bỏ qua vấn đề về an toàn, chất lượng dịch vụ nên loại hình xe dù, bến cóc mới có nguồn thu để tiếp tục hoạt động.

Do đó, bên cạnh việc nâng cao quản lý, giám sát từ phía chính quyền thì người dân - người trực tiếp sử dụng các dịch vụ xe dù, bến cóc cũng cần được nâng cao nhận thức qua hình thức tuyên truyền.

"Trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý là làm sao phổ biến cho người dân hiểu việc tiếp tục sử dụng xe dù, bến cóc trực tiếp gây ảnh huởng đến quyền lợi và tính mạng, an toàn của họ. Còn đối với phía các cá nhân còn lộng hành cần mạnh tay xử lý vi phạm, quản lý triệt để, địa phương cũng cần vào cuộc cùng các cơ quan chức năng để nâng cao trách nhiệm giám sát của mình", ông Hòa nói.

Theo Nghị định 100/2020/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 41/2024/NĐ-CP liên quan quản lý, hoạt động vận tải bằng xe ô tô…)

a) Chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết;

b) Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau;

c) Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh;

…..

Mạnh Quốc - Thu Dịu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bat-nhao-van-tai-khach-hop-dong-thieu-so-du-khach-204240715142008233.htm