Bát nháo vận tải khách Thanh Hóa - Hà Nội: Lập bến cóc, dùng xe hết niên hạn chở khách

Hàng loạt xe khách tuyến cố định liên tỉnh Sầm Sơn (Thanh Hóa) – Hà Nội có dấu hiệu 'vượt' bến, lập bến cóc ngay trong nội thành TP Sầm Sơn để đón/trả khách. Ngay khi bị phản ánh, nhắc nhở liền đổi vị trí, vào bến một cách chống chế.

Đổi bến cóc, nhiều mánh khóe vi phạm

Trong các ngày từ 27-29/6, PV Báo Giao thông tiếp tục phát hiện nhiều vi phạm của hàng loạt xe khách các nhà xe Hải Hạnh, Thắng Thanh, Tuân Yến trong hoạt động kinh doanh vận tải tuyến cố định bến xe Sầm Sơn - bến xe Giáp Bát.

Xe khách nhà xe Hải Hạnh (ảnh 1) không vào bến khi từ Sầm Sơn đi Hà Nội chiều 27/6. Xe khách nhà xe Tuân Yến, Thắng Thanh vượt bến khi từ Hà Nội về Sầm Sơn (ảnh 2 và 3).

Xe khách nhà xe Hải Hạnh (ảnh 1) không vào bến khi từ Sầm Sơn đi Hà Nội chiều 27/6. Xe khách nhà xe Tuân Yến, Thắng Thanh vượt bến khi từ Hà Nội về Sầm Sơn (ảnh 2 và 3).

Đáng chú ý, ngay khi được hai đầu bến nhắc nhở sau phản ánh của PV về việc đón/trả khách bên ngoài, sử dụng lệnh vận chuyển giả, nhà xe Hải Hạnh liền đổi vị trí đón khách.

Khoảng 10h30 ngày 29/6, thay vì phía cuối đường Nguyễn Du, chiếc xe khách Hải Hạnh BKS 36B – 035.32 lại xuất hiện tại con ngõ nhỏ đối diện khách sạn Sầm Sơn trên đường Nguyễn Du.

Tài xế cho xe dừng đỗ 20 phút để xếp khách lên xe. Từng nhóm hành khách được đưa đến bằng xe trung chuyển. Sau khi gom đủ khách, chiếc xe lùi dần ra đường Nguyễn Du, chạy thẳng về phía bến xe Sầm Sơn, ghé bến chừng 3 phút đóng lệnh rồi chạy thẳng QL47 hướng TP Thanh Hóa để ra Hà Nội.

Xe khách Hải Hạnh lập bến cóc, dùng xe hết niên hạn chở khách.

Cũng tại vị trí này, khoảng 12h45 cùng ngày, xe Hải Hạnh BKS 36H – 064.34 sau khi đón đủ khách, tiếp tục di chuyển về phía bến xe Sầm Sơn. PV Báo Giao thông tận thấy việc đóng lệnh xuất bến diễn ra chóng vánh đến ngỡ ngàng, thậm chí, chiếc xe khách chẳng cần phải vào bến để nhân viên bến xe kiểm tra tài xế, phương tiện và số lượng hành khách trên xe mà dừng đỗ ngược chiều ngay phía ngoài cổng bến.

Phụ xe cầm tờ lệnh vận chuyển, nhanh chân chạy vào khu nhà công vụ trong bến, lúc này, chiếc xe từ từ tiến sang đường đối diện bến chờ.

3 phút sau, phụ xe cầm "lệnh bài" có dấu xuất bến của bến xe khách Sầm Sơn ghi rõ giờ xuất bến 12h50, nhảy lên xe, tài xế cho xe đi thẳng QL47 lên TP Thanh Hóa và chạy về Hà Nội.

Đáng chú ý, đây là lốt giờ không nằm trong danh sách số lốt được chấp thuận tuyến bến xe Sầm Sơn - bến xe Giáp Bát của nhà xe này.

Xe khách Hải Hạnh đổi vị trí đón khách tại con ngõ nhỏ đối diện khách sạn Sầm Sơn trên đường Nguyễn Du sáng 29/6.

Xe khách Hải Hạnh đổi vị trí đón khách tại con ngõ nhỏ đối diện khách sạn Sầm Sơn trên đường Nguyễn Du sáng 29/6.

Sai lộ trình, thu giá vé trái quy định

Khác với Hải Hạnh, nhà xe Thắng Thanh vẫn đều đặn đưa xe vào bến đóng lệnh xuất bến song thay vì xếp khách tại bến và theo QL47 lên TP Thanh Hóa về Hà Nội theo đúng lộ trình, tài xế sau khi cho xe xuất bến liền di chuyển về văn phòng trên đường Lê Lợi để đón khách.

Xe khách Thắng Thanh từ bến xe Sầm Sơn đi sai hành trình đón khách trên đường Tây Sơn (ảnh 1) và tại văn phòng trên đường Lê Lợi (ảnh 2) sáng 27/6.

Xe khách Thắng Thanh từ bến xe Sầm Sơn đi sai hành trình đón khách trên đường Tây Sơn (ảnh 1) và tại văn phòng trên đường Lê Lợi (ảnh 2) sáng 27/6.

4h50 sáng 28/6, xe khách 36F – 005.41 từ văn phòng di chuyển đến trước một khách sạn trên đường Tây Sơn, đỗ trái đường khoảng 10 phút đón nhóm khách khoảng 10 người lên xe.

Tài xế sau đó tiếp tục cho xe di chuyển về văn phòng, dừng đỗ tại đây tiếp tục đón thêm nhiều khách khác trước khi cho xe vượt qua bến xe Sầm Sơn theo QL47 lên TP Thanh Hóa về Hà Nội.

Xe Thắng Thanh sai lộ trình đón/trả khách.

Ghi nhận của PV lúc 9h10 sáng 29/6, tại văn phòng nhà xe Thắng Thanh trên đường Lê Lợi, khoảng hai mươi hành khách ngồi chờ la liệt ở khoảng sân phía trước.

9h20, xe khách vẫn BKS 36F – 005.41 xuất hiện phía trước văn phòng đón hành khách lên xe, nhân viên nhà xe cũng hối hả xếp hành lý, hàng hóa phía dưới cốp xe.

5 phút sau, một chiếc xe trung chuyển về tới, khoảng 5-7 hành khách bước xuống cũng nhanh chân leo lên chiếc xe khách giường nằm đang đợi sẵn.

Khung cảnh xếp khách diễn ra nhộn nhịp giữa ban ngày trong khoảng 20 phút, đến 9h40, tài xế cho xe chạy thẳng, vượt qua bến xe và chạy thẳng trên QL47 hướng lên TP Thanh Hóa.

Ở chiều ngược lại, tương tự xe Hải Hạnh, những chiếc xe BKS 36B – 024.80, 36F – 005.40 của nhà xe Thắng Thanh; BKS 36B – 036.57 (nhà xe Tuân Yến) trong các ngày 27 - 29/9 khi chở khách từ Hà Nội - Sầm Sơn cũng không vào bến xe Sầm Sơn, thay vào đó chạy thẳng về văn phòng để trả khách, kết thúc hành trình.

Xe khách Thắng Thanh đón khách tại văn phòng trên đường Lê Lợi lúc 9h10 sáng 29/6.

Xe khách Thắng Thanh đón khách tại văn phòng trên đường Lê Lợi lúc 9h10 sáng 29/6.

Trực tiếp di chuyển trên xe khách BKS 36B – 024.80 của nhà xe Thắng Thanh xuất bến lúc 8h20 ngày 27/6 tại bến xe Giáp Bát về Sầm Sơn, PV ghi nhận tình trạng nhân viên nhà xe xếp hai khách (độ tuổi trưởng thành) cùng nằm trên một cabin và thu giá 350 nghìn đồng/cabin; trong khi theo thiết kế mỗi cabin chỉ dành cho một người (trừ trường hợp bố mẹ dẫn theo con nhỏ) và giá niêm yết 200 nghìn đồng/cabin/người.

Điều này không chỉ vi phạm quy định về niêm yết giá vé của xe tuyến cố định mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Một lãnh đạo trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội cho biết, việc xếp hai khách trên một cabin không đúng thiết kế của nhà sản xuất có thể làm lệch trọng tâm, mất cân bằng khi xe di chuyển, nhất là khi xe vào các khúc cua nguy hiểm.

Xe khách Hải Hạnh dùng xe hết niên hạn (ảnh 1) và xe khách Thắng Thanh dùng xe không biển số (ảnh 2) trung chuyển hành khách.

Xe khách Hải Hạnh dùng xe hết niên hạn (ảnh 1) và xe khách Thắng Thanh dùng xe không biển số (ảnh 2) trung chuyển hành khách.

Dùng xe hết niên hạn, hết đăng kiểm chở khách

Không chỉ lập bến cóc tại văn phòng, nhà xe Thắng Thanh, Hải Hạnh còn sử dụng xe hết niên hạn, hết đăng kiểm, thậm chí xe không có biển số để trung chuyển hành khách từ nhà đến văn phòng và ngược lại.

Các xe này đều là ô tô khách 16 chỗ, trong đó, nhà xe Thắng Thanh sử dụng xe 36K - 039.55 theo tra cứu phương tiện không có trên hệ thống đăng kiểm.

Ngoài ra, nhà xe này còn có xe trung chuyển khác BKS 14D – 016.89 là ô tô tải hoán cải thêm ghế chở khách, chở hàng, không có tem kiểm định. Theo tra cứu phương tiện, xe này đã hết hạn đăng kiểm từ ngày 16/1/2023.

Một chiếc xe khác không có biển số xe vẫn được nhà xe này sử dụng thường xuyên để đưa đón hành khách. Ngay sau khi PV Báo Giao thông phản ánh với cơ quan quản lý, lực lượng chức năng trên địa bàn, đến ngày 29/6, nhà xe liền in một tờ giấy nội dung "Xe đi đăng ký" dán ở kính lái phía trước hòng "che mắt" lực lượng chức năng.

Nguy hiểm hơn cả, khoảng 17h23 ngày 27/6, PV còn ghi nhận nhà xe Hải Hạnh sử dụng xe BKS 35N – 9515 trung chuyển hành khách sau chuyến đi từ Hà Nội về Sầm Sơn. Theo tra cứu, phương tiện này được sản xuất năm 2002, có niên hạn 20 năm, đến nay đã hết hạn 2 năm.

Liên quan đến các vi phạm của các nhà xe trên, PV Báo Giao thông đã phản ánh đến Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Thanh Hóa. Lãnh đạo Phòng này cho biết, thời gian vừa qua, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách tại Thanh Hóa được nâng cao, người dân có nhiều lựa chọn để di chuyển với cung cách phục vụ ngày càng văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có thể còn tồn tại những bất cập như Báo Giao thông phản ánh, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, sẽ rà soát, kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trên nhằm mang lại môi trường vận tải lành mạnh, đúng quy định pháp luật và đảm bảo an toàn giao thông cho hành khách.

Lãnh đạo Đội CSGT - TT Công an TP Sầm Sơn cũng cho biết, ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của Báo Giao thông, cùng với hình ảnh PV cung cấp, trong các ngày 1-2/7, Đội CSGT-TT TP Sầm Sơn đã có giấy mời các nhà xe, bến xe lên làm việc.

"Là địa bàn du lịch nên lượng phương tiện đi/đến Sầm Sơn mỗi ngày đều rất đông, nhất là trong thời điểm dịp hè hiện nay. Thời gian qua, Đội CSGT - TT Công an TP Sầm Sơn cũng nhiều lần ra quân xử lý, xử phạt tình trạng đón trả khách sai quy đinh của các đơn vị vận tải, tuy nhiên, do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên nhiều đơn vị lợi dụng lúc vắng bóng lực lượng chức năng lại tiếp tục vi phạm", lãnh đạo Đội CSGT - TT Công an TP Sầm Sơn nói.

Đồng thời cho biết: Sau phản ánh của Báo Giao thông sẽ quyết liệt kiểm tra, xử lý vi phạm của các nhà xe khi lập bến cóc đón/trả khách, sử dụng xe không đủ điều kiện tham gia giao thông vận chuyển hành khách cũng như các vi phạm khác liên quan đến quy định hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định.

Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung quy định Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định điều khiển ô tô quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng, mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển xe từ 4-6 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. Đối với chủ xe là tổ chức (doanh nghiệp), phạt từ 12-16 triệu đồng.

Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng nếu điều khiển xe ô tô khách quá niên hạn; đồng thời, bị tịch thu phương tiện, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Nếu chủ xe là tổ chức (doanh nghiệp) sẽ bị phạt từ 8-12 triệu đồng nếu đưa phương tiện quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bat-nhao-van-tai-khach-thanh-hoa-ha-noi-lap-ben-coc-dung-xe-het-nien-han-cho-khach-192240703081903248.htm